Đại lễ Phật Đản: Nguồn gốc và Ý nghĩa

lễ Phật Đản

Đại lễ Phật Đản được tổ chức UNESCO chính thức công nhận là một trong những ngày lễ hội tôn giáo của thế giới. Hàng năm vào tháng 4 (ÂL) tại các Quốc gia và các vùng lãnh thổ có tín ngưỡng Đạo Phật đều hướng về để làm lễ kỉ niệm ngày Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời. 

Lễ Phật Đản là sự kiện trọng đại của người con Phật, được tổ chức để kỷ niệm sự ra đời của Đức Phật, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người nơi có cộng đồng Phật tử. Liên Hiệp Quốc đã công nhận Lễ Phật Đản là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.

lễ Phật Đản

           Quý Thầy – Thượng Tọa Thích Đạo Thịnh                    

NGUỒN GỐC CỦA ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN                                        

Theo Giáo lý của Đức Phật, Đức Phật là con trai của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng Hậu Ma Da (Mahā Māyā) thuộc dòng họ vua chúa lâu đời. Sau một buổi lễ cầu nguyện, Hoàng hậu mộng thấy một chú voi trắng như tuyết có sáu ngà, voi mang một bông hoa sen rất đẹp. Từ trên trời, voi cưỡi mây thả hoa sen về phía hông phải Hoàng hậu, từ đó Người nhập thai sau này sinh ra Thái tử. 

Hoàng hậu Ma Da về quê hương sinh nở, ghé nghỉ chân tại vườn Lâm-Tỳ-Ni đưa tay phải vịn cành hoa Vô-ưu mới nở thì Thái tử cùng Đản sinh ngay đó. Đức Phật Thích Ca Đản sinh khoảng thế kỷ thứ 7 Tây Lịch vào ngày trăng tròn Vesak và được vua cha đặt tên cho Ngài là Tất Đạt Đa.

Khi vừa sinh ra, không giống như những đứa trẻ khác. Thái tử đã bước bảy bước đầu đời của mình, mỗi bước có một đóa sen hồng đỡ gót chân. Bước tới bước thứ bảy tay chỉ trời, tay chỉ đất và đọc bài kệ “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Đó là sự dị thường của bậc Thánh nhân xuất thế đối với phàm phu chúng ta.

Theo Giáo lý của Đức Phật, sau khi sinh ra, Thái tử được chín mạch nước từ dưới đất tự nhiên phun trào tắm cho Ngài và chín mạch nước chính là chín rồng dâng nước để tắm cho Thái tử. Đó chính là nguồn gốc của nghi thức tắm Phật ngày nay. 

Thái tử Tất Đạt Đa tài sức hơn người, thông minh xuất chúng, lại ở trong địa vị cao sang quyền quý tột bậc, thế nhưng Thái tử không bao giờ tỏ vẻ ngạo mạn hay xem thường người khác. Ngài có một thái độ rất nhã nhặn ôn hòa, vô từ, bình đẳng và lòng thương người, thương vật của Ngài không ai sánh kịp. 

Đức Phật xuất gia

Có vị đạo sĩ tên A Tư Đà trong các Tiên tri được nhà vua Tịnh Phạn mời đến đã tiên đoán rằng “Thái tử có 32 tướng tốt xuất hiện nên sẽ trở thành một vị Thánh”. Vì thương yêu, quý trọng con, vua Tịnh Phạn chỉ mong muốn con ở lại để nối ngôi vì quốc gia. 

Khi Thái tử dạo bốn cửa thành chứng kiến bốn sự sinh, già, bệnh, chết và vào một hôm khác, Ngài ra cửa Bắc trông thấy sự thanh thoát của một vị Sa-môn, Ngài liền hỏi mục đích, vị Sa Môn trả lời: “Tôi tu hành là quyết dứt bỏ mọi sự ràng buộc giữa cõi đời, để cầu cho mình khỏi khổ và được chánh giác để phổ độ chúng sinh đều giải thoát như mình” lời giải đáp đã đáp trúng với hoài bão mà Thái tử đã ấp ủ bấy lâu nay, nên Ngài đã quyết tâm rời khỏi Thành, dứt bỏ cuộc đời vương giả, đi vào rừng sâu tìm Đạo. 

Đức Phật thành Đạo

Theo truyền thống của Bắc tạng, Thái tử trải qua sáu năm tầm sư học đạo, năm năm tu khổ hạnh và sau đó Ngài tìm ra con đường Trung đạo, thiền định bên cội Bồ đề 49 ngày đêm thì thoát nhiên đại ngộ, Ngài trở thành một Bậc đại giác, tức là thành Phật

Trong đêm thứ 49, Ngài đã chứng được quả, thấy rõ được tất cả khoảng đời quá khứ của mình, thấy được tất cả bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo ra nó, biết nguồn gốc của đau khổ và phương pháp dứt trừ đau khổ để được giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. 

Từ ngày ấy, Thái tử được Đạo vô thượng thành bậc “Chánh đẳng Chánh giác”, hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngày thành Đạo của Đức Phật tính theo âm lịch là ngày 08/12, vào lúc sao mai mọc. Lúc ấy Ngài được 30 tuổi. 

Sau 49 năm thành Đạo, Đức Phật Thích Ca đã nhập Niết bàn. Suốt khoảng thời gian đó, Ngài đã không nghỉ ngơi, Ngài vì đại nguyện mà đi hóa độ chúng sinh, vất vả trên mọi nẻo đường để đưa dắt chúng sinh lên con đường hạnh phúc, hóa độ chúng sinh đang trầm luân trong bể khổ và giải thoát hoàn toàn. Lòng từ bi của Phật thật là vô lượng, ân đức của Phật thật là vô biên. 

Đại Lễ Phật Đản là dịp rất quan trọng trong Phật giáo để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn với sự ra đời và quá trình giáo hóa độ sinh của bậc Thánh, người đã mang lại hạnh phúc đích thực cho chư Thiên và loài người. Lễ Phật Đản vào ngày tháng tư âm lịch tức bắt đầu từ 08/04 đến hết 15/04 (ÂL). Khoảng thời gian này còn được gọi là “Tuần lễ Phật Đản”.

Lễ Phật Đản là một trong ba đại lễ hợp thành lễ Tam hợp được Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak. Ba sự kiện quan trọng trong đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đó là lễ Phật Đản sinh, lễ Phật Thành đạo và lễ nhập Niết bàn.

lễ Phật Đản

Ý NGHĨA CỦA ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 

Đại Lễ Phật Đản là dịp để tưởng nhớ và tôn vinh sự ra đời của một đấng tối tôn Quý – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngày Ngài giáng sinh xuống trần gian để hóa phổ độ quần sinh ngõ hầu, giúp cho chúng sinh được Phá Mê Khai Ngộ và thoát ly khỏi những khổ đau sinh tử luân hồi ở thế gian.

Giáo lý của Đức Phật giúp cho xã hội có thể tiến bộ về văn hóa, văn minh, cho con người sống trong hòa bình và hòa hợp, soi sáng cho nhân loại vượt qua một thế giới tối tăm, hận thù và đau khổ, tiến tới một thế giới ánh sáng, tình thương và hạnh phúc.

Đại lễ Phật Đản là lễ hội tôn giáo lớn nhất và có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng đối với tín đồ Phật Giáo trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Lễ Phật Đản mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc, góp phần tăng cường tình đoàn kết và lòng bi mẫn trong cộng đồng Phật tử, đồng thời nhấn mạnh sự quan trọng của việc tu tâm và thực hiện các hành động từ thiện trong cuộc sống hàng ngày.

Lễ Phật Đản là thời điểm để mỗi người tu tâm, suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống, và tìm kiếm con đường đến sự bình an và hạnh phúc thực sự qua việc rèn luyện tâm hồn và thực hành các hạnh nguyện.

Đức Phật sinh vào cuối xuân đầu hạ, chứ không phải sinh vào mùa Thu, cũng không phải sinh mùa đông. Mùa xuân là mùa của muôn vật sinh sôi, mùa hạ là mùa của vạn vật tăng trưởng. Cho Nên đức Phật sinh vào thời điểm gạch nối giữa sinh và trưởng. “Xuân sinh hạ trưởng, thu liễm đông tàng”, mùa thu vạn vật lụi tàn, mùa đông cỏ cây héo úa. Vậy nên, Đức Phật ra đời là biểu thị cho sự sinh trưởng và phát triển của vạn vật của muôn loài.

KẾT LUẬN

Trong những ngày lễ kỷ niệm Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, thực hiện các hoạt động như thỉnh kinh, cúng dường, tu tâm, thiền định và thực hiện các hành động từ thiện. Đây là dịp để mỗi Phật tử tự nhắc nhở bản thân về tầm quan trọng của việc tu học và ứng dụng những lời Phật dạy vào trong cuộc sống. 

Ngoài ra, Lễ Phật Đản cũng trở thành một dịp để tất cả mọi người cùng nhau tôn trọng và hòa mình vào không khí an lành, thiền định cùng lòng bi mẫn. Và cũng thông qua những hành động đó, giúp cho những người Phật tử nhận ra vai trò, trách nhiệm của mình cho xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc theo đúng phương châm của đạo Phật.

Phật Sự Tản Viên biên tập

Loading

6 thoughts on “Đại lễ Phật Đản: Nguồn gốc và Ý nghĩa

  1. Phương says:

    A DI ĐÀ PHẬT
    Bài viết rất hữu ích nhờ vậy mà mình hiểu thêm về Đại lễ Phật Đản. Cảm ơn tác giả.

  2. Boong says:

    A Di Đà Phật
    Bài viết đã giúp mình được hiểu rõ hơn về Đại Lễ Phật Đản ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Trân thành cảm ơn tác giả!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares