Ấn Quang Đại sư – Tổ thứ 13 của Tịnh Độ Tông

Tiểu sử Ấn Quang Đại sư

Ấn Quang Đại sư, tên là Thánh Lượng, biệt hiệu là Thường Tàm. Sư mang họ Triệu, sinh vào năm Hàm Phong thứ 11 (1861) tại Lân Dương, Hiệp Tây. Thuở nhỏ, Ấn Quang Đại sư học về Nho giáo, rất thích đọc sách của Trình – Chu. Năm 21 tuổi, ngộ được sự vô thường của thế gian, bèn xuất gia tại chùa Viên Quang, từ đó thầy tham cứu với nhiều bậc thiện tri thức, dốc sức xiển dương pháp môn Tịnh độ. Ấn Quang Đại sư từng trú tại các chùa Pháp Nhi ở Phổ Đà, Hồng Loa ở Chung Nam. Trên thân chỉ duy nhất một chiếc y nạp, suốt ngày ở trên Tàng Kinh các, hai mươi năm liền không rời khỏi trú xứ. Vào sáng sớm và chiều tối hằng ngày, Ấn Quang Đại sư chỉ trì danh hiệu Phật Di Đà mà thôi. Sư nói: 

“Tự lượng sức mình, không nương vào nguyện lực rộng lớn của Như Lai, quyết chí trong đời này sẽ ra khỏi sinh tử. Từ đây sẽ chỉ niệm mỗi danh hiệu Di Đà, chỉ cầu về Tịnh độ. Trong nhiều năm nay, tôi đã từng tham cứu với nhiều thiền sư, nhưng vẫn muốn làm sáng tỏ đệ nhất nghĩa đế của Tịnh độ, để làm hành trang vãng sinh về Thượng phẩm liên hoa mà thôi. Điều đáng tiếc là sắc thân suy yếu, nên việc thực hành khó mạnh mẽ được. Tuy nhiên, với niềm tin và đại nguyện kiên cố, không chỉ các thiền sư trên thế gian này không thể làm lung lay ý chí, mà kể cả chư Phật có hiện thân bảo tôi tu pháp môn khác, cũng không thể khiến tôi bỏ Tịnh độ, thực hiện trái với tâm nguyện ban đầu của tôi được”. (1)

Trong một vài câu ngắn gọn đó, không chỉ thể hiện được tư tưởng Tịnh độ đặc trưng của Ấn Quang Đại sư là: “tôn trọng vào tha lực”, “chuyên vào niềm tin”; mà đồng thời, sư cũng bày tỏ niềm tin mãnh liệt của mình vào Tịnh độ, cũng như hoằng dương Tịnh độ một cách tinh tế và sâu sắc.

Năm 1930, Ấn Quang Đại sư đến Giang Tô thành lập đạo tràng Tịnh độ Linh Nham, chuyên hoằng dương về Tịnh độ cho mọi đối tượng. Những người ngưỡng mộ theo quy y với thầy có đến trăm nghìn người. Sư từng nhập thất tại chùa Báo ở Tô Châu, sáng lập Hội Hoằng Pháp, in ấn đến 4 – 5 triệu bản sách. Cuốn “Văn Sao” dài hàng trăm nghìn chữ của thầy, là đại biểu cho tư tưởng Tịnh độ thời cận đại. Cuối năm 1940, sư ngồi thị tịch tại đạo tràng Linh Nham, hưởng thọ 80 tuổi, hạ lạp 60 năm.

Nét đặc trưng trong tư tưởng Tịnh độ của Ấn Quang Đại sư đầu tiên là sự dung hợp Nho giáo và Phật giáo

Ấn Quang Đại sư là tăng sĩ đến với đạo Phật từ Nho giáo, do đó, nét đặc trưng trong tư tưởng Tịnh độ của sư là sự dung hợp Nho giáo và Phật giáo; dạy cho người ta lấy luân thường giữa làm nền tảng, lấy việc niệm Phật vãng sinh làm mục đích quy hướng. Đạo đức và văn chương của Ấn Quang Đại sư khiến người khác phải kính phục. Sư không những tinh chuyên về phương diện giáo lý của Phật giáo, mà cả “cách, trí, thành, chính; tu, tề, trị, bình”(2), Ngũ luân, Bát đức… của Nho giáo Ấn Quang Đại sư đều thông suốt. Học thuyết giúp nước cứu dân cũng được thầy phát huy tối đa, đồng thời cách vận dụng văn nghĩa của sư cũng hết sức trang nhã, khiến cho các tác phẩm mà sư sáng tác trở nên giá trị hơn hẳn.

Ấn Quang Đại sư cũng bác bỏ quan điểm cho rằng: “Học Phật pháp là một cách trốn đời tiêu cực” và “với thế gian này, thì Phật pháp là thứ vô dụng”. Sư nhấn mạnh rằng: “Tôi không biết thứ thuốc gì trên thế gian này, mà nếu không có Phật pháp lại vẫn có thể chữa được tâm bệnh cho con người cả”.

Tịnh độ: “Dung hòa Nho giáo và Phật giáo, dùng Nho giáo để giải thích Phật giáo” của Ấn Quang Đại sư. Những bài giảng của Ấn Quang Đại sư tuy vận động về Tịnh độ. Nhưng lý thuyết của Nho giáo về tâm tính và về nền tảng của lòng hiếu thảo, vẫn thường được vận dụng một cách tài tình trong đó.

Phật, tức là người đã giác ngộ, lấy “tính” (bản chất), “tập” (thói quen), “thiên lý” (nguyên lý) và “nhân dục” (mong muốn của con người) của Nho giáo để giải thích về sự giác ngộ của Phật giáo. Cũng có thể thấy rằng, Nho và Phật dung thông với nhau không chỉ về công dụng, mà còn ở việc “kế thừa quá khứ, mở rộng tương lai, dung hòa trời đất thành một thể, để duy trì đại pháp cho thiên hạ sau này”.(3)

Phật pháp là pháp xuất thế, xem cuộc đời này là khổ và tất cả cuộc sống thế tục, kể cả gia đình… là nguyên nhân của đau khổ. Cho nên, xuất gia tu học theo chế độ của nhà Phật, là không kính lễ vua chúa, không nuôi dưỡng cha mẹ, thì điều đó rõ ràng là trái với luân lý lấy hiếu thuận làm gốc của Nho giáo. Sau khi Phật giáo được truyền vào Trung Quốc, đã xảy ra sự xung đột với nền văn hóa truyền thống ở đây. Phật giáo nhận ra rằng, cần phải thực hiện thay đổi chính mình một cách kịp thời, nếu không thì rất khó để có thể tồn tại và phát triển ở môi trường mới như vậy. Do đó mà “Kinh hiếu tử” (đã thất truyền) ra đời, hoàn toàn phù hợp văn hóa truyền thống bản địa. Lấy quan điểm: “Chăm lo cho cha mẹ, không bằng khuyên cha mẹ làm điều thiện bỏ điều ác”, để thích ứng với quan điểm hiếu thuận của Nho giáo.

Nét đặc trưng thứ hai của Ấn Quang Đại sư là tôn trọng và hoàn toàn tin vào tha lực

Nói về bản thân của tư tưởng Tịnh độ, đặc trưng thứ hai của Ấn Quang Đại sư, chính là tôn trọng và hoàn toàn tin vào tha lực. Nơi nào sư cũng nhấn mạnh: “Khôi phục lại bản tính vốn có”; “Tất cả đều cần phải tự lực tu trì”; “Chỉ có pháp môn niệm Phật, nương vào nguyện lực nhiếp thụ của Phật, đồng thời bản thân mình thì thành tâm tin tưởng vào nguyện lực để niệm Phật, dù có được chứng ngộ hay không, hay thậm chí phiền não lậu hoặc chưa đoạn được hoàn toàn, cũng đều có thể nương sức từ bi của Phật, sẽ được vãng sinh về cõi Tây phương ngay trong đời này. Một khi được vãng sinh, thì sẽ được chứng ngộ và được trực tiếp lên thượng phẩm. Người chưa đoạn được lậu hoặc, thì cũng được vào hàng Dự Lưu”.(4)

Nói cách khác, Tịnh độ tông tu trì không dựa vào tự lực, mà hoàn toàn dựa vào niềm tin về nguyện lực của Phật Vô lượng thọ. Chỉ có nguyện lực của Phật, mới có thể cứu chúng sinh thoát khỏi biển khổ, vãng sinh về Tịnh độ. Dù là tâm phàm tục chưa lặng, phiền não chưa đoạn hết, thì cũng có thể sớm thành chính quả.

Tóm lại, Ấn Quang Đại sư vốn là một Nho sinh, xuất gia trở thành tăng sĩ Phật giáo, sử dụng Nho giáo để giải thích cho Phật giáo; sư dụng thông Khổng và Phật, tôn sùng tha lực, hoằng dương pháp môn Tịnh độ. Ấn Quang Đại sư là một nhân vật độc nhất vô nhị trong giới Phật giáo cận đại, cũng như trong lịch sử cận đại Trung Quốc. Hơn nữa, sư còn là một đệ tử Phật gia, tuân thủ nghiêm ngặt giới luật, có thực học và thực lực tu hành. Ấn Quang Đại sư từng hành cước đến ba tỉnh miền đông, từ Trường Bạch Sơn đến Hắc Long Giang chỉ với một bình bát cho cuộc hành trình dài hạn của mình. Ngoài một cà sa bên mình thì sư không có vật gì đáng giá; chỉ hành trì pháp môn Tịnh độ, mà không tốn công sức cho việc hành trì các pháp môn nào khác. Trong phong trào vận dụng tài sản tự viện cho công cuộc phát triển giáo dục, Ấn Quang Đại sư với các tăng sĩ, cư sĩ đã cùng nhau hộ trì giáo pháp. Sư đích thân lên kinh đô thỉnh nguyện, cống hiến rất lớn trong sự phục hưng của Phật giáo thời cận đại. Các học trò của Ấn Quang Đại sư, cũng như giới nghiên cứu Phật học, đều tôn xưng sự là “Tổ thứ 13 của tông Tịnh độ, cũng không phải là hoàn toàn không có lý do.

(1)  Ấn Quang Đại sư pháp sư văn sao, quyển hạ, Tịnh độ quyết định nghị luận, Nxb Văn hoá Tôn giáo, trang 1378.

(2) Trương Tuệ, Ấn Quang Đại sư lược truyện. ‘Cách Vật, Trí Trị, Thành ý, Chính Tâm; Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ. 

(3) Ấn Quang pháp sư văn sao, trang 1283, lời tựa của Giác hậu biên.

(4) Ấn Quang pháp sư văn sao, quyển hạ, trang 1257, Tịnh độ thập yếu tự.

Trích từ Lịch sử Phật giáo Trung Hoa cận đại, Thích Đàm Thái biên dịch

 

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares