[Nghiên cứu] Tác động của trì tụng lên hoạt động của não bộ

Trì tụng

Một nghiên cứu do Tiến sĩ Cao Tuấn Lĩnh thuộc Đại học Hong Kong dẫn dắt đã chứng minh việc trì tụng có tác động đáng kể đến các hoạt động của não. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy các mối tương quan sinh lý thần kinh của việc trì tụng khác với mối tương quan sinh lý thần kinh của thiền định hay cầu nguyện, và có thể tạo ra những tác dụng trị liệu tâm lý đặc biệt.

Tác động của trì tụng lên các hoạt động của não

Việc trì tụng rất phổ biến trong văn hóa phương Đông, nó giúp làm dịu nỗi sợ hãi và khiến tâm trí con người bình định lại, từ đó hỗ trợ ta vượt qua được những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên cho đến nay, các nghiên cứu khoa học về trì tụng lại rất ít, và chưa có bằng chứng khoa học nào minh họa được các cơ chế sinh lý thần kinh, vốn là nền tảng để chứng minh các ảnh hưởng tích cực của trì tụng, một cách rõ ràng cả.  

Sử dụng các phương pháp điện sinh lý và hình ảnh thần kinh (neuroimaging), nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Cao đã cố gắng tìm ra các mối tương quan thần kinh của việc niệm “A Di Đà Phật”. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong quá trình trì tụng, độ đặc trưng trung tâm của vỏ não đai sau (posterior cingulate cortex) – một vùng não có ảnh hưởng lớn trong việc liên kết vận động và hành vi, đóng vai trò quan trọng trong các rối loạn như trầm cảm và tâm thần phân liệt – có sự suy giảm lớn nhất. 

Trì tụng

Kết quả hình ảnh thần kinh và điện sinh lý

Vỏ não đai sau tham gia vào rất nhiều quá trình của não bộ, trong đó, nó có liên kết cực kỳ chặt chẽ đến vùng não hoạt động mặc định (Default Mode Network, hay DMN) – vùng được kích hoạt khi bạn đang không làm một việc gì cụ thể và đang trong trạng thái suy tư, mặc tưởng, hay “tâm trí lang thang” (mind-wandering). Khi DMN hoạt động, não bộ của bạn sẽ kích hoạt các ký ức cũ, thu thập liên tục các thông tin từ trải nghiệm quá khứ, hiện tại, những ước đoán tương lai và kết hợp các ý tưởng khác nhau ở tầng ý thức.

Trì tụng có tác động khác với thiền định

Tuy hay bị xếp loại cùng thiền định và cầu nguyện, nhưng trên thực tế, tác động của trì tụng và thiền định lên các hoạt động của não bộ là không giống nhau. 

Những người thực hành trì tụng niệm “A Di Đà Phật” như một cách để thiền, trong quá trình này, họ đang tiến đến 2 trạng thái tinh thần quan trọng: samatha (tăng cường an chỉ, tập trung) và vipassana (tăng khả năng quan sát chính niệm). Khi niệm “A Di Đà Phật”, các hành giả quán chiếu lời nguyện và lòng từ bi của Đức Phật, điều này giúp họ duy trì sự tập trung của mình. Việc chăm chỉ luyện tập trì tụng giúp người thực hiện đạt đến trạng thái kết hợp của 2 quá trình trên (samatha và vipassana), và đạt đến trạng thái Định (samadhi). 

Nghiên cứu của tiến sĩ Cao cho thấy trong khi chính niệm làm tăng alpha power (có liên quan đến cảm giác thoải mái và sự chú ý thụ động), thì trì tụng giúp tăng cường delta power (tăng độ tập trung, ngăn chặn thông tin gây nhiễu từ bên ngoài). Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng chứng minh trì tụng giúp cải thiện chức năng tim, bởi nó giúp đưa con người vào một trạng thái tinh thần và cảm xúc tích cực hơn. 

Thông qua việc quan sát các cụm thành phần độc lập trong các hoạt động của não ở người trong trạng thái trì tụng và không trì tụng, nghiên cứu đưa ra kết luận rằng quá trình trì tụng có tác động đáng kể lên các hoạt động của não bộ. Nghiên cứu này của giáo sư Cao đã thành công minh hoạ sự thay đổi của não bộ khi niệm “A Di Đà Phật”, góp phần củng cố các nghiên cứu về lợi ích của trì tụng đối với con người.

Tài liệu tham khảo

  1. Gao, J., Leung, H. K., Wu, B., Skouras, S., & Sik, H. H. (2019). The neurophysiological correlates of religious chanting. Scientific Reports, 9(1). https://doi.org/10.1038/s41598-019-40200-w

          Phật sự Tản Viên lược dịch

Nguồn tham khảo: ResearchGate 

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares