Thiền chính niệm: Giải pháp hứa hẹn cho cơn đau mãn tính và chứng nghiện

“Chính niệm đã được chứng minh là có tác dụng tương đương với khởi liều (hay liều khởi đầu) của thuốc giảm đau, và cho kết quả tốt hơn so với phương pháp điều trị tâm lý thông thường trong việc chấm dứt lạm dụng chất gây nghiện.”, theo tiến sĩ, giáo sư Eric Garland của Đại học Utah.

Ứng dụng chính niệm điều trị đau mãn tính và nghiện

Giáo sư cũng cho biết: “Kỹ thuật này có thể cũng là phương pháp chữa trị hiệu quả cho chứng trầm cảm, lo âu, PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương), hay chỉ đơn giản là giúp tăng sức bền tâm lý của người bình thường”.

Chính niệm là một hình thức trị liệu, một cách rèn luyện tinh thần để trau dồi nhận thức”, Garland nói. “Chính niệm nghĩa là tập trung sự chú ý vào suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác cơ thể của bạn vào thời điểm bạn trải nghiệm chúng”. Điều cốt lõi không phải là đẩy hay xoá bỏ những trải nghiệm đó đi, mà là “quan sát một cách không phán xét”, từ đó nhận thức được rõ ràng tâm thức và cách sống của bản thân. 

Trong nghiên cứu của mình, giáo sư Garland sử dụng liệu pháp tâm lý  MORE (Mindfulness-Oriented Recovery Enhancement), hay Phục hồi nâng cao theo hướng chính niệm. Các buổi trị liệu MORE thường có một phần cực kỳ quan trọng: Dạy người tham gia cách chủ động nhận thức, tận hưởng niềm vui và những trải nghiệm tốt đẹp.

Ví dụ, khi bạn trông thấy một thứ đẹp hay ăn một món ngon, bạn tập trung vào việc cảm nhận cái đẹp và cái ngon ấy. Sau khi nhận thức được những cảm xúc ấy, bạn hướng sự chú ý vào nội tại để “tận hưởng những cảm xúc tích cực và hấp thụ chúng vào sâu bên trong, như khi nước ngấm vào đất vậy”.

Chính niệm giúp giảm thiểu cơn đau mãn tính

Nghiên cứu của giáo sư Garland cho thấy, 15 phút thiền chính niệm có thể giúp giảm 30% cơn đau, tương đương với 5mg oxycodone – thuốc giảm đau gây nghiện thuộc nhóm opioid, thường được chỉ định trong điều trị những cơn đau mức độ từ vừa đến nặng.

Những cơn đau mãn tính trên thể xác thường có ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe tinh thần người bệnh. Họ thường cảm thấy vô vọng và lo lắng nỗi đau sẽ không bao giờ kết thúc, khiến họ không thể sống trọn vẹn cuộc sống của mình. 

Giáo sư Garland cho hay: “Chính niệm giúp người bệnh tách biệt các phản ứng cảm xúc và thể chất và nghĩ về nỗi đau như những cảm giác thể chất, làm thay đổi cách xử lý cơn đau của não bộ, giúp cảm giác đau đớn giảm đi đáng kể”. 

Chính niệm có tác dụng lâu dài hơn trong việc cai nghiện

Trong việc điều trị các chứng nghiện, chính niệm giúp trau dồi khả năng nhận thức và tự chủ. Người bệnh nhận thức được phản ứng và thói quen sử dụng chất kích thích của mình, từ đó có thể kiểm soát bản thân và chủ động đưa ra những lựa chọn tốt hơn.

Nghiên cứu cũng cho thấy việc tận hưởng những trải nghiệm tích cực rất có ích cho cả việc cai nghiện lẫn giảm cơn đau mãn tính. Thông qua quan sát, nhóm nghiên cứu của giáo sư Garland nhận thấy rằng, khi não và cơ thể trở nên nhạy cảm hơn với những thú vui lành mạnh thì tần suất lên cơn nghiện cũng giảm đi. 9 tháng sau khi kết thúc chương trình trị liệu, khả năng ngưng lạm dụng chất gây nghiện của nhóm được điều trị bằng MORE cao gấp đôi nhóm tiếp nhận liệu pháp điều trị tâm lý thông thường.

Đọc thêm về phương pháp MORE tại đây.

Tài liệu tham khảo

  1. Mindfulness Meditation: a promising remedy for addiction and chronic pain. (2024, May 23). University of Utah Health | University of Utah Health. https://uofuhealth.utah.edu/newsroom/news/2024/05/mindfulness-meditation-promising-remedy-addiction-and-chronic-pain
  2. Garland, E. L. (2017). Randomized Controlled Trial of Brief Mindfulness Training and Hypnotic Suggestion for Acute Pain Relief in the Hospital Setting. Gen Intern Med. https://doi.org/10.1007/s11606-017-4116-9
  3. Garland, E. L., Atchley, R. M., Hanley, A. W., Zubieta, J., & Froeliger, B. (2019). Mindfulness-Oriented Recovery Enhancement remediates hedonic dysregulation in opioid users: Neural and affective evidence of target engagement. Science Advances, 5(10). https://doi.org/10.1126/sciadv.aax1569

          Phật sự Tản Viên biên dịch

                                                                   Nguồn tham khảo: UOFU Health

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares