Thiền định làm thay đổi sóng não ra sao? Một trường Trung học tại Hồng Kông sử dụng điện não đồ hỗ trợ việc tu Thiền của học sinh.

Vài năm trở lại đây, nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng thiền định có thể làm thay đổi sóng não, từ đó tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần cho con người. Trường Trung học Phật giáo Đại Quang Từ Hàng Hồng Kông (Buddhist Tai Kwong Chi Hong College) trong những năm gần đây đã và đang quảng bá chương trình “Thiền tỉnh thức: Nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần”. Đồng thời lắp đặt thêm máy đo điện não đồ cho các học sinh sử dụng trong lúc hành thiền, giúp việc luyện tập trở nên thú vị hơn.
Buổi tập trung của học sinh tại trường Trung học Phật giáo Đại Quang Từ Hàng Hồng Kông
Website “Nền tảng giáo dục Phật giáo trong trường Bodhi 360” (https://www.bodhi360.hk/) đưa tin, trong những năm gần đây trường đã mua sáu máy đo điện não đồ EEG (Electroencephalography) và các ứng dụng liên quan. Máy đo sóng não được đi kèm với 3 thiết bị cảm biến, khi người dùng đeo thiết bị lên trán và kết nối với các thiết bị điện tử như máy tính bảng…, nó có thể phát hiện và ghi lại các loại sóng khác nhau do não phát ra.
Học sinh có thể thực hành thiền định trong khi đeo máy đo điện não đồ. Vòng tròn ở giữa màn hình máy tính sẽ lên xuống tùy theo mức độ thư giãn của học sinh, giúp họ nhận được phản hồi ngay lập tức và biết được trạng thái hiện tại của bản thân để điều chỉnh nhịp thở hoặc tư thế tọa thiền.
Về cơ bản, có khoảng năm loại sóng trong não, đó là Delta, Theta, Alpha, Beta và Gamma. Nghiên cứu khoa học cho thấy trong quá trình ngồi thiền, não sẽ tạo ra hiện tượng đồng bộ và cộng hưởng, thậm chí ngay cả tim cũng sẽ đồng bộ với sóng não.
Năm loại sóng não cơ bản
Nghiên cứu của hai tiến sĩ Lạp Tùng Minh (Akira Kasamatsu) và Bình Tỉnh Phúc Duy (Tomio Hirai) thuộc Đại học Tokyo, Nhật Bản cho biết, sóng não trước khi tọa thiền chủ yếu là sóng Beta (12-30Hz), là loại sóng xuất hiện khi đang ở trong trạng thái tỉnh táo nhưng tâm chưa tĩnh lặng. Sau khi tọa thiền, sóng não sẽ thay đổi, có thể chia làm 4 giai đoạn như sau:
Giai đoạn đầu tiên là sóng Alpha (10-12 Hz), xuất hiện ở phía sau não, đây là hiện tượng bình thường khi đang trong trạng thái tỉnh táo và yên tĩnh.
Giai đoạn thứ hai, biên độ sóng não Alpha dao động lớn dần và di chuyển đến vùng thùy đỉnh ở phía trên đầu, khi mọi người bắt đầu tiến vào trạng thái tập trung và thư giãn khi ngồi thiền.
Giai đoạn thứ ba: Tần số Alpha giảm (8-10 Hz), sóng chủ yếu ở thùy trán và vùng trung tâm não bộ (dường như có liên quan đến nhận thức và sự tập trung), thuộc trạng thái tập trung và thư giãn sâu hơn.
Giai đoạn thứ tư: Nhịp Theta (6-8 Hz), chủ yếu xuất hiện ở vùng thùy trán, đây là cảnh giới luyện tập thiền định thâm sâu. Một số học giả tin rằng những cảm xúc tích cực như niềm vui, hạnh phúc và Pháp hỷ được tạo ra trong quá trình thiền định có thể liên quan tích cực đến sóng Theta ở thùy trán.
Máy đo điện não đồ của Trường Trung học Phật giáo Đại Quang Từ Hàng Hồng Kông cho phép học sinh sau khi kết thúc thiền định có thể xem lại các loại sóng não khác nhau của bản thân trong lúc tu hành. Đồng thời nhà trường còn cho điểm đánh giá để thể hiện mức độ tập trung và thư giãn của học sinh.
Buổi thực hành tu thiền sử dụng máy đo điện não đồ của học sinh
Khi bắt đầu, đèn thiền phát ra ánh sáng đỏ tượng trưng cho sóng não Beta, sau đó dần dần chuyển sang ánh sáng xanh dịu, tượng trưng cho sóng não Alpha.
Có một bạn học sinh chia sẻ: “Con cảm thấy rất dễ chịu, giống như là vừa mới được nghỉ ngơi rất lâu vậy!”
Thầy giáo Tô cho biết, khi bạn tập trung vào hơi thở của bản thân đến độ thả lỏng sâu, bạn sẽ có cảm giác như mình đã thư giãn trong một thời gian rất dài. Điều này có thể giải tỏa sự mệt mỏi do căng thẳng, áp lực một cách hiệu quả cả về thể chất lẫn tinh thần.
Theo thầy Tô, hiện nay cũng có những cơ sở giáo dục ở Mỹ, Hàn Quốc và Singapore sử dụng máy đo điện não đồ EEG để hỗ trợ giảng dạy. Nhà trường tin rằng mặc dù chi phí của máy đo điện não đồ tương đối cao nhưng rất đáng để đưa vào khuôn viên trường học, từ đó nâng cao hứng thú học tập và sự hiểu biết của học sinh.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn: Buddhist Door

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares