Tìm về cội nguồn nơi núi Tản (đền Trung – chùa Tản Viên )

Về với Ba Vì, chúng ta đang tìm về với cội nguồn, về với truyền thống tín ngưỡng tâm linh của dân tộc. Vì nơi đây từ nghìn xưa đã được coi là tổ sơn của đất nước. Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của sử thần Ngô Sỹ Liên có viết: “Núi Tản Viên là dãy núi cao nhất của nước Đại Việt ta”. Gọi là cao nhất không phải là vì núi Tản Viên có chiều cao lớn nhất mà nơi ấy là nơi linh thiêng và ứng nghiệm bậc nhất trong lòng dân tộc. Nguyễn Trãi trong sách Dư Địa Chí cũng nói: “Núi ấy là núi Tổ của nước Việt ta đó”. Thật vậy, ngọn núi linh thiêng ấy đến nay vẫn là nơi lưu dấu hành trạng của vị đệ nhất phúc thần trong Tứ thánh, Tứ Bất Tử của Việt Nam – Thần Tản Viên Sơn Thánh.

Trải qua hàng nghìn năm nay, để tưởng nhớ tới công lao to lớn của Đức Thành Tản, nhân dân khắp các nơi đã cho lập đền thờ để thờ phụng Ngài. Trong hệ thống các đền thờ ấy, có quần thể di tích lịch sử quốc gia Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng tại xã Minh Quang và xã Ba Vì, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội rất nổi tiếng. Quần thể ba ngôi đền này được gọi là Tây Cung, cũng gọi là Chính cung. Trong số này chúng tôi chỉ nói về Đền Trung và Chùa Tản Viên, một quần thể di tích tuyệt đẹp, uy nghiêm, tráng lệ ở sườn Tây của dãy núi Tản Viên.

Đền Trung, tức Trung Cung còn có tên khác là Đền Ba Dân, nghĩa là có dân Mường ở xã Thủ Pháp xưa và hai dân Kinh ở chân núi gọi là làng Vu Khuy và làng Ngọc Nhị cùng phụng thờ Đức Thánh Tản. Tương truyền, Đền Trung, Đền Hạ, Chùa Tản Viên được xây dựng vào khoảng năm 208 – 179 TCN, do chính An Dương Vương Thục Phán sắc cho xây dựng để tri ân công đức sâu dày của thần Sơn Tinh. Đền đã được nhiều lần trùng tu, nhưng dấu tích và khảo cổ thì kiến trúc Đền Trung hiện nay phần lớn mang phong cách thời nhà Lý (năm 1027), và thời hậu Lê. Đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng cho tổng đốc Nguyễn Đăng Giai trùng tu lại. Và gần đây Đền Trung đã được nhà nước cùng nhân dân cho tu sửa lại ngày càng khang trang hơn, tố hảo hơn.

Với vị trí tọa lạc ở lưng chừng núi, trên một khu đất tương đối phẳng, đền Trung được coi là ngôi Đền có vị thế đẹp nhất trong các ngôi Đền thờ Đức Thánh Tản Viên ở sườn Tây núi Ba Vì. Cửa đền nhìn về hướng Tây, đối diện là núi Chàng Rể. Phía dưới là dòng sông Đà, thoạt nhìn tựa như một dải lụa trắng vắt ngang càng tôn lên vẻ linh liêng, hùng vĩ giữa đất trời. Bên tả có suối Đền, bên hữu có suối Tiên, cả hai suối ấy đều bắt nguồn từ núi Tản đổ xuống khe sâu mà hợp thành dòng suối Cái. Từ đền Trung phóng tầm mắt sang bên kia sông Đà là dãy núi Lưỡi Hái của tỉnh Phó Thọ, dưới chân núi là đất xã Trung Nghĩa, nơi có đền Lăng Xương thờ mẫu thân của Đức Thánh Tản.  

Nhắc đến Đức Thánh Tản, có lẽ chúng ta đều đã quen thuộc với hình ảnh vị thần Sơn Tinh cùng tích Sơn Tinh-Thủy Tinh trong lịch sử. Nhưng ít ai biết rằng vị thần Sơn Tinh ấy cũng là một nhân vật có thật trong lịch sử với tên thường gọi là Nguyễn Tuấn. Nguyễn Tuấn sinh ra trong một gia đình sống bên bờ sông Đà ở Động Lăng Xương (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), thân phụ là Nguyễn Cao Hành, thân mẫu là Đinh Thị Đen.

Chuyện kể rằng hai ông bà đã lớn tuổi mà vẫn chưa có con, trong một lần đi gánh nước, bà nhìn thấy rồng vàng hiện ra từ trong giếng rồi bay lên hư không mà phun châu nhả ngọc. Khi về nhà, một thời gian sau liền mang thai, trải qua 14 tháng thì sinh ra Nguyễn Tuấn. Nguyễn Tuấn vừa sinh ra không bao lâu thì mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sau khi cha mẹ mất, Nguyễn Tuấn cùng với hai người em họ là Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiển hàng ngày lên núi kiếm củi mưu sinh. Một ngày nọ, ba anh em được  bà Ma Thị Cao Sơn nhận làm con nuôi rồi dạy cho các pháp thuật. Tương truyền rằng bà Ma Thị chính là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, hay còn gọi là Bà Chúa Mường, Bà Chúa Thượng Ngàn…

Tại đây, Bà đã truyền dạy cho 3 anh em họ Nguyễn các chú thuật, phép thiền định, binh pháp, y pháp và các nghề thủ công, đặc biệt là việc trị thủy, trồng lúa nước và nuôi tằm, dệt lụa. Trải qua 6 năm học tập chuyên cần, ba anh em cũng dần khôn lớn. Một hôm bà Ma Thị gọi các con lại mà dặn rằng: “Nay các con đã trưởng thành, các pháp ta cũng đã dạy xong, núi này thuộc Kim Sơn, nguồn dương khí chốn trời Nam, rất thích hợp cho các con cư trú. Còn ta sẽ về Hương sơn để khai tràng thuyết pháp. Nay các con là đệ tử của ta, phải khuông phù đạo ta, chăm lo cho dân, giữ cho dân chúng trời Nam được hưởng thái bình”. Nói rồi bà liền ẩn thân trên dãy đại ngàn Tản Viên. Kể từ đó, ba anh em chuyên tâm hành thiện, dạy cho dân biết cách trị thuỷ, đắp đê đào mương dẫn thuỷ trồng lúa nước, nuôi tằm dệt lụa, chữa bệnh cho dân, được nhân dân kính trọng và tôn 3 anh em lên làm Thủ Lĩnh, cai quản cả một dải đất rộng lớn quanh dãy núi Tản Viên.

 Truyền thuyết cũng kể rằng: Sau khi lấy được công chúa Mỵ Nương ( Ngọc Hoa Công Chúa), nhờ tài binh lược của thần Sơn Tinh mà cuộc chiến tranh giữa vua Hùng và Thục Phán được chấm dứt. Để tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Thánh Tản, ngày nay chỉ trong địa bàn thành phố Hà Nội đã có trên 300 ngôi Đền được nhân dân dựng lên để thờ phụng.

 Đền Trung với lối kiến trúc kiểu chữ Tam, phỏng theo quẻ “Càn” trong kinh dịch gồm Tiền Tế, Đại Bái và Hậu Cung. Hậu cung của Đền đặt ba pho tượng cổ thờ tam vị Đức Thánh Thượng Thượng Đẳng Thần. Chính giữa là tượng thờ Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh). Hai bên thờ tượng Cao Sơn Đại Vương và Qúy Minh Đại Vương. (chính là hai người em họ Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiển). Trong cung, gian giữa bài trí tượng bốn vị Tứ Trấn ở tư thế đứng, mũ áo cân đai chỉnh tề, đứng hai bên đối diện nhau, biểu thị bốn vị đại thần trấn ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Đặc biệt trong hậu cung của Đền còn lưu giữ được một ấn đồng cổ khắc bằng chữ Hán với nội dung: “Nam Thiên Thánh Tổ Tản Viên Sơn” và một cây gậy đầu sinh đầu tử (gậy trúc trượng).

Phía bên trái của Đền còn có dãy nhà ba gian gọi là đền Lang hay Đền Lang Mẫu. Gian giữa trên cùng là ngai thờ bà Ma Thị Cao Sơn và bà Đinh Thị Đen. Phía dưới thờ Ngọc Hoa công chúa hay còn gọi là Mỵ Nương công chúa. Gian bên phải thờ Tam Tòa Thánh Mẫu và gian bên trái thờ Ban Sơn Trang.

Phía bên phải của Đền là cung thờ Đức Ông. Chính giữa thờ tượng Đức Chúa Ông Sơn Thần. Bên phải là ban thờ đức Thái Bạch Thần Tinh, tương truyền chính là vị tiên ông đã ban cho thần Sơn Tinh chiếc gậy đầu sinh đầu tử. Bên trái là ban thờ thân phụ của đức Thánh Tản Viên.  

Với lối kiến trúc thờ phụng như vậy, Đền Trung được coi là ngôi đền có quy mô lớn nhất, uy nghiêm nhất tạo thành một quần thể liên quan đến sự tích Đức Thánh Tản Viên, là ngôi đền có vị thế đẹp nhất trong các ngôi đền thờ Tản Viên Sơn Thánh ở núi Ba Vì. Đền Trung được Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa ngày 21/02/2008.

Trong cụm di tích này, còn có một ngôi chùa rất nổi tiếng, đó chính là chùa Tản Viên. Chùa Tản Viên với tên hiệu đầy đủ là “ Tản Viên Sơn Quốc Tự” là ngôi chùa cổ có niên đại lịch sử từ thời An Dương Vương, được trùng tu khang trang hơn vào thời nhà Lý (nửa đầu thế kỷ 11). Sang tới thời Hậu Lê, ngôi chùa đã bị xuống cấp và hoàn toàn trở thành một phế tích. Qua thời nhà Nguyễn, cuối thế kỷ XVIII, ngôi chùa lại được nhân dân chuyển về khu đất mới trước cửa đền Trung. Trải qua thời gian mưa nắng và chiến tranh, ngôi chùa lại một lần nữa trở thành phế tích. Tới năm 1993, phật tử Vương Thị Nhật đã xin phép các cấp chính quyền và vận động nhân dân cho tu sửa lại. Đầu năm 2008, nhận lời thỉnh mời của nhân dân và tín đồ phật tử địa phương, ban Trị Sự GHPG tỉnh Hà Tây đã bổ nhiệm Đại Đức Thích Đạo Thịnh về trông nom, trụ trì và hoằng dương Phật Pháp tại vùng đất được coi là tổ sơn, một nơi linh thiêng bậc nhất của nước ta. Sau khi tiếp nhận quyết định trụ trì, Đại Đức đã bắt tay ngay vào việc làm đơn xin chuyển ngôi chùa về vị trí cũ. Ngay sau khi tiếp nhận quyết định của các cơ quan ban nghành hữu quan, Đại Đức Thích Đạo Thịnh và nhân dân xã Minh Quang đã chính thức làm lễ khởi công động thổ vào ngày 15/8/2009 để chuyển ngôi chùa Tản Viên khu vực Đền Trung về vị trí cũ như hiện nay mà chúng ta đang thấy.

Sau gần 2 năm xây dựng, ngôi Đại Hùng Bảo Điện chùa Tản Viên đã chính thức được khánh thành. Với lối kiến trúc cổ kim kết hợp, đằng trước 2 cổ tám mái, đằng sau ba cổ chồng diêm mười hai mái, diện tích rộng gần 500 mét vuông, ngôi chính điện được xây dựng sừng sững giữa núi rừng, góp phần làm tôn lên vẻ đẹp giữa chốn thiên nhiên hùng vĩ. Quanh ngôi Bảo Điện là khoảng hiên rộng với những cột đá được tạc lên bởi các câu đối bằng chữ Hán viết theo lối chữ lệ. Mái chùa được lợp bằng ngói âm dương men xanh vừa biểu trưng cho sự hòa hợp lại vừa làm tăng thêm sự linh thiêng và cổ kính.

Trong chính điện bài trí ba pho tượng lớn. Pho chính giữa là tôn tượng Đức Phật Thích Ca trong tư thế tay cầm hoa sen, chất liệu bằng gỗ mít cao 7,88m. Tôn tượng như gợi cho chúng ta nhớ đến giai thoại “Niêm Hoa Vi Tiếu” trong nhà thiền. Xưa kia trên núi Linh Sơn, Đức Thế Tôn nâng cành hoa lên và ngài Ca Diếp mỉm cười. Còn ngày nay, tại ngọn núi Tản Viên linh thiêng bậc nhất này, Đức Thích Ca mặc nhiên an trụ trong chính điện, tay cầm đóa sen, dung nhan hiền từ, tự tại giải thoát trước mọi đắm nhiễm của trần ai.

Tôn tượng được an trí bên phải của Đức Phật Thích Ca là tượng Bồ Tát Phổ Hiền ngồi trên lưng voi, tay cầm hoa sen. Còn bên trái là tôn tượng Bồ Tát Văn Thù ngồi trên sư tử, tay cầm kiếm. Cả hai tôn tượng đều đưực tạc bằng gỗ mít và có chiều cao trên 3,5m. Phía trên là bức hoành phi được viết bằng chữ Hán: “Nguyện Hoằng Thâm” và “Trí Tuệ Hải”. Nếu như “Nguyện Hoằng Thâm” để nói đến đại nguyện thâm sâu của Đức Phổ Hiền Bồ Tát thì “Trí Tuệ Hải” lại nhắc tới trí tuệ rộng lớn như biển cả của Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Vậy nên chúng ta mới thường niệm “Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát” “Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát” vậy.

Trước chính điện cách khoảng 50m là Động Quan Âm được tạo thành bởi những tảng đá lớn ghép lại. Đứng ở trong động nhìn lên ta mới thấy được đây quả thực là một kiệt tác kỳ diệu của thiên nhiên. Bên trong động bài trí hai ban thờ, một ban thờ Bồ Tát Quan Âm và một ban thờ Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và Nam Tào, Bắc Đẩu. Tương truyền nơi đây chính là nơi mà Bồ Tát Quan Thế Âm đã tu hành và truyền đạo cho Tam vị tối linh thần Tản Viên Sơn Thánh.

Phía sau của chính điện là biển non bộ với hình: “Thần Kim Quy Hai Đầu Bái Phật Cầu Kinh” bằng đá thiên tạo, một kiệt tác thiên nhiên có một không hai của trời Nam. Phải chăng đây chính là một nét riêng mà trời đất ban tặng cho chốn linh thiêng hùng vĩ này?!

 Phía trên Thần Kim Quy là ngôi Tổ đường với chín gian thờ rộng rãi, uy nghiêm, hùng tráng. Những bức hoành phi, câu đối đều được sơn son, thếp vàng. Với lối viết chữ “Triện”, chữ “Đỉnh” càng làm cho ngôi Tổ đường thêm phần cổ kính và trang nghiêm. Nhưng điều đặc biệt hơn cả chính là cách bài trí các pho tượng tổ sư mà chúng ta khó tìm thấy được ở một ngôi chùa nào khác. Dưới cách bài trí, sắp đặt tài tình tại Tổ Đường chùa Tản Viên như tái hiện lại cả giai đoạn lịch sử truyền thừa của Phật Giáo Việt Nam qua các thời kỳ.

An trí tại gian chính giữa trên cùng là Tôn Tượng Đức Phật Thích Ca kiết già trên tòa sen. Bên phải là tôn tượng Ngài Ma Ha Ca Diếp; Bên trái là tôn tượng Ngài A Nan, chính là 02 vị Tổ sư đầu tiên của Thiền tông Phật giáo Ấn Độ.

 An trí tại hàng thứ hai gian là tôn tượng của Ngài Bồ Đề Đạt Ma, vị tổ sư thứ 28 của Thiền Tông Ấn Độ, đồng thời cũng là sơ tổ của Thiền tông Phật giáo Trung Hoa. Bên phải là tôn tượng Ngài Trí Giả Đại Sư – sơ tổ Thiên Thai Tông hay còn gọi là Pháp Hoa Tông, một trong 10 tông phái lớn của Phật giáo Trung Hoa. Bên trái là tôn tượng Ngài Tuệ Viễn Đại Sư – sơ tổ của Liên Tông, còn được gọi là Tịnh Độ Tông Phật giáo Trung Quốc.

An trí tại hàng thứ ba, phía trên tòa cửu long là tôn tượng ba vị tổ thuộc sơn môn Hương Tích. Tọa ở vị trí trung tâm là tôn tượng cố Hòa Thượng Thích Thanh Chân – tổ sư đời thứ 10 trốn tổ chùa Hương. Bên phải là tôn tượng cố Hòa Thượng Thích Tố Liên – là vị cao tăng có công rất lớn đối với phong trào chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XIX, Tổ cũng chính là người có công rất lớn trong việc trùng hưng và xây dựng Chùa Quán Sứ, nay chính là Trụ sở của Trung ương GHPGVN. Bên trái là tôn tượng của cố Hòa Thượng Thích Viên Thành – là vị tổ sư đời thứ 11 đại tùng lâm Hương Tích, người có công rất lớn trong việc truyền bá Phật pháp, đem đạo vào đời, khuyến đời hộ đạo, giúp cho Phật giáo Việt Nam ngày càng xương minh, phát triển.

Gian bên phải của ngôi Tổ Đường là ban thờ các vị Tổ sư Phật giáo Việt Nam. Phía trên cùng an trí tôn tượng Tam Tổ Trúc Lâm. Tọa chính giữa là tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ngồi trên tòa sen. Ngài được người Việt tôn sùng và coi là hóa thân của Đức Phật Thích Ca. Đứng hai bên là tôn tượng của Thiền sư Pháp Loa và Thiền Sư Huyền Quang. Cả hai vị đều được suy tôn là nhị tổ và tam tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời cũng được cho là hóa thân của tôn giả Ma Ha Ca Diếp và tôn giả A Nan. Đó là lí do vì sao mà tôn tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tạc toạ trên đài sen và tượng Nhị tổ, Tam tổ được tạc trong tư thế đứng giống Ngài A Nan và Ca Diếp vậy.

 An trí tại hàng thứ hai là tôn tượng cố Hòa Thượng Thích Trí Tịnh và cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm. Đối với Phật giáo Việt Nam nói chung và Tịnh Độ Tông Việt Nam nói riêng. Cố giác linh đại lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh được gọi là Tam Tạng Pháp sư của Phật giáo Việt Nam, Ngài có công rất lớn trong việc phiên dịch Tam tạng Thánh điển của Phật giáo, giúp cho Phật giáo phát triển và đi vào đời sống của nhân dân. Ngài cũng được Tăng Ni, Phật tử Phật giáo đồ Tịnh Độ suy tôn là Sơ tổ của Tịnh Độ Tông Phật giáo Việt Nam. Cố giác linh đại lão Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, một vị Tổ sư thị hiện với tài trí vẹn toàn, đức hạnh cao viễn, Ngài có nhiều tác phẩm và dịch thuật nổi tiêng, trong đó có bộ “Niệm Phật Thập Yếu”, một bộ sách cực kỳ quý giá đối với hành giả Tịnh Độ. Ngài chính là vị tổ thứ hai của Tịnh Độ Tông Việt Nam. Tăng Ni, Phật tử Tịnh Độ Tông Phật giáo Việt Nam rất tôn sùng và coi sự thị hiện của hai vị đại lão Hoà Thượng như sự thị hiện của Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí.

Gian thờ phía bên trái là nơi bài trí tôn tượng các vị tổ sư trong quá trình du nhập của Phật Giáo vào nước ta. Phía trên cùng là tôn tượng Thiền sư Khâu Đà La, là vị Tổ sư Ấn Độ đầu tiên cho xây dựng Chùa Dâu, và cũng là vị Tổ sư cho xây chùa có lối thờ phụng độc đáo có một không hai trên thế giới, đó chính là lối thờ tự “Tứ pháp”; tức là thờ tượng Phật Pháp Vân, Phật Pháp Vũ, Phật Pháp Lôi và Phật Pháp Điện. Với phương tiện thiện xảo này, Thiền sư Khâu Đà La đã đem Phật giáo đến gần hơn với người Việt. Lấy tín ngưỡng, văn hoá của người Việt để biểu thị lòng từ bi, vô ngã vị tha, cứu độ quần sinh của Phật giáo. Thiền sư cũng là người có công lớn trong việc xây dựng nên một trung tâm Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Cùng với Thiền sư Khâu Đà La, Thiền sư Mâu Tử với bộ “Mâu Tử Lý Hoặc Luận”, bộ luận đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam, đã trở thành người gốc Trung Hoa xuất gia đầu tiên có trước tác về Phật Giáo.

Tiếp nối Thiền sư Khâu Đà La và Thiền sư Mâu Tử là Thiền sư Khương Tăng Hội. Các vị Tổ sư này có sức ảnh hưởng rất lớn đối với Phật Giáo nước ta lúc bấy giờ. Ngài Khương Tăng Hội được xem như là sơ tổ của Thiền Tông Việt Nam. Đặc biệt, Tổ còn là người có công trong việc truyền bá Đạo Phật vào Trung Hoa thời Tam Quốc. Ngài còn được vua Ngô Tôn Quyền rất kính nể và tôn sùng.

Hàng thứ hai từ trên xuống là tôn tượng của Thiền Sư Tì Ni Đa Lưu Chi và Thiền Sư Vô Ngôn Thông. Thiền Sư Tì Ni Đa Lưu Chi là học trò đắc pháp của Tổ Tăng Xán, vị tổ thứ ba của Thiền Tông Trung Hoa. Theo sách Thiền Uyển Tập Anh dẫn lời thiền sư Thông Biện cũng nói: “Tì Ni Đa Lưu Chi là sư tổ Thiền Tông của nước ta, lập ra thiền phái thứ nhất ở Việt Nam”.

Khoảng hai thế kỷ sau Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi, Thiền phái thứ hai do Ngài Vô Ngôn Thông sáng lập và truyền bá. Ngài là học trò đắc pháp của Thiền sư Bách Trượng, một vị Tổ rất nổi tiếng của Phật giáo Trung Hoa.

Đặc biệt, tại nhà thờ tổ chùa Tản Viên còn an trí một pho tượng mà chúng ta khi nhìn thấy đều không khỏi kinh ngạc. Đó là tôn tượng của Thiền sư Tông Diễn hay còn gọi là thiền sư Tổ Cua, vị tổ thứ hai của thiền phái Tào Động. Đây cũng là tiêu bản của pho tượng duy nhất tại Việt Nam; tượng Phật không ngồi trên tòa sen hay linh thú mà ngồi trên lưng một vị vua. Vị vua ấy chính là vua Lê Hy Tông. Khi mới lên ngôi, Lê Hy Tông do nghe lời sàm tấu của hủ nho nên đã bài xích Phật giáo, phá chùa cấm Tăng, đuổi hết Tăng Ni về núi rừng, làm cho cả kinh thành không có bóng một vị xuất gia. Sư thấy thế, bèn lên đường vào cung để giải pháp nạn cho Tăng Ni. Sư viết sớ dâng lên vua và trình bày rõ ý nghĩa thâm sâu của Phật pháp, vai trò của Phật giáo đối với nhân dân và xã hội… Vua nghe xong thấy lý lẽ hợp tình, hợp lý, văn chương thấu đáo, rồi cảm phục kính mến bèn hạ chiếu hủy bỏ lệnh cấm, cho phép Tăng Ni trở lại chùa cũ tu hành. Để tỏ rõ lòng ăn năn, sám hối, vua Hy Tông đích thân cho tạc pho tượng vua quỳ cõng Phật có một không hai trên thế giới để thờ tại Chùa Hoè Nhai. Chùa Hoè Nhai nay thuộc phường Hàng Than, thành phố Hà Nội. Pho tường này hiện nay đã được tạc thành nhiều tiêu bản, mục đích là để răn dạy người đời, chớ có vội vàng, hấp tấp, vì thiếu hiểu biết mà bất tín nhân quả, báng phá Tam Bảo để rồi phải ăn năn, hối hận như vua Lê Hy Tông.

Men theo lối nhỏ phía bên phải của ngôi tổ đường là ba ngôi miếu thờ Sơn Thần, Thủy Thần và Thần Tài- Thổ Địa. Bên trong mỗi ngôi miếu đều được đặt những pho tượng của các vị thần đầy uy nghiêm, tượng trưng cho văn hoá, tín ngưỡng lâu đời của Việt Nam.

Ngay phía dưới ba ngôi miếu là Giếng Quan Âm hay còn gọi là “Long Tỉnh Tuyền” (tức Giếng rồng). Chuyện kể rằng: Khi vừa trấn tích xây dựng ngôi chùa, vì không có nước sinh hoạt, nước suối thì bị ngứa, nên Đại Đức trụ trì đã thắp hương cáo bạch với trời đất, sơn thần, thổ địa: “Nhờ ơn Tam Bảo, nhờ chút duyên lành từ nhiều kiếp trước, tôi may mắn được xuất gia đầu Phật, trên thì khất cầu giáo pháp Chư Phật để minh tâm kiến tính, dưới thì tuỳ duyên tuỳ nguyện để phổ độ chúng sinh. Nay có duyên về với núi tổ, nếu như phù hợp với ý Phật, lòng Thần thì xin hãy ban cho một dòng nước mát, trước là để cúng Phật, sau là để sử dụng, phục vụ cho việc hoằng pháp lợi sinh, báo Phật ân đức, tiếp dẫn hậu lai,… Đêm đến Đại Đức đã được thần nhân báo mộng và chỉ cho nơi đào giếng”. Quả thực mấy ngày sau, khi giếng vừa đào được khoảng hơn 4 mét, đúng như lời thần nhân mách bảo, một mạch nước lớn trong xanh bất trợt tuôn trào. Kể từ đó, mùa khô nước giếng không bao giờ cạn. Điều lạ kỳ là từ đó trở đi, tất cả các dòng nước suối không còn bị ngứa nữa. Hằng năm, nhiều người dân và tín đồ phật tử thập phương thường đến xin nước giếng Quan Âm để chữa bệnh, cầu con rất linh nghiệm…

Sát bên cạnh giếng Quan Âm là một dòng suối được bắt nguồn từ đỉnh Núi Mẹ và một phần của sườn dãy núi Chàng Rể, ngày đêm tuôi trào dòng nước trong xanh, mát rượi; giống như là dòng sông pháp của Đức Phật chảy mãi, chãy mãi không bao giờ dừng.

Đi qua con suối, cách khoảng 500m là Điện Quan Âm Thiên Thủ. Với diện tích xây dựng gần 500 mét vuông, điện thờ có lối kiến trúc 3 cổ chồng diêm 12 mái, chất liệu bằng dỗ lim nam phi, đã tạo nên một kỳ quan uy nghiêm, sừng sững giữ đại ngàn núi Tản. Nơi chính điện được an trí tôn tượng Bồ Tát Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, chất liệu bằng gỗ mít dát vàng lớn nhất thế giới hiện nay. Đặc biệt, ngay giữa chính điện còn được an trí tôn tượng “Quán Âm Long Đầu” bằng ngọc Nephrite Canada cao 1,75m. Tôn tượng với tướng hảo trang nghiêm, thoát tục. Diện của Ngài toát lên vẻ từ bi, nhân hậu, như luôn đang ban vui, cứu khổ càng làm cho mảnh đất linh thiêng nơi đây thêm phần sinh khí. 

An trí trong ngôi đại điện, còn có hai tôn tượng Bồ Tát Quán Âm Tọa Sơn cao 3,5m và tượng Quán Âm Tống Tử cao 3,5m đều được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng giả cổ. Có một điều đặc biệt là nhân dân và tín đồ thập phương thường xin nước ở giếng Quan Âm dâng lên trước mẹ “Quán Âm Tống Tử” để cầu con. Kỳ diệu thay, đã có rất nhiều đôi vợ chồng hiếm muộn con cái, sau khi uống nước Giếng Quan Âm mà tự sinh con, không cần tác tộng tới bất kỳ phần y học hiện đại nào.

Sung quanh chính điện còn được bài trí tôn tượng của tám vị thần hộ trì Phật pháp, được gọi là “Bát Bộ Kim Cương” cao 2,7 m. Ở giữa hai bên tả hữu được thờ thập điện Diêm Vương( mười vị Diêm Vương), tượng cao 1,7m đều được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng. Với lối kiến trúc, thờ phụng độc đáo như vậy, càng làm tôn thêm vẻ đẹp trang nghiêm, hùng vĩ giữa chốn đại ngàn linh thiêng Núi Tản.

Cách Điện Quan Âm khoảng 50m về phía bên phải là tôn tượng Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai cao 35m. Theo Kinh Pháp Hoa: Ðức Ðại Thông Trí Thắng Như Lai khi chưa xuất gia là một vị Quốc Vương có 16 người con trai. Lúc Ngài bỏ ngai vàng xuất gia thành Phật, 16 vị Vương Tử cùng xin xuất gia làm Sa Di. Trải qua một thời gian tu học, 16 vị Sa Di đều chứng ngộ diệu lý. Mười sáu vị Sa Di đó hiện nay đều đã thành Phật, và đang giáo hoá độ sinh khắp trong mười phương thế giới. Vị Sa Di thứ 16 thành Phật ở cõi Sa Bà hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật. 

Sở dĩ Đại Đức trụ trì phát nguyện xây dựng tôn tượng Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai là bởi một nhân duyên đặc biệt: Vào năm 2011, khi đang trong giai đoạn kiến thiết chùa Tản Viên, cũng là lúc Đại Đức hành trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa, khi tụng đến Phẩm “Hóa Thành Dụ” thứ 7, tới đoạn nói về Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai thì đột nhiên Đại Đức cảm thấy thân thể nhẹ nhàng, khắp không gian bừng sáng, tiếng nhạc trời thánh thót ngân vang,… Ngay lúc ấy, Đại Đức đã phát nguyện: “Nếu như con thực sự có duyên hoằng pháp tại cõi này, kính nguyện mười phương Tam Bảo hãy làm chứng và gia trì cho con được xây dựng tôn tượng Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai để an trấn cõi này, khiến cho Phật giáo cõi này và đất nước Việt Nam ngày càng phát triển”. Điều đặc biệt là khi xây dựng tôn tượng, giao thông lên núi còn khó khăn, mọi phương tiện cơ giới hỗ trợ đổ bê tông không thể lên được, vậy nên hoàn toàn phải dùng tới sức người, có những ngày đổ bê tông thân tượng, tự nhiên hàng nghìn người khắp các nơi về chùa làm công quả, cùng nhau chung tay xây dượng nên bức Đại Tượng Phật uy nghiêm này. Và đây chính là tôn tượng Đức Đại Thông Trí Thắng Như Lai đầu tiên và lớn nhất thế giới tính tới thời điểm hiện nay.

Để có thể xây dựng nên ngôi chùa Tản Viên với quy mô và kiến trúc như vậy, hẳn là tốn rất nhiều công sức và trí tuệ của Thầy trụ trì cũng như nhân dân địa phương. Ấy vậy mà đến với Tản Viên Sơn Quốc Tự lúc này, chúng ta chỉ thấy đây là một ngôi già lam rộng lớn, trang nghiêm và linh thiêng mà không biết rằng những gì chúng ta đang thấy được tạo nên bởi cả mồ hôi, tâm trí và hy vọng của biết bao con người.

Vâng! Bức tường chúng ta đang thấy đây là do người dân vác từng bao xi, xách từng túi cát mang lên mà có được. Viên gạch chúng ta đang giẫm lên đây cũng là do người dân cõng từng viên lên núi mà có. “Ngày ấy” là cái ngày mà người thì vác tấm bờ lô, người thì 1, 2 viên gạch, người thì xách vài ba cân cát. “Ngày ấy” là cái ngày mà hàng trăm người tay xách xô vữa đứng trên giàn giáo bằng tre mà chuyển lên xây dựng Đại Tượng. Và nếu như không có “ngày ấy” thì có lẽ rằng đã không có một Tản Viên Sơn Quốc Tự trang nghiêm, thanh tịnh, linh thiêng như ngày hôm nay. Đứng giữa nơi đây, ta thấy như mình đang cảm nhận được sự đồng lòng, nhất chí của cả dân tộc, như nghe thấy cả hơi thở của núi rừng đang từng giây, từng phút hoà quyện với dòng chảy, bánh xe Chính pháp của Đức Như Lai. Vậy mới thấy Tản Viên Sơn Quốc Tự cũng như Đền Trung đều là những thánh tích trên ngọn núi tổ linh thiêng bậc nhất của nước ta, xứng đáng để nhân dân và du khách thập phương đến chiêm bái, tu tập và cảm nhận. Cảm nhận hồn thiêng sông núi để thấy rằng: “Trời xanh chẳng phụ công người, Phật thương Phật độ ai thời có Tâm”.

Một vài hình ảnh chùa Tản Viên:

Phật sự Tản Viên tổng hợp

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares