[Nghiên cứu]Thiền chính niệm giúp “kích hoạt” lòng vị tha

Một nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy thiền chính niệm giúp thúc đẩy các hành vi mang tính vị tha và vì xã hội.

Thiền chính niệm “kích hoạt” lòng vị tha

Nghiên cứu này được thực hiện bởi một nhóm các nhà kinh tế và tâm lý học. Đội ngũ nghiên cứu đã xem xét mức độ tự nguyện quyên góp cho một tổ chức từ thiện của người tham gia sau một buổi thiền chính niệm ngắn.

Tác giả chính của bài nghiên cứu, Tiến sĩ Emily Chen giải thích: “Đã có nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra những lợi ích của chính niệm như giảm lo lắng, trầm cảm và căng thẳng cũng như cải thiện khả năng điều tiết cảm xúc”. “Nhưng chúng tôi muốn khám phá xem liệu nó có thể kích hoạt lòng vị tha của con người và tăng cường độ hợp tác trong hành vi hay không.”

Thiền chính niệm thúc đẩy hành vi vì xã hội

Các nhà nghiên cứu đã chia ngẫu nhiên 326 người tham gia thành 2 nhóm. Một nhóm hoàn thành bài tập thiền chính niệm dài 15 phút, và một nhóm đối chứng thực hiện một nhiệm vụ khác. Sau đó, người tham gia được lựa chọn có muốn quyên góp một phần tiền công mà họ được nhận cho một tổ chức từ thiện hay không.

Kết quả cho thấy, trung bình những người tham gia thiền chính niệm quyên góp nhiều hơn 2,61 lần so với nhóm đối chứng, kể cả khi tính đến các yếu tố như tuổi tác, trình độ học vấn và mức thu nhập.

Tác dụng bất ngờ và thú vị của thiền chính niệm

Điều thú vị là, nghiên cứu nhận thấy thiền chính niệm có tác dụng lớn nhất lên nhóm người không học đại học và nhóm dưới 25 tuổi. Ở nhóm đối chứng, những người không học đại học và những người dưới 25 tuổi đa phần lựa chọn không quyên góp gì, trong khi đó phần lớn những người tham gia thiền chính niệm đều tham gia đóng góp.

Tiến sĩ Chen cho biết: “Điều này cho thấy rằng các biện pháp can thiệp dựa trên chính niệm có thể là một công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy và khuyến khích hành vi vì xã hội, đặc biệt là ở những nhóm dân cư vốn ít có xu hướng thể hiện lòng vị tha ngay từ đầu”.

Những phát hiện này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy những lợi ích sâu rộng của việc thực hành chính niệm. Các nhà nghiên cứu hy vọng kết quả sẽ góp phần khuyến khích việc thực hiện các chương trình chính niệm một cách rộng rãi hơn, giúp thúc đẩy hợp tác xã hội và sự tham gia, hoà nhập cộng đồng.

          Phật sự Tản Viên lược dịch

                                                                   Nguồn tham khảo: Scientific Reports

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares