Gaël Chételat, chuyên gia nghiên cứu bệnh Alzheimer (còn gọi là chứng mất trí nhớ) trong hơn 20 năm qua khẳng định tác dụng của thiền trong việc cải thiện chức năng não, bà cho biết: “Càng thiền, tôi càng tin rằng nó giúp người già khỏe mạnh và hạnh phúc hơn”.
Tác dụng của thiền lên chức năng não
Gaël giải thích rằng, nghiên cứu cho thấy việc ngồi thiền có thể cải thiện các chức năng não như sự tập trung và trí nhớ, đồng thời giảm nguy cơ căng thẳng, lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và thậm chí cả bệnh tim – những yếu tố có liên quan mật thiết đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính đến năm 2050, dân số toàn cầu trên 60 tuổi sẽ tăng gấp đôi lên 2,1 tỷ. Gale nói: “Ý tưởng là việc thúc đẩy thiền định sẽ không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi mà còn giảm chi phí chăm sóc sức khỏe”.
Thiền cải thiện chức năng não
Gaël đứng đầu dự án nghiên cứu “Medit-Aging” từ năm 2018 đến 2020 với mục tiêu tìm ra tác động của thiền đối với những người từ 65 tuổi trở lên. Các nhà nghiên cứu chia 137 người tham gia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên tập thiền (tập tại nhà từ 20 phút trở lên mỗi ngày), nhóm thứ hai học ngoại ngữ (tiếng Anh) và nhóm thứ ba không được đào tạo gì.
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá chất lượng giấc ngủ, sự tập trung, chức năng não điều hành và trí nhớ của người tham gia dựa trên dữ liệu từ bảng câu hỏi, xét nghiệm máu và quét não.
Kết quả cho thấy so với việc học ngoại ngữ, thiền hữu ích hơn trong việc cải thiện khả năng tập trung, điều tiết cảm xúc và khả năng tự nhận thức của con người, theo báo cáo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Neurology.
Gaël cho biết: “Vỏ não trước và thùy não đều liên quan đến chức năng nhận thức. Các mô này có xu hướng thoái hóa theo tuổi tác, làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức. Khi thời gian trôi qua, khi chúng ta già đi, thiền định có thể giúp quá trình này chậm lại”.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn tham khảo: Buddhist Door