Thiền định Phật giáo dưới con mắt của các nhà khoa học

Thiền định Phật giáo

Việc thực hành thiền định Phật giáo thường xuyên sẽ giúp ta kết nối với cơ thể mình, có được chính niệm và sự thanh tịnh trong thân tâm. Dưới góc nhìn của các nhà khoa học, thiền định mang lại những lợi ích như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Thiền định Phật giáo: Nguồn gốc

Thiền định Phật giáo bắt nguồn từ Phật giáo, một trong những tôn giáo thuộc Ấn Độ cổ với các giáo lý được cho là của Đức Phật. Các giáo lý này có thể được tìm thấy trong các văn bản cổ xưa như Kinh điển Pali. Ngày nay, các thiền gia Phật giáo coi thiền là sự giải thoát, là một công cụ để thấu hiểu bản chất của thực tại nhằm hướng tới sự giải thoát khỏi đau khổ, và là bước đầu tiên trên con đường giác ngộ, tỉnh thức mà ta hay gọi là Niết Bàn.

Thiền định Phật giáo
Image by Sina Irani

Thầy Svietliy, một giáo viên triết học, thiền sư và nghệ sĩ chuyên mảng biểu tượng tôn giáo giải thích, thiền định Phật giáo là một cách để khám phá chiều sâu tâm trí của chúng ta, giúp ta nhận ra mối liên hệ giữa bản thân với tất cả chúng sinh, từ đó có được lòng đồng cảm sâu sắc.

Thiền định Phật giáo: Ích lợi đối với sức khỏe

          Nhiều nghiên cứu đã cho thấy thiền có khả năng cải thiện giấc ngủ, tăng khả năng xử lý thông tin và kiểm soát phản ứng của não đối với cơn đau. Bằng cách tập thiền, bạn có thể rèn luyện tâm trí hướng tới những suy nghĩ và hành vi hữu ích, đồng thời có cái nhìn tích cực đối với những trải nghiệm của bản thân1.

Bên cạnh đó, thiền định Phật giáo còn có nhiều lợi ích về mặt thể chất. Nghiên cứu thông qua xét nghiệm MRI cho thấy khu vực cảm xúc, thực hành, và nhận thức trong não của các thiền gia được kích hoạt để tác động lên trung tâm điều tiết cảm xúc trong não bộ, từ đó cải thiện trí nhớ và sức tập trung của họ. Đây là một kết quả đầy hứa hẹn trong việc nghiên cứu giảm sự lão hóa của não do tuổi tác ở người trẻ tuổi và trung niên.

Nhiều nghiên cứu tương tự cũng cho thấy thiền hỗ trợ cho hệ thống miễn dịch và quá trình giảm viêm nhiễm bằng cách giảm các cytokine. Nó có thể giúp làm giảm mức cholesterol trong máu và giảm nguy cơ mắc các các bệnh đa yếu tố như tiểu đường, huyết áp cao, và đau cơ xơ hóa.

Thiền định Phật giáo: Các bước thực hiện

 Thầy Svietliy đã tổng hợp các bước giúp bạn bắt đầu thiền định:

  1. Tìm một nơi yên tĩnh: Hãy lựa chọn một không gian nơi bạn ít bị gián đoạn nhất có thể
  2. Tư thế thoải mái: Ngồi sao cho lưng thẳng nhưng vẫn thoải mái.
  3. Tập trung vào hơi thở: Nhẹ nhàng nhắm mắt lại và tập trung vào nhịp thở.
  4. Quan sát mà không phán xét: Khi bạn chú ý vào hơi thở của mình, chắc chắn bạn sẽ nảy sinh những suy nghĩ khác. Điều này hoàn toàn tự nhiên. Khi đó, hãy nhẹ nhàng thừa nhận điều này và quay lại tập trung vào hơi thở của bạn.
  5. Hãy chăm chỉ: Cố gắng thiền hàng ngày, bắt đầu chỉ với vài phút và tăng dần thời lượng lên.
  6. Giữ một tâm thế cởi mở: Khi đã quen dần với việc thiền, bạn có thể khám phá các kỹ thuật thiền khác nhau để làm phong phú thêm trải nghiệm của bản thân.

Bạn có thể tham khảo cách thức tọa Thiền dưới sự hướng dẫn của Thượng Tọa Thích Đạo Thịnh tại đây: Phương pháp ngồi thiền tĩnh tâm – Hướng dẫn Đại Đức Thích Đạo Thịnh

Thiền định Phật giáo: Kết hợp vào đời sống

Việc tập thiền nghe thì có vẻ rắc rối nhưng thực chất có thể được bắt đầu từ những hành động đơn giản, như việc bắt đầu một ngày mới với lòng biết ơn nhằm tạo một không khí tích cực cho cả một ngày dài phía trước.

Khi bạn di chuyển, hãy dùng chính niệm để chú ý đến hơi thở và mọi việc bạn đang làm. Khi ăn, hãy tập trung vào hương vị và kết cấu của từng miếng. Khi bạn nói chuyện với người khác, hãy tập trung sự chú ý vào cuộc trò chuyện ấy bằng cách lựa chọn từ ngữ một cách thận trọng và tích cực lắng nghe.

Thiền định Phật giáo: Những hiểu lầm thường gặp

          Hiện nay, có rất nhiều quan niệm và định kiến sai lầm về thiền định trong Phật giáo. Dưới đây là một số hiểu lầm thường gặp:

  • “Chỉ có Phật tử mới được thiền”

Thiền định Phật giáo dành cho tất cả mọi người, và bất cứ ai, dù theo tôn giáo nào, cũng có thể thực hành được nếu có đầy đủ kỹ năng.

  • “Thiền nghĩa là ngồi xếp bằng trên tấm thảm yoga trong phòng tập hoặc trung tâm đắt đỏ”

Trên thực tế, thiền định Phật giáo có thể diễn ra mọi lúc mọi nơi. Bạn có thể tìm thấy sự bình yên trong tâm trí khi đang rửa bát, giữa dòng xe cộ, hay khi đang làm việc ở văn phòng.

  • “Thiền định Phật giáo nghĩa là xóa sạch mọi thứ khỏi tâm trí”

Nói một cách chính xác thì việc thiền giúp tâm trí bạn tập trung vào một điều gì đó, ví dụ như hơi thở.

  • “Thiền định Phật giáo là giải pháp cho mọi vấn đề, đem lại hiệu quả tức thì”

Thiền đòi hỏi bạn phải tập luyện đúng cách hàng ngày để có được kết quả như mong muốn.

  Phật sự Tản Viên biên dịch

Nguồn: Verywell mind

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares