Ý nghĩa 7 bước chân của Đức Phật khi Đản sinh

Đức Phật

Hàng năm đến dịp tháng tư âm lịch, những hàng đệ tử của Đức Phật trên thế giới lại hân hoan đón mừng ngày Phật Đản. Sự Đản sinh của Đức Phật đã mở ra cho nhân loại con đường giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi cho hết thảy chúng sinh trong nhiều kiếp.

Sự kiện Đức Phật Đản sinh có nhiều điều kì lạ và hơn hết chúng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Theo lịch sử Phật giáo, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Đản sinh liền đi 7 bước và sau đó dừng lại, vậy ý nghĩa 7 bước chân của Đức Phật là gì, tại sao không phải là 6 bước mà lại là 7 bước, mọi người hãy cùng đón xem bài viết dưới đây để hiểu được ý nghĩa đó là gì nhé.

Đức Phật

7 bước chân của Đức Phật khi Đản sinh và ý nghĩa đặc biệt

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được coi là nhân vật vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại có nhân cách và trí tuệ siêu việt. Cuộc đời của Ngài gắn liền với các sự kiện vi diệu mà chỉ xuất hiện ở những bậc vĩ nhân. Một trong số đó là ngay khi vừa sinh ra, Ngài đã bước đi 7 bước, và mỗi bước Ngài đi đều có hoa sen hiện ra nâng gót.

Số 7 là một con số đặc biệt bởi các luận thuyết của nền triết học phương Đông và phương Tây đều đề cập đến con số 7 này. Đối với triết học phương Đông thì đây là con số biểu trưng của sự hoàn hảo nhiếp thâu cả vũ trụ trên 7 nguyên lý của thời gian và không gian.

Đối với phương Tây, thì Thiên Chúa là đấng sáng tạo ra vũ trụ trong sáu ngày và ngày thứ bảy Ngài nghỉ ngơi. Người Do Thái thì coi số bảy là con số thông minh và vì vậy trong 1 năm học có 7 ngày Thánh lễ lớn.

Theo tinh thần của Phật giáo thì hầu hết trong các Kinh điển thường đề cập đến con số 7. Theo tư tưởng kinh Hoa Nghiêm thì số bảy biểu đạt cho sự bao hàm của toàn bộ vũ trụ như: trên, dưới, trong, ngoài, trái, phải và chính giữa.

Ngoài ra, trong Kinh Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi và kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Diệu Pháp môn phẩm Thụy Ứng cũng ghi sự Đản sinh của Đức Phật được đánh dấu qua tiến trình bảy bước nở hoa sen.

Đức Phật

Bước thứ nhất:

Đức Phật Thích Ca Mâu ni nhìn về Phương Đông và cho rằng: “Thị Đông phương vị chúng sinh vi đạo thủ cố” có nghĩa là Phương Đông ấy chính là ngọn đuốc soi đường tối thượng cho chúng sinh trong mọi lĩnh vực. Đức Phật đã lấy phương Mặt Trời mọc nhằm chỉ sự phát huy trí tuệ.

Trong tất cả, từ kẻ phàm phu đến những quả vị Thánh hiền, ai cũng cần đến ánh sáng của trí tuệ. Chính trí tuệ là ngọn đuốc sáng rọi cho con đường chân – thiện – mỹ, trong đó yêu tố “Văn hóa là chìa khóa mở đầu”. Bất kể trường đời hay trường đạo đều lấy sự giáo dục làm đầu. Bởi vì “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu thì chỉ là thư viện chứa sách”.

Do đó trong bước đầu học Phật, hành giả phải thu nhận tri thức Phật học qua các kinh – luật – luận do Đức Phật và chư Tổ để lại. Trên cơ sở giữa lý trí và thực nghiệm thì hình thành cho mình một phàm tuệ nhằm chuyển hóa thân tâm và ngoại tại. Sau đó, Phật tử mới thú hướng thánh tuệ qua việc thiền định, để vượt thoát dòng sinh tử luân hồi.

Bước thứ hai:

Khi Đức Phật bước thứ hai thì nhìn về phương Nam và cho rằng: “Thị Nam phương vị chúng sinh lương phước điền cố” có nghĩa là Phương Nam ấy chính là ruộng phước an lành cho chúng sinh gieo gặt”. Đức Phật chỉ phương Nam cho chúng sinh biết được rằng nhờ phát huy trí tuệ mà biết quán chiếu vào sâu trong lòng thực tại và nên biết quy hướng những nghiệp nhân tốt lành.

Một khi đã hình thành tri thức Phật học, thì hành giả đem ra quán chiếu, hành trì nhằm chuyển hóa cả nội và ngoại tại, khiến cho thế giới cộng thông. Từ đó, giúp đem đến sự bình ổn, an lạc cho cuộc sống và hạnh phúc cho loài người, chan hòa cho vạn loại hữu tình.

Khi đó, hành giả thấy rõ luật nhân quả tương ứng trong cuộc sống, và không phó thác đời mình cho đấng siêu nhiên nào, không đổ lỗi, cũng không quay lưng hay chạy trốn khỏi thực tại.

Đức Phật dạy: “Đạp mây uống nước cam lộ cũng tại các ngươi; mà đào sâu hố thẳm địa ngục cũng chính tại các ngươi chứ không do ai khác”. Một biệt nghiệp tương tác vào cộng nghiệp; và chính những cộng nghiệp cũng chi phối đến từng cá nhân. Thấy thế giới đảo điên là do lòng người điên đảo và rồi cùng nhau tạo ra bao nhiêu nỗi thống khổ cho thế gian này.

Bước thứ ba:

Bước thứ ba của Đức Phật nhìn về phương Tây và bảo rằng: “Thị Tây phương vị chúng sanh dĩ tối hậu thân cố” tức Phương Tây ấy chỉ cho chúng sinh cách hóa giải động cơ sinh tử, chấm dứt sinh thân cuối cùng”. Phương Tây là phương của Mặt Trời lặn, nhằm chỉ cho sự an nghỉ tuyệt đối của tâm thức.

Bước thứ tư:

Đức Phật nhìn về phương Bắc và cho rằng: “Thị Bắc phương vị chúng sinh ngã đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” tức có nghĩa Phương Bắc ấy chỉ cho chúng sinh là ta đã được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác”. Đến đây, Đức Phật bắt đầu lăn chuyển bánh xe pháp. Ngài giống như vị lương y biết tất thảy bệnh tâm của chúng sinh, ai bị bệnh nặng thì được Ngài cứu trước. Vậy nên, Ngài chuyển qua bước thứ năm tiếp cận với cuộc đời nhằm tùy duyên hóa độ.

Bước thứ năm:

Bước này, Đức Phật nhìn xuống phương dưới và cho rằng: “Thị Hạ phương vị chúng sinh dị dục hàng ma cố” có nghĩa là Phương dưới ấy ta sẽ giúp cho chúng sinh chinh phục ma lực mà vượt thoát khổ đau”.

Bời lòng thương đến nhân sinh có nhiều đau khổ do cố chấp, tham, sân… gây ra nên Ngài đã tùy duyên thuyết chân lý cho mọi người từ bỏ những tham chấp ấy. Từ nông thôn đến thành thị, từ rừng già hoang vu đến phố phường tấp nập, từ giai cấp thượng lưu đến những người bần cùng nghèo khó; đều được Đức Phật cứu nguy và cho thuốc tùy bệnh nặng hay nhẹ.

Bước thứ sáu:

Đức Phật chỉ lên phương trên và bảo rằng: “Thị Thượng phương vị chúng sinh quy y thiên nhân cố” tức có nghĩa Phương trên ấy là chỉ chúng sinh đang sống đúng với năm nhân cách và tu tập mười thiện nghiệp. Đó là những thiện nghiệp mà mọi chúng sinh cần thực tập để thoát khỏi khổ đau.

Bước thứ bảy:

Sau khi bước 6 bước đi với những ý nghĩa khác nhau thì Đức Phật bước đến bước thứ 7 và dừng lại, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất và bảo rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. 

Nếu hiểu theo nghĩa chữ Hán trong thế gian thì cái ngã trong cái hiểu của chữ hán là tôi, là ta. Thế nhưng cái ngã trong nhà Phật không phải như vậy, mà là Đại Ngã. Lại cũng không phải cái ngã to lớn của tham sân si chúng ta, mà cái ngã ở đây là bản thể, là Phật tính sẵn có trong mỗi chúng sinh, trong đó có con người chúng ta. 

Vì vậy, ý nghĩa của câu nói trên có thể hiểu rằng trên trời dưới đất, chỉ có cái bản thể, cái chân như, cái Phật tính sẵn có trong mỗi chúng sinh mới là cái duy nhất đem đến sự an lạc, miên viễn, hạnh phúc vĩnh cửu, bất sinh bất diệt, vô khứ vô lai.

Kết luận

Trên đây là ý nghĩa của 7 bước chân của Đức Phật khi Đản sinh, hy vọng thông qua bài viết trên, quý vị đã hiểu được ý nghĩa của những bước đi với ý nghĩa riêng biệt và tối thượng của Đức Phật.

Lại một mùa Phật đản nữa sắp tới, mong nguyện ngày Khánh Đản sẽ được lan tỏa, tôn vinh và nhân rộng khắp muôn nơi; để khắp chúng sinh ai ai cũng biết quay về nương tựa vào Phật pháp. Từ đó sớm thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử luẩn quẩn để được an vui mãi mãi.

 

Phật Sự Tản Viên biên tập

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares