Quan âm Bồ Tát thị hiện cứu độ chúng sinh – Kính mừng ngày vía 19/9/ âm lịch

Nhằm kính mừng ngày vía Bồ Tát Quan Âm; Phật Tử chúng ta cùng nhau ôn lại những hạnh nguyện và đức hạnh cao cả của Ngài. 

Theo Kinh Bi Hoa, ở vào đời quá khứ có Đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng Như Lai, thời đó có vua Chuyển Luân Thánh Vương tên là Vô Chánh Niệm. Vua có quan đại thần là Bảo Hải. Người con cả của Vua là Thái Tử Bất Huyễn do ngài Bảo Hải khuyến tiến nên cũng đi xuất gia theo cha và đối trước Đức Bảo Tạng Như Lai phát ra bảo nguyện đại bi thương xót, cứu độ tất cả các loài chúng sinh khổ não. Đức Bảo Tạng thọ ký cho Thái Tử rằng: “Vì lòng đại bi Ông muốn quán niệm cho tất cả chúng sinh được cùng về cõi an lạc (cực lạc). Vậy từ nay đặt tên cho Ông là Quan Thế Âm.

                  Tượng Bồ Tát Quan Âm hóa thân đặt tại chùa Tản Viên

Quan Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo Phẩm Phổ Môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sở dĩ Ngài có danh hiệu như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn , mỗi khi chúng sinh bị khổ ách, nguy cấp nếu nhất tâm niệm danh hiệu của Bồ Tát thì Ngài liền quán xét âm thanh đó mà lập tức cứu họ thoát khỏi khổ nạn.

Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Bồ Tát còn mang tên là Quan Tự Tại, ấy chính là dựa trên pháp môn tu tập của Ngài. Khi quán chiếu thâm sâu vào chính mình, Ngài nhận thấy năm uẩn không có tự tính và đều là giả tạm, ngộ ra được điều đó thì liền tự tại, giải thoát. 

Tượng Bồ Tát Quan Âm hóa thân đặt tại chùa Khai Nguyên

Bồ Tát Quan Thế Âm thường được biết đến với biểu tượng tay trái cầm bình cam lồ, tay phải cầm cành dương liễu. Nước cam lồ biểu trưng cho lòng từ bi, làm mát mẻ êm dịu mọi khổ đau của chúng sinh. Cành dương liễu là biểu tượng của sự nhẫn nhục. Những cành cây cứng mạnh lại dễ gãy đổ trong mưa bão. Cành dương liễu tuy yếu mềm nhưng dẻo dai, gió chiều nào cũng khó bẻ gãy. Quan Âm Bồ Tát dùng cành dương rưới nước cam lồ chính là biểu trưng cho lòng từ bi và nhẫn nhục ấy.

Thầy trụ trì chùa Khai Nguyên – Đại Đức Thích Đạo Thịnh

Do Bồ Tát Quan Âm thường hóa thân ứng hiện khắp mọi nơi nên trong nhân gian xuất hiện nhiều truyền thuyết về Ngài. Trong đó, ở Việt Nam nổi tiếng nhất là truyền thuyết về Bà Chúa Ba tên thật là Diệu Thiện, công chúa thứ ba con vua Diệu Trang (Subhavyùha) ở nước Hưng Lâm (có thể thuộc Ấn Độ xưa). Nàng từ bỏ cuộc sống xa hoa của cung đình, vượt qua mọi ngăn trở của vua cha, cương quyết vượt biển đến động Hương Tích (chùa Hương ngày nay) tu hành và chứng quả tại đây. Truyền thuyết cho rằng, sau khi đắc đạo, công chúa Diệu Thiện biến thành Quan Âm nghìn mắt nghìn tay cứu độ hoàng tộc và muôn dân. Ngài còn hiện tướng qua nhiều các hóa thân như: Quan Âm Tọa Sơn, Quan Âm Tống Tử, Quan Âm Dương Liễu , Long Đầu Quan Âm,… 
Ngài cũng là vị Bồ-tát rất gần gũi với tất cả mọi người dân Việt Nam, hình tượng biểu trưng cho lòng từ bi, thương yêu, bảo bọc và che chở cho tất cả mọi loài. Hình tượng cùng với những hạnh nguyện của Ngài đã in sâu vào lòng người dân Việt, nhất là những người Phật Tử. 

  Quý Phật tử về chùa Khai Nguyên tu học

Nhân kỷ niệm ngày vía của Mẹ hiền Quan Thế Âm, những người con Phật chúng ta đều nên hướng tâm cảm niệm ân đức của Ngài. Tu tập theo hạnh nguyện của Bồ-tát là chúng ta đã bày tỏ tấm lòng quy kính của mình đối với Bồ Tát một cách cao quý đầy ý nghĩa nhất. Nhân ngày vía Bồ Tát Quan Âm, người Phật tử phải thường nên ghi nhớ, trì tụng kinh, phát nguyện ăn chay, ấn tống kinh, làm từ thiện, phóng sinh để tạo phước lành.
Nhằm kính mừng ngày vía Đức Quan Âm Bồ Tát (19/9) năm nay, đạo tràng Tịnh Tông Học Hội Việt Nam đã trang nghiêm tổ chức pháp hội Quan Âm tam thời hệ niệm. Xuyên suốt những ngày Pháp hội, quý Phật Tử đã được tham dự thời thính pháp của Thầy trụ trì chùa Khai Nguyên – Đại Đức Thích Đạo Thịnh để cùng được liễu giải những kiến thức về giáo lý Đại Thừa. Cùng với đó là những thời chuyên tu, tụng kinh, niệm Phật, phóng sinh,… Được tu tập xuyên suốt 3 ngày Pháp hội cùng với Quý Thầy, quý Chư Tôn Đức tăng ni trong Đạo Tràng TTHHVN, chắc chắn từ đây quý Phật Tử sẽ được nương nhờ công đức Tam Bảo gia hộ cho bản thân và gia đình luôn cát bảo bình an, sở nguyện như ý.
Học và hành theo hạnh nguyện từ bi vô ngại của Bồ Tát Quan Âm là điều mà tất cả hàng đệ tử chúng ta đều nên làm, bởi lẽ ” Phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật “.

Phật sự Tản Viên tổng hợp

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares