Chính niệm giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình (screen time) ở trẻ

Chính niệm, screen time

Một nghiên cứu mới của Viện nghiên cứu Waypoint cho thấy thực hành chính niệm có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe tinh thần của những thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi thời gian sử dụng thiết bị thông minh (screen time) quá dài.

Can thiệp giảm screen time bằng chính niệm

Tiến sĩ Soyeon Kim, nhà nghiên cứu tại Waypoint, cho rằng: “Thế hệ trẻ chưa bao giờ trải nghiệm cuộc sống mà không có điện thoại thông minh. Nó giống như một cánh tay phụ – một phần cơ thể mà chúng không thể sống thiếu được.”

Bà Kim cho biết, nhiều nghiên cứu đã cho thấy những đứa trẻ dành quá nhiều thời gian để lên mạng nhắn tin hoặc xem TV có thể mắc các vấn đề về cảm xúc như lo lắng, trầm cảm, và tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch COVID-19.

Kim và các cộng tác viên của bà bắt đầu khám phá xem liệu các vấn đề về hành vi và sức khỏe tâm lý có thể được cải thiện thông qua chính niệm hay không.

Trong thời gian nghiên cứu kéo dài 12 tuần, tổng cộng 117 người tham gia được yêu cầu nhập tâm, chú ý và cảm nhận trải nghiệm của họ trong một giờ mỗi tuần thay vì chỉ thực hiện chúng một cách vô thức.

Kim cho biết: “Các biện pháp can thiệp dựa trên chính niệm mang tính phòng ngừa rất cao”. Bà ví nó như một dạng thiền định. “Nó tiện lợi, dễ áp dụng và tốt cho tất cả mọi người.”

Những thanh thiếu niên trong nghiên cứu đến từ các tổ chức đối tác trong cộng đồng – bao gồm Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Thanh niên North Simcoe – cũng như các khu vực Haliburton và Guelph-Wellington.

Người tham gia đã điền vào một bản khảo sát cho biết tình trạng sức khỏe tinh thần của họ trước và sau khi áp dụng “các biện pháp can thiệp trên nền tảng chính niệm”. Các nhà nghiên cứu sau đó đã đo lường các vấn đề về hành vi và sự hiếu động quá mức ở trẻ.

Kết quả sau khi thực hành chính niệm

Kim cho biết: “Sau khi thực hành chính niệm, các triệu chứng tăng động ở trẻ giảm đáng kể,” đồng thời, bà cũng lưu ý rằng chính niệm đã được chứng minh là có hiệu quả dù thời gian ngồi trước màn hình (screen time) của trẻ và thanh thiếu niên có dài bao lâu.

Theo Waypoint, kết quả này rất quan trọng vì trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý hay được điều trị bằng thuốc thường đi kèm với các tác dụng phụ.

Waypoint cho biết: “Các biện pháp can thiệp dựa trên chính niệm này có ý nghĩa to lớn đối với những gia đình sinh sống ở các khu vực khó tiếp cận đến các dịch vụ sức khỏe tâm lý”.

          Phật sự Tản Viên biên dịch

                                                                 Nguồn tham khảo: BradFordToday

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares