Nghiên cứu về “lâm chung” trong Phật giáo tại Úc

Hai vị Tiến sĩ là Hannah Gould và David Marco thuộc Đại học Melbourne ở Úc, cùng với Tiến sĩ Anna Halafof thuộc Đại học Deakin ở Melbourne, và Deb Rawlings thuộc Đại học Flinders ở Adelaide, gần đây đã hoàn thành dự án nghiên cứu về chăm sóc lâm chung của người dân Úc theo phương pháp Phật giáo. Nghiên cứu của đội ngũ là tìm kiếm câu trả lời cách người Úc áp dụng các ý tưởng và pháp thực hành trong Phật giáo đối với cái chết.

Ảnh : Nguồn Internet

“Các phương pháp thực hành lấy cảm hứng từ Phật giáo, bao gồm chính niệm và nuôi dưỡng từ bi, là một phần của ngành chăm sóc sức khỏe (wellness industry) đang phát triển mạnh ở Úc. Đối với nhiều người Úc, Phật tử và Phật giáo đã đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong việc sống tốt mà còn trong việc đón nhận một cái chết an bình (dying well)” Tiến sĩ Gould và Tiến sĩ Halafof viết. “Cho đến nay, vẫn chưa có số liệu thống kê toàn diện về quy mô ảnh hưởng của Phật giáo trong hệ thống chăm sóc lâm chung ở Úc, hay hành trình đến với cái chết của mỗi cá nhân. Đây là lý do tại sao chúng tôi bắt đầu nghiên cứu hiện tượng mới nổi này trong dự án ‘Lâm chung theo phương pháp Phật giáo’ ở Úc”. (Theo báo The Guardian)

Dự án hoàn thiện vào tháng 11 năm 2023, với những phát hiện chỉ mới bắt đầu được phổ biến. Trong đó, dự án đã xác định được hơn 40 nơi làm về dịch vụ chăm sóc cuối đời, họ cung cấp các phương pháp thực hành lấy cảm hứng từ Phật giáo như thực hành chính niệm hoặc thảo luận về trạng thái thân trung ấm trong 49 ngày mà một người phải trải qua sau khi tắt hơi thở. Gần 50 học viên cũng được xác định là những người thường kết hợp việc tu tập Phật Pháp trong công việc của họ tại các bệnh viện, nhà an dưỡng và nhà tang lễ.

Một trong số đó là Karuna Hospice Services, karuna là từ tiếng Phạn có nghĩa là từ bi, được thành lập năm 1992 bởi Đại đức Pende Hawter. Ngày nay, Karuna Hospice Services là một nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ[1] và tâm linh tại nhà. Karuna Hospice Services có mối liên kết với tổ chức Phật giáo Tây Tạng do Lạt Ma Thubten Yeshe và Lạt Ma Zopa Rinpoche thành lập, Tổ Chức Bảo Tồn Truyền Thống Đại Thừa (Foundation for the Preservation of the Mahayana Tradition, FPMT).

Ni sư Tsultrim, nữ tu sĩ Phật giáo đến từ Karuna Hospice Services, nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ và tâm linh, thường gần gũi với các học viên Phật giáo với vẻ an lạc, tĩnh lặng. Ni sư Tsultrim nhấn mạnh rằng các nhà an dưỡng như Karuna chào đón mọi người từ tất cả các tín ngưỡng và cả những người không có tín ngưỡng tôn giáo. Mục tiêu không phải là cải đạo mọi người sang Phật giáo mà là cung cấp sự giúp đỡ từ bi và khơi gợi những phút giây suy ngẫm cho họ.

Việc mọi người chuyển sang chăm sóc cuối đời theo phương pháp Phật giáo phù hợp với những thay đổi trong xã hội ở Úc ngày nay, nơi tỷ lệ người theo đạo Cơ đốc đang giảm và số lượng người được xác nhận là vô thần đang tăng lên. Xu hướng này phản ánh sự phát triển về đa dạng tâm linh và thoát ra khỏi khuôn khổ tôn giáo truyền thống.

Tiến sĩ Gould và Tiến sĩ Halafof cũng chỉ ra rằng: “Các biểu tượng của thiên nhiên như hoa sen, tre và hoa súng, cũng dễ được nhận diện trong việc marketing cho dịch vụ chăm sóc người chết theo phương pháp Phật giáo”. Điều này hấp dẫn một số người Úc vì, “Chăm sóc lâm chung và chăm sóc người chết một cách có ý nghĩa và đa dạng về tâm linh là có tồn tại. Nhưng chúng không phải lúc nào cũng dễ tiếp cận. Các tổ chức chăm sóc lâm chung và chăm sóc người chết ở Úc hoạt động trong một khuôn khổ phần lớn là không thuộc tôn giáo, điều này công nhận sự đa dạng về tôn giáo nhưng không nhất thiết phải có tâm linh.” (Theo báo The Guardian)

Phật Pháp và những pháp thực hành, chẳng hạn như thừa nhận sự vô thường của cuộc sống và vun đắp lòng từ bi, nhận được sự hưởng ứng của nhiều người Úc đang đối mặt với cái chết. Những nguyên tắc này cung cấp một khuôn khổ để giải quyết đau khổ và vượt qua những cảm xúc khó khăn.

Sự phát triển nổi bật của việc chăm sóc cuối đời lấy cảm hứng từ Phật giáo phản ánh sự chuyển dịch tâm linh rộng hơn và những phương pháp toàn diện cho một cái chết an bình ở Úc. Những phát hiện nghiên cứu hiện đã có sẵn trên trang web của Đại học Melbourne, cung cấp những lĩnh vực nghiên cứu mới đầy hứa hẹn cho các học giả ở Úc và trên toàn thế giới, cùng với các ý tưởng cho các chuyên gia trong dịch vụ chăm sóc lâm chung và những người đang phải đối mặt với cái chết của mình và người thân xung quanh.

Tham khảo toàn văn nghiên cứu tại: psychologicalsciences.unimelb.edu.au

Phật sự Tản Viên biên dịch

Nguồn: Buddhistdoor Global

[1] Chăm sóc giảm nhẹ (Palliative Care) là phương pháp nhằm giúp bệnh nhân giảm bớt các cơn đau, tạo môi trường thoải mái thân thiện, cải thiện chất lượng cuộc sống

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares