[Nghiên cứu] Phương pháp cai rượu hiệu quả: thực hành chính niệm

Chính niệm

Một nghiên cứu của nhà nghiên cứu Carillon Skrzynski, thuộc Đại học Colorado Boulder, Mỹ, được đăng trên tạp chí Tâm lý học về hành vi gây nghiện (Psychology of Addictive Behaviors) đã chứng minh tác dụng của chính niệm trong việc cai rượu.

Thực hành chính niệm để cai rượu bia

Hiện nay, rất nhiều người coi rượu hay các chất kích thích khác là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, thậm chí, có người sống phụ thuộc vào chất gây nghiện này và khó mà cai dứt được, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống sức khỏe thể chất và tinh thần. Theo một thống kê của Bộ Y Tế Việt Nam năm 2022, mỗi năm có đến hơn 40.000 ca tử vong do rượu bia ở nước ta.

Nếu rượu có hại cho sức khỏe, tại sao việc giảm hay ngừng lạm dụng rượu bia lại khó đến vậy? Ta có thể làm gì để việc cắt giảm và ngừng uống rượu dễ dàng hơn? Đây là những câu hỏi nhức nhối không chỉ đối với giới nghiên cứu Việt Nam mà còn là chủ đề được chú trọng trên thế giới.

Chính niệm
                                                      Nguồn: Internet

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Tâm lý học về hành vi gây nghiện (Psychology of Addictive Behaviors) của nhà nghiên cứu Carillon Skrzynski đã phát hiện ra rằng, việc thực hành chính niệm như chủ động nhận thức về những điều đang diễn ra trong cơ thể và chấp nhận những điều ấy một cách không phán xét có thể giúp giảm cảm giác thèm rượu ở con người.

Nghiên cứu này cho rằng, thực hành chính niệm là phương pháp tuy đơn giản nhưng có tác dụng to lớn trong việc cai rượu. Bằng cách chia 182 người tham gia vào 2 nhóm và quan sát họ trong thời gian dài, các nhà nghiên cứu đã so sánh tác dụng của chính niệm trong việc phòng ngừa tái nghiện rượu so với các phương pháp truyền thống.

Chính niệm có tác dụng lâu dài trong việc cai rượu

Kết quả cho thấy, chính niệm đã giúp người tham gia giảm đáng kể việc phụ thuộc vào rượu. Tuy tần suất uống rượu ở cả 2 nhóm đều giảm nhiều, nhưng sau mốc 20 tuần và 32 tuần, việc cai rượu ở nhóm chính niệm vẫn diễn ra một cách ổn định, còn tác động của chương trình cai rượu tiêu chuẩn lên nhóm còn lại đã bắt giảm dần. Nói cách khác, việc thực hành chính niệm có tác dụng dài và ổn định hơn đối với hành trình cai rượu của người tham gia.

Nghiên cứu này cũng cho thấy, chỉ cần thực hành chính niệm trong thời gian ngắn mỗi ngày cũng giúp giảm cảm giác thèm rượu.

Bà Skrzynski cho biết: “Điều đáng chú ý ở đây là chính niệm là một công cụ thực sự hữu ích giúp con người giảm uống rượu, và thậm chí là cai rượu hoàn toàn”. 

Cách thực hành chính niệm để cai rượu bia

Bà Skrzynski cho biết, thực hành chính niệm bao gồm hai phần chính: “Một, chủ động nhận thức được những gì đang xảy ra, và, hai, chấp nhận những điều ấy một cách không phán xét.” 

Một số phương pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra giúp người tham gia vào nghiên cứu này cai rượu bia:

  1. Quán chiếu cơ thể: Kiểm tra từ từ và tuần tự từng bộ phận trên cơ thể bạn, từ đầu đến chân và để ý cảm giác ở từng bộ phận như thế nào.
  2. Cảm nhận cơn thèm rượu: Khi nổi cơn thèm rượu, thay vì ngay lập tức thỏa mãn nó thì hãy để bản thân cảm thụ cơn thèm, và tin tưởng rằng khi sự thôi thúc ấy lên đến đỉnh điểm, cơn thèm rượu sẽ bắt đầu giảm xuống.

Theo bà Skrzynski: “Cả hai cách trên đều liên quan đến nhận thức và chấp nhận bất cứ điều gì đang xảy ra mà bạn không cố gắng đẩy nó đi”, đồng thời, bà cho biết thêm rằng, chính niệm là một công cụ mạnh mẽ mà bạn có thể sử dụng để giải quyết rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, không chỉ giới hạn trong việc cai rượu.

Đọc toàn bộ bài nghiên cứu tại đây.

Tài liệu tham khảo

  1. Rượu bia là nguyên nhân gây ra hơn 40.000 ca tử vong mỗi năm – Hoạt động của địa phương – Cổng thông tin Bộ Y tế. (n.d.). https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/ruou-bia-la-nguyen-nhan-gay-ra-hon-40-000-ca-tu-vong-moi-nam
  2. Carillon J. Skrzynski et al, Mindfulness mechanisms in alcohol use: Comparing top-down and bottom-up processes., Psychology of Addictive Behaviors (2023). DOI: 10.1037/adb0000932

          Phật sự Tản Viên biên dịch

                                                                   Nguồn tham khảo: MedicalXpress

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares