Lợi ích của thiền đối với các bệnh nhân suy giảm thị lực

Nghiên cứu cho thấy, hiền định kết hợp cùng các bài tập thở giúp cải thiện sức khoẻ tổng thể của bệnh nhân khiếm thị

Lợi ích của thiền định trong điều trị các bệnh về thị giác 

Mất thị lực có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, thể chất và cảm xúc của bệnh nhân. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đại học Western, London cho thấy, thiền định kết hợp cùng các bài tập thở có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khoẻ tổng thể của bệnh nhân khiếm thị.

Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nhãn khoa (Journal of Ophthalmology) đã xem xét tác động của thiền và các bài tập thở đối với các bệnh nhân bị rối loạn thị lực ở nhiều mức độ khác nhau, bao gồm cả bệnh tăng nhãn áp. Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp và phân tích dữ liệu từ các nghiên cứu lâm sàng để đánh giá lợi ích của phương pháp can thiệp tâm-thể này.

Cụ thể, nghiên cứu này tập trung vào các hiệu quả giảm nhãn áp ở các bệnh nhân Glôcôm (nhóm bệnh có đặc điểm chung là tổn hại thần kinh và mất thị trường), cải thiện chức năng thị giác, điều chỉnh các chỉ số sinh học (như giảm cortisol, tăng beta-endorphin), và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chính niệm – liệu pháp tiềm năng cho bảo tồn và cải thiện thị lực

Kết quả nghiên cứu cho thấy, thiền định giúp giảm nhãn áp (IOP) một cách đáng kể ở bệnh nhân Glôcôm, một chỉ số cực kỳ quan trọng trong việc theo dõi diễn biến của bệnh.

Các bệnh nhân cũng cho thấy độ lệch trung bình trong thị trường Humphery được cải thiện đáng kể, thể hiện tiềm năng bảo tồn thị lực của thiền định kết hợp với các bài tập thở.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra mối liên kết giữa việc tập thiền và việc giảm mức độ cortisol và ROS (Reactive Oxygen Species, tập hợp các gốc tự do có tính oxy hóa mạnh, là sản phẩm của các quá trình chuyển hóa của cơ thể), đồng thời tăng lượng beta-endorphin – một loại peptide thần kinh có liên quan tới sự kiểm soát cơn đau.

Ngoài các lợi ích về mặt sinh lý, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thiền định giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh nhờ tăng cường thể lực và cải thiện tâm trạng của bệnh nhân.

“Những bài thực hành tâm-thể này dường như mang lại một cách tiếp cận toàn diện”, nhà nghiên cứu chính giải thích. “Bằng cách nhắm vào cả các khía cạnh thể chất và tâm lý của người bệnh, thiền định và bài tập thở có thể giúp bệnh nhân duy trì cuộc sống độc lập và cải thiện sức khỏe tổng thể của họ”.

Có thể nói, nghiên cứu này đã cho thấy tiềm năng của việc kết hợp thiền định cùng các bài tập thở vào các liệu pháp cho những bệnh nhân đang vật lộn với các thách thức về mặt sức khỏe liên quan đến thị giác.

Tài liệu tham khảo

Tran, E., Aly, M., Shah, N., Phu, V., & Malvankar-Mehta, M. S. (2023). Benefits of meditation and breathing exercises in vision loss patients. British Journal of Visual Impairment. https://doi.org/10.1177/02646196231201773

          Phật sự Tản Viên lược dịch

                                                             Nguồn tham khảo: Sage Journals

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares