Chuyện Thời Đức Phật : Phật ra đời vì một nhân duyên lớn: “ Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”.

Đức Phật Đản sinh 

Đức Phật giáng sinh ở xứ Trung Ấn Độ, hiện nay được gọi là nước Nepal , một nước ở ven sườn dãy Hy Mã Lạp Sơn, là một dãy núi cao nhất thế giới. Phong cảnh nơi đây tuyệt đẹp vô cùng. Dân cư ở xứ ấy rất là thuận lương.  

Đức Phật nguyên là Thái tử nước Ca Tỳ La Vệ tên là Tất Đạt Đa, là con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da. Cả vua và hoàng hậu lúc sinh thời đều là những người đã nhiều kiếp tu hành, có đức hạnh lớn và xứng đáng làm cha mẹ của muôn dân.  

 

Mảnh đất thiêng liêng: Lâm Tỳ Ni _ thánh tích nơi Đức Phật đản sinh

Tất Đạt Đa được sinh vào ngày mồng tám tháng tư âm lịch ( trước Tây lịch 624 năm), tại vườn Lâm Tỳ Ni, cách thành Ca Tỳ Na Vệ 15 cây số. Ngày Ngài đản sinh, mọi cảnh vật trong thành đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cỏ đơm hoa kết trái; sông, ngòi, giếng nước trong đầy; và đặc biệt trên hư không hào quang chiếu sáng cả mười phương. 

Thái tử Tất Đạt Đa cứ như vậy lớn dần trong sự yêu thương và bao bọc của  tất cả mọi người. Thái tử mỗi năm mỗi lớn, thì diện mạo càng thêm khôi ngô, tài năng càng phát lộ gấp bội. Mặc dù tài sức hơn người, thông minh xuất chúng, lại ở trong địa vị cao sang quyền quý tột bậc, nhưng Thái tử cũng không bao giờ tỏ vẻ ngạo mạn, khinh người. Ngài luôn có một thái độ rất nhã nhặn ôn hòa, vô tư, bình đẳng với tất cả mọi người xung quanh. Lòng thương người, thương vật của Ngài không ai sánh kịp, hễ có dịp giúp đỡ, thì dù có khó khăn bao nhiêu Ngài cũng không từ nan. Bởi thế Ngài được Vua cha yêu quý, dưới thần dân kính trọng, nể phục. 

Đức Phật Thành Đạo

Sống trong hoàng cung xa hoa, lộng lẫy: nào chức tước, danh vọng, nào lâu đài cung điện, nào đàn ca múa hát, nào vợ đẹp con ngoan. Nhưng Thái tử vẫn thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn, thắc mắc. Ngài cho cảnh đời Ngài đang sống đây không phải là hạnh phúc chân thật, mà là cảnh giả dối, mê muội, chỉ làm cho kiếp sống thêm nặng nề đau khổ. Ngài thấy cần phải tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật, có ý nghĩa và cao đẹp hơn. Trong suốt những năm tháng thời niên thiếu, thái tử luôn đau đáu trong mình những câu hỏi: Làm sao cho con người trẻ mãi không già? Làm sao cho con người mạnh mãi không đau? Làm sao cho con người sống hoài không chết? Làm sao cho mọi người hết khổ? Và trong một lần xuất cung, Ngài gặp được một vị tu sĩ đã giải đáp trúng  với những hoài bão  mà Thái tử đang ấp ủ bấy lâu,từ đó Tất Đạt Đa nung nấu trong mình ý định xuất gia cầu Đạo. 

Một đêm khuya, thừa dịp quân lính canh gác và cung phi mỹ nữ say ngủ sau một cuộc yến tiệc linh đình, Thái tử lén thức dậy, nhìn vợ con từ biệt lần cuối, rồi trốn ra khỏi thành. 

Một vài thánh tích nơi đức Phật thuyết pháp

Sau khi dứt bỏ cuộc đời vương giả, Thái tử đi vào rừng sâu tìm Đạo.  Ngài đi hết chỗ này đến chỗ khác để tìm Thầy học Đạo, nhưng đến đâu Ngài cũng thấy Đạo của họ còn hạn hẹp, không thể giải thoát cho con người hết khổ. Từ đấy, Ngài tìm tới chốn tu tập một mình, đêm ngày nghiền  ngẫm đến Đạo giải thoát. Thái tử đã ngồi nhập định suốt 49 ngày đêm dưới gốc cây Bồ Đề. Trong 49 ngày ấy, Ngài đã chiến đấu với bọn giặc phiền não ở nội tâm như tham, sân, si, nghi, mạn… và chiến đấu với giặc Thiên ma do Ma Vương Ba tuần chỉ huy. Sau khi thắng được cả giặc ở nội tâm lẫn ngoại cảnh, tâm trí được khai thông, Ngài hốt nhiên đại ngộ. Từ đấy thái tử Tất Đạt Đa được Đạo vô thượng thành bậc “ Chính đẳng Chính giác”, hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngày thành Đạo của Ngài, tính theo Âm lịch là ngày mồng 8 tháng 12, vào lúc sao mai mọc. Lúc ấy ngài được 30 tuổi. 

Đức Phật nhập Niết Bàn

Từ khi thành Đạo dưới gốc cây Bồ Đề cho đến ngày nhập diệt, trải qua thời gian 49 năm, Đức Phật đã đi khắp xứ Ấn Độ rộng lớn bao la, hết nước này đến nước khác. Nơi đâu có dấu chân Ngài đi qua là nơi đó có ánh Đạo vàng bừng tỏa huy hoàng. Ròng rã 49 năm như thế, hạt giống Từ bi được Ngài gieo khắp các xứ ở Ấn Độ. 

Khi giác hạnh của Ngài đã viên mãn thì Phật đã 80 tuổi. Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo luật vô thường mà biến đổi, yếu già. Năm ấy Ngài cũng vào hạ ở rừng Sa La trong xứ Câu Ly, cách thành Ba  La Lại chừng 120 dặm. Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, Ngài nhập định rồi vào Niết Bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày rằm tháng hai âm lịch.     

Thành Câu Thi Na nơi Đức Phật nhập Niết Bàn 

Rừng cây Ta La tuôn hoa xuống phủ lên thân Đức Thế Tôn, trời đất u ám, cây cỏ héo úa, chim chóc im bặt tiếng hót. Vạn vật như chìm lặn trong những giây phút nặng nề của sự chia ly. 

Đức Phật đã nhập Niết  Bàn, nhưng gương sáng của Ngài vẫn chiếu sáng rực trước mắt chúng ta. Suốt một đời, trong 80 năm trời, không một lúc nào Ngài xao lãng mục đích tối thượng là hóa độ chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ.                                                                                        

Đạo Bồ Đề từ đấy đã ăn sâu gốc rễ trên bán đảo Ấn Độ bao la, và trở thành một tôn giáo chính của các nước lớn, nhỏ thời bấy giờ tại Ấn Độ, Đức Phật sau khi tự giác, đã giác tha và đến đây là giác hạnh của Ngài đã viên mãn. 

Sự hy sinh cao cả, lòng từ bi rộng lớn, trí tuệ sáng suốt, ý chí dũng mãnh của Ngài không những là bao nhiêu gương sáng cho riêng hàng Phật tử, mà còn cho tất cả mọi người. Nếu chúng ta quan niệm Ngài là một vĩ nhân thì đó là một vĩ nhân trên hết các vĩ nhân của nhân loại từ xưa đến nay. Đức Phật, trước khi nhập diệt đã dặn chúng ta một câu cuối cùng:

  • “ Mọi vật ở đời không có gì quý giá. Thân thể rồi sẽ tan rã. Chỉ có Đạo Ta là quý báu. Chỉ có Chân lý của Đạo Ta là bất di bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát !”.

Phật sự Tản Viên tổng hợp 

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares