Tòa nhà thương mại xây trên chùa: cách thức đối diện với nguy cơ sinh tồn của các tự viện tại Nhật Bản 

Hiện nay, tình trạng dân số già đi nghiêm trọng ở Nhật Bản và tỷ lệ sinh thấp đã gây ra sức ảnh hưởng lớn đến tôn giáo ở nước này. Theo khảo sát, có hàng chục nghìn “ngôi chùa vô chủ” ở Nhật Bản không có trụ trì hoặc không tìm được người kế vị. Điều này dẫn đến tình trạng người dân Nhật Bản hiện nay ngày càng xa rời tôn giáo, ngược lại các ngôi chùa khó có đủ kinh phí để duy trì hoạt động thường nhật. Một số ngôi chùa đã lựa chọn thay đổi để tồn tại, bằng cách cho các doanh nghiệp thuê đất xây nhà. Tại đó, tầng một tòa nhà được giữ nguyên làm nơi để chùa thờ cúng, các tầng còn lại sẽ được sử dụng vào mục đích kinh doanh như làm nhà hàng để thu tiền thuê đất. Ngoài ra, đối với các đối tượng coi vật nuôi như người nhà, một số ngôi chùa còn lên kế hoạch chấp nhận cho phép thú cưng được hợp táng với chủ, với mục đích thúc đẩy mối liên hệ giữa người dân và chùa.

Hiện nay Phật giáo ở Nhật Bản đang suy thoái nhanh chóng. Cố vấn trường phái chùa Diệu Tâm, thuộc Thiền Phái Lâm Tế bày tỏ: “Ngôi chùa này đã được quyết định giải thể”. Việc giải thể các ngôi chùa không còn là điều mới mẻ ở Nhật, theo khảo sát của Hiệp hội chùa chiền Nhật Bản, có ít nhất 17.000 ngôi chùa không có trụ trì và 30.000 ngôi chùa không có người kế vị. Giới học thuật ước tính rằng khi dân số Nhật Bản thấp dưới 100 triệu người, 77.000 ngôi chùa sẽ biến mất; trong khi đó chính phủ Nhật Bản đã dự đoán tổng dân số Nhật Bản đến năm 2060 sẽ giảm xuống chỉ còn 90 triệu người.

Ảnh chùa Tam Tân ở tỉnh Osaka, Nhật Bản

Trụ trì chùa – Đại Đức Nham Kiều Thiền Nhất (Zenichi Iwahashi) cho hay: “Với tình trạng dân số di cư ra nước ngoài và số lượng các gia đình Danka giảm sút, thì việc đóng cửa chùa là điều khó tránh khỏi”.

Từ trước đến nay, sự thịnh vượng của Phật giáo ở Nhật Bản có liên quan mật thiết đến “chế độ Đàn Gia (Danka)”. Chế độ Danka xuất hiện từ thời Edo, khi đó các ngôi chùa có quyền quản lý từng hộ khẩu. Mỗi hộ gia đình được lấy đơn vị là gia tộc và được gọi là Danka. Thành viên trong các hộ gia đình kể từ khi sinh ra, chuyển nhà, kết hôn cho đến khi chết đi đều phải đăng ký với ngôi chùa nơi mình trực thuộc theo quy định của pháp luật. Họ không được tự ý rời bỏ hoặc đổi chùa, thậm chí không có quyền tự do lựa chọn tăng lữ để làm Pháp sự. Vào thời kỳ đó, Phật Giáo phát triển nhanh chóng, mãi cho đến khi xuất hiện “Phong trào chống Phật” thời Minh Trị Duy Tân thì chế độ Danka tại đây mới dần dần sụp đổ. 

Phó trụ trì Đằng Hoàn Trí Hùng (Tomohiro Fujimaru) cho biết: “Hiện nay, thực sự có rất ít người dân tham gia Pháp hội, tang lễ thì càng ít hơn hẳn.”

Với sự suy thoái của tôn giáo trong xã hội hiện đại cùng tình trạng dân số già đi nghiêm trọng và tỷ lệ sinh thấp ở Nhật Bản, Phật giáo nơi đây đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất. Chính vì vậy mà các ngôi chùa đang phải tìm cách duy trì để tồn tại. Chùa Tam Tân (Mitsutera) hơn 200 năm tuổi ở Osaka đã quyết định thay đổi hình thái để bắt kịp thời đại. Đất chùa được cho thuê bất động sản để xây dựng tòa nhà thương mại, tầng 1 của ngôi chùa vẫn được giữ nguyên, còn từ tầng 2 trở lên được dùng làm nhà hàng và các căn hộ cho thuê (Tenant). Chùa không chỉ tận dụng đất đai một cách hiệu quả, mà còn có thể dựa vào tiền thuê đất để duy trì hoạt động của chùa. Ngoài ra, nhân dịp này, chùa sẽ loại bỏ các đồ vật cũ và trang trí mới, như vậy có thể tiết kiệm được hàng trăm triệu yên cho các khoản chi phí cải tạo chùa.

Ảnh chùa Diệu Tâm

Phó trụ trì chùa Tam Tân – Đại Đức Gia Hạ Tuấn Dụ (Toshihiro Kaga) cho biết: “Đời sống gia đình người dân ở đây không hề dễ dàng, thu nhập của họ liên tục giảm sút, vì vậy việc hóa duyên với các tín chúng sẽ trở nên bất tiện hơn so với trước đây. Nếu chùa đưa ra yêu cầu thì chắc chắn việc đó sẽ trở thành gánh nặng cho một số gia đình.” 

Ngoài ra, trong tương lai, khi công trình đã được hoàn thành, chùa kỳ vọng sẽ thúc đẩy được việc giao lưu với khách lưu trú tại đây, hoan nghênh họ đến chép kinh, tụng kinh, từ đó giúp tín ngưỡng tôn giáo dễ tiếp cận và hòa nhập hơn vào đời sống người dân.

Phó trụ trì chùa Tam Tân còn cho hay: “Phật giáo thực chất có thể thay đổi hình thức để gần gũi hơn với thời đại và suy nghĩ của người dân, vì vậy chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể thử những cách tiếp cận khác nhau”. Ngoài việc dựa vào tiền nhang đèn để duy trì chùa, “thu nhập” từ tang lễ cũng là một nguồn quan trọng. Các ngôi chùa ở Nhật Bản thường có các ngôi mộ cho phép chôn cất người mất, giá mỗi ngôi mộ có thể cao hay thấp tùy theo kích cỡ. Người dân thường sẽ mua trước rồi trả một khoản phí cố định cho chùa quản lý. Tuy nhiên, hiện nay, đa số người dân có thiên hướng lựa chọn làm giản đơn hơn, vì vậy mà càng ngày càng có nhiều ngôi mộ không được dùng đến.

Ảnh thiết kế chùa Tam Tân xây dưới khách sạn Candeo

Đại Đức Linh Mộc Điền Tường Ngộ (Shogo Suzukida) ở chùa Hư Phúc cho biết: “Những năm gần đây, một số khu vực có các gia đình Danka nói rằng, khi thú cưng của họ chết đi, nếu được họ mong muốn thú cưng cũng được hợp táng”. Cuộc sống trở nên khó khăn, khiến nhiều người không muốn kết hôn, không sinh con mà thay vào đó họ nuôi những con vật để làm bạn đời. Đối với họ, thú cưng không chỉ là thú nuôi mà còn là thành viên trong gia đình, thậm chí việc ngủ chung với chúng cũng là chuyện bình thường. Để thay đổi và tồn tại, một số ngôi chùa có ý định cho phép thú cưng được hợp táng nhằm thu hút các gia đình Danka đến chùa nhiều hơn nữa.

Ảnh các ngôi mộ ở trong chùa tại Nhật

Một đại diện Danka cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta có thể suy nghĩ thêm về việc cho vật nuôi được hợp táng cùng con người. Hoặc có thể xây dựng thêm một cái tháp để thờ cúng cho chúng”.

Tuy nhiên, việc hợp táng thú cưng cũng còn là thử thách đối với giá trị truyền thống, và có nhiều gia đình Danka có các quan điểm khác nhau về vấn đề này. Vì vậy mà các ngôi chùa cũng chỉ có thể tiếp tục tìm kiếm tiếng nói chung với người dân, để bắt kịp thời đại và tránh bị đào thải. 

Phật sự Tản Viên biên dịch 

Nguồn: TVBS News Taiwan

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares