Khám phá mối liên hệ giữa sức khỏe đường ruột và thiền định

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Balachundhar Subramaniam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hành vi ý thức tại Trung tâm Y Tế Beth Israel Deaconess, Giáo sư Gây mê tại Đại học Y Harvard. Kết quả nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa sức khỏe đường ruột và sức khỏe tâm lý, đồng thời chứng minh các bài tập thiền có tác dụng tích cực đến sức khỏe đường ruột của con người.

Sức khỏe đường ruột hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm trong lĩnh vực y tế và dinh dưỡng. Ngày nào cũng có những khám phá mới về các loại thực phẩm và chất bổ sung giúp tăng cường sức khỏe đường ruột. Dù sao thì, chúng ta đã có bằng chứng xác thực ủng hộ giả thuyết rằng sức khỏe đường ruột là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết vô số tình trạng bệnh lý.

Một thống kê cho thấy có khoảng 500 triệu tế bào thần kinh trong ruột và 100 tỷ tế bào thần kinh trong não1, cho thấy một mối tương quan giữa đường ruột khỏe mạnh và bộ não khỏe mạnh. Nhiều người đã tìm cách ăn các loại thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn để tăng cường sức khỏe tinh thần.

Luna Vandoorne/Shutterstock.com

Tuy nhiên, ít người nhận ra rằng đây là mối quan hệ hai chiều. Giống như sức khỏe đường ruột có thể tác động đến não, hoạt động của não cũng có thể có tác động tích cực đến hệ vi sinh vật đường ruột.

Trục ruột-não (gut-brain axis)

Trục ruột-não chỉ tín hiệu sinh hóa diễn ra giữa các tế bào thần kinh trong đường tiêu hóa và hệ thần kinh trung ương. Con đường hai chiều này liên quan đến hệ thần kinh trung ương (CNS), hệ thần kinh ruột (ENS) và hệ vi sinh vật đường ruột, nó hoạt động như một mạng lưới tương tác phức tạp giúp điều chỉnh quá trình tiêu hóa, tâm trạng và sức khỏe tổng thể của con người.

Hệ vi sinh vật đường ruột của con người bao gồm hàng nghìn tỷ vi sinh vật, là nền tảng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Những vi sinh vật này tạo ra chất dẫn truyền thần kinh và các hợp chất hoạt động thần kinh, chẳng hạn như serotonin và axit gamma-aminobutyric (GABA), giúp hỗ trợ tâm trạng và chức năng nhận thức của chúng ta.

Cơ thể và tâm trí của chúng ta sẽ nhận được “thông báo” khi hệ vi sinh vật của chúng ta có vấn đề. Các nghiên cứu cho thấy sức khỏe đường ruột kém có liên quan với các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch và bệnh viêm ruột2, cũng như các bệnh về sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm3.

Cơ chế tự vệ trong ruột bao gồm kích hoạt hệ thống miễn dịch, thay đổi cấu trúc ruột và dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, điều này có thể tác động đến cấu trúc và chức năng của não, cuối cùng ảnh hưởng đến hành vi và cảm xúc của chúng ta. Nói tóm lại, ruột có thể được coi như bộ não thứ hai của cơ thể.

Kateryna Kon/Shutterstock.com

Tác dụng của thiền đối với sức khỏe đường ruột

Các bài thiền, từ thiền chính niệm đến các bài tập thở sâu, có thể đưa ta vào trạng thái thư giãn và giúp tập trung chú ý. Đã có mặt ở nhiều nền văn hóa phương Đông trong nhiều thiên niên kỷ, các hình thức thiền này cũng đang ngày càng có ảnh hưởng lớn đến các nền văn hóa phương Tây. Các ứng dụng như Headspace, Sadhguru và Mind đã thu hút được hàng trăm triệu người dùng.

Ngoài những lợi ích trên, những bài tập này có thể dẫn đến những thay đổi về mặt sinh lý, chẳng hạn như giảm nhịp tim và hạ huyết áp, giúp giảm căng thẳng và mang lại sức khỏe tổng thể4.

Căng thẳng là tác nhân làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn chức năng đường ruột, ảnh hưởng đến nhu động ruột, chức năng hàng rào ruột và hệ vi sinh vật. Thông qua tác dụng giảm căng thẳng, việc tập thiền có thể ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe đường ruột bằng cách điều chỉnh những triệu chứng liên quan đến căng thẳng. Nó giúp khôi phục lại sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột, cải thiện chức năng hàng rào ruột và giảm viêm tấy.

Nghiên cứu mới đây nhấn mạnh tác động tích cực của việc thiền định thường xuyên đối với sức khỏe đường ruột. Nghiên cứu này của Đại học Y Harvard tập trung vào tác động của việc tập thiền Isha Samyana (người tham gia trải qua 8 ngày trong sự im lặng hoàn toàn và ngồi thiền nhiều giờ mỗi ngày) đối với hệ vi sinh vật và sức khỏe tổng thể của người tham gia.

Nghiên cứu này5, với sự tham gia của 64 người, nhằm mục đích khám phá tác động của việc thiền định đối với các loại lipid khác nhau trong máu, cũng như cách chúng được tiêu hóa, từ đó tìm ra tác động của chúng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Thông qua phân tích khối phổ phân giải cao (HRMS), các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, sau khi hoàn thành khóa thiền, mức độ acetylglycine (một hợp chất giống endocannabinoid giúp chống viêm, giảm đau và thư giãn mạch máu) trong cơ thể người tham gia đã tăng lên.

Ngoài ra, mức độ glycerophosphocholine, glycerol phosphoethanolamine, một số plasmalogen, cholesterol, acylcarnitine và triacylglycerol/diacylglycerol trong cơ thể họ đi xuống, khiến nguy cơ họ mắc xơ vữa động mạch cũng giảm đáng kể. Nghiên cứu này nhấn mạnh tiềm năng của các phương pháp thực hành thiền nâng cao, ví dụ như những phương pháp được dạy trong khóa thiền Samyama, trong tác động tích cực đến quá trình chuyển hóa lipid trong ruột và đường ruột.

Trong một nghiên cứu khác, 288 đối tượng tham gia hoàn thành một khóa thiền nâng cao kéo dài hơn 60 ngày kết hợp với chế độ ăn chay chứa 50% thực phẩm thô. Kết quả phân tích cho thấy lượng lợi khuẩn trong cơ thể họ vẫn tăng lên kể cả sau 3 tháng tính từ lúc hoàn thành chương trình. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp 16 sRNA sequencing (một phương pháp phổ biến trong việc phân tích đa dạng vi khuẩn trong các mẫu sinh thái học bằng cách phân tích các đoạn gen 16S rRNA có mặt trong mẫu) để phân tích các vật mẫu thu được.6

Một nghiên cứu khác7 đã được thực hiện để so sánh hệ vi sinh vật đường ruột của các tu sĩ Phật giáo Tây Tạng với những người hàng xóm phàm tục của họ. Nghiên cứu tìm thấy sự khác biệt đáng kể có liên quan đến khả năng giảm nguy cơ lo âu, trầm cảm và bệnh tim mạch. Hệ vi sinh vật đường ruột của các nhà sư đã được củng cố với mức độ lợi khuẩn Prevotella và Bacteroides tăng cao. Mặc dù quy mô nghiên cứu này chỉ gồm 37 nhà sư và 19 người hàng xóm, nhưng nó cũng góp phần củng cố kết quả của hai nghiên cứu trên.

Kết luận

Căng thẳng mãn tính có thể tàn phá chức năng tiêu hóa và trục ruột-não. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi trong nhu động ruột, tăng tính thấm của ruột (rò rỉ ruột) và thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột. Điều này đã được chứng minh là có thể tăng khả năng mắc các bệnh đường ruột như hội chứng ruột kích thích (IBS) và bệnh viêm ruột (IBD).

Mối liên hệ giữa căng thẳng, sức khỏe đường ruột và rối loạn tiêu hóa đã được xác định và chứng minh rõ ràng. Sự điều biến liên quan đến căng thẳng của trục ruột-não có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các tình trạng như IBS và IBD, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc kết hợp các khả năng giảm căng thẳng vào cuộc sống hàng ngày của bạn.

Việc quản lý căng thẳng hiệu quả là rất quan trọng để duy trì sức khỏe đường ruột. Các phương pháp thực hành như thiền Isha, yoga, thiền chính niệm và liệu pháp nhận thức-hành vi đã được chứng minh là có khả năng làm giảm mức độ căng thẳng, từ đó tác động tích cực đến sức khỏe đường ruột. Việc kết hợp các bài tập thiền vào cuộc sống của chúng ta là một chiến lược quan trọng trong việc ngăn ngừa hoặc giảm bớt các vấn đề sức khỏe liên quan đến đường ruột.

Tóm lại, mối quan hệ phức tạp giữa tâm trí và đường ruột đang dần được làm sáng tỏ. Thiền, với công dụng giảm căng thẳng, có thể tác động tích cực đến hệ vi sinh vật đường ruột, khiến nó trở thành một công cụ phòng ngừa và trị liệu đầy hứa hẹn để quản lý sức khỏe đường ruột và một loạt các triệu chứng khác.

Tham khảo nghiên cứu

  1. Herculano-Houzel, Suzana, (2009) The Human Brain in Numbers, a Linearly Scaled-up Primate Brain doi: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2776484/
  2. Madhogaria, Barkha et al,. (2022). Correlation between the human gut microbiome and diseases. Infectious Medicine. doi: https://doi.org/10.1016/j.imj.2022.08.004 https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2772431X22000375
  3. Clapp, M., Aurora, N., Herrera, L., Bhatia, M., Wilen, E., & Wakefield, S. (2017). Gut microbiota’s effect on mental health: The gut-brain axis. Clinics and practice, 7(4), 987. doi: https://doi.org/10.4081/cp.2017.987
  4. Jamil, A., Gutlapalli, S. D., Ali, M., Oble, M. J. P., Sonia, S. N., George, S., Shahi, S. R., Ali, Z., Abaza, A., & Mohammed, L. (2023). Meditation and Its Mental and Physical Health Benefits in 2023. Cureus, 15(6), e40650. doi: https://doi.org/10.7759/cureus.40650
  5. Vishnubhotla, R. V., Wood, P. L., Verma, A., Cebak, J. E., Hariri, S., Mudigonda, M., Alankar, S., Maturi, R., Orui, H., Subramaniam, B., Palwale, D., Renschler, J. and Sadhasivam, S. (2022) Journal of Integrative and Complementary Medicine, 28(8), pp. 674–682. doi: 10.1089/jicm.2022.0480.
  6. Raman, M., Vishnubhotla, R., Ramay, H. R., Gonçalves, M. C., Shin, A. S., Pawale, D., Subramaniam, B. and Sadhasivam, S. (2023) BMC Complementary Medicine and Therapies, 23(1). doi: 10.1186/s12906-023-03935-8.
  7. Sun Y, Ju P, Xue T, et al. Alteration of faecal microbiota balance related to long-term deep meditation. General Psychiatry 2023;36:e100893. doi: 10.1136/gpsych-2022-100893

Phật sự Tản Viên biên dịch

Nguồn: News Medical

 

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares