“Phạm bái” của Chùa Thiên Ninh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Trung Quốc

“Phạm bái[1]” là âm nhạc truyền thống của Phật giáo, cũng là âm thanh tán tụng Đức Phật của các Phật tử trong thời khóa. Làm thế nào để kết hợp phạm bái với pháp khí và lời ca để tạo ra âm thanh giúp người nghe được thanh tịnh nhân tâm, minh tâm kiến tính, thu nhiếp thân tâm? Chùa Thiên Ninh ở Thường Châu, Giang Tô, Trung Quốc có mỹ danh là “Học phủ phạm bái”, cho đến ngày nay chùa đã bảo tồn nguyên vẹn phong cách nhã nhạc của các triều đại Lương, Tề từ hơn 1500 năm trước và được Trung Quốc công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Gần đây, phạm bái “Bảo Đỉnh Tán” được xướng tụng bởi Chùa Thiên Ninh ở Thường Châu đã nhận được lượt tương tác cao trên mạng xã hội. Pháp âm phạm bái được xướng tụng bởi các vị Pháp sư khiến cho người người khen ngợi, trở thành điển phạm âm luật được thi đua học hỏi trong Phật giáo Trung Quốc.

Thời khóa tu tập của các vị tu sĩ tại Chùa Thiên Ninh

Trong các cách tán tụng tại Phật giáo Trung Quốc, phạm bái của Chùa Thiên Ninh ở Thường Châu, Giang Tô và kinh âm[2] của Chùa Trí Hóa ở Bắc Kinh đều nổi tiếng, và đều được bảo vệ với tư cách là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nằm trong danh sách chuyên án bảo vệ cấp tỉnh di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên, “Phạm bái Chùa Thiên Ninh” được công nhận là “Thiên hạ tông”.

Âm nhạc Phật giáo Trung Quốc được chia thành hai nhánh: Nam tông và Bắc tông. Nhánh Bắc tông được đại diện bởi kinh âm của Chùa Trí Hóa ở Bắc Kinh, có đặc điểm là kết hợp các yếu tố âm nhạc dân gian, âm thanh ngân vang và mạnh mẽ, đồng thời sử dụng nhiều nhạc cụ như sanh, các loại đàn dây,… khác với phong cách âm nhạc của Nam tông.

Nhánh Nam tông được đại diện bởi phạm bái của Chùa Thiên Ninh ở Thường Châu, giai điệu âm thanh uyển chuyển, tao nhã, ngoài một số ít nhạc cụ gõ được sử dụng, thì phạm bái chủ yếu được thể hiện bằng âm thanh thuần túy, từ đó giúp người nghe cảm nhận rõ ràng giai điệu đơn thuần của âm thanh.

Nhiều người cho rằng phong cách phạm bái của Chùa Thiên Ninh độc đáo bởi âm luật của nó bắt nguồn từ thời Nam Bắc triều, và được Tề Cảnh Lục Văn Tuyên Vương, Tiêu Tử Lang, xác nhận là có đặc điểm phong cách uyển chuyển.

Sau này, vua Lương Vũ Đế Tiêu Diễn thành tín Phật giáo, vì tinh thông âm luật, nên ông đã khởi xướng và chế định nhã nhạc Lương triều, điều này có đóng góp to lớn cho quá trình Hán hóa âm nhạc Phật giáo. Vì vậy trong nền âm nhạc của Phật giáo Hán truyền, phạm bái phương Nam có địa vị quan trọng hơn phạm bái phương Bắc. Đến thời nhà Đường, do phương pháp truyền thụ và cách lý giải khác nhau nên phạm bái Nam Bắc có sự khác biệt; Đến thời cận đại, các chùa từ khắp nơi trên Trung Quốc thống nhất ở phương Nam, còn phong cách xướng tụng của Chùa Thiên Ninh lại được coi là một loại mô phạm.

Buổi biểu diễn “Xướng tụng Phạm bái Thiền tự Thiên Ninh” được tổ chức tại Nhà hát lớn Bảo Lợi, Thường Châu,Trung Quốc.

Đặc biệt, nhiều đại tùng lâm tại Trung Quốc đều rất tự hào khi tuyên bố cách xướng niệm của mình có nguồn gốc đến từ Chùa Thiên Ninh. Ngoài ra, tăng chúng của nhiều tự viện cũng đều đến Chùa Thiên Ninh “thỉnh kinh” học âm luật.

Theo ghi chép lịch sử, từ năm 1949, Chùa Thiên Ninh lần lượt cử các vị Pháp sư Giới Đức, Phật Thanh, Khoan Dụ… sang Đài Loan truyền dạy phạm bái của chùa. Thậm chí trụ trì tiền nhiệm, Pháp sư Mẫn Trí, còn từng đảm nhiệm chức trụ trì Chùa Quán Âm ở New York, truyền bá cách xướng tụng phạm bái của Chùa Thiên Ninh ra nước ngoài.

Hiện nay, việc xướng tụng phạm bái Thiên Ninh đã được liệt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tiêu biểu của Trung Quốc và được đánh giá là loại hình nghệ thuật xuất sắc của âm nhạc truyền thống Trung Quốc.

Tổ sư sáng lập Phật Quang Sơn, Đại Sư Tinh Vân, từng khai thị, Phật giáo thông qua âm vận ưu mỹ của âm nhạc phạm bái và sự hun đúc, thâm nhập của hàm ý Phật Pháp trong câu từ dần tác động đến tâm người nghe, thúc đẩy từ sâu trong nội tâm họ tinh thần hướng tới chân thiện mỹ, khiến cho tâm hồn, sinh mạng của họ không ngừng được thăng hoa, nâng cao. Dẫn tới cảm xúc cảm động và sự giáo hóa trong tâm hồn nội tại này là nhờ vào công năng được phát huy bởi “âm nhạc phạm bái”. Nó có công dụng vô cùng quan trọng trong việc tịnh hóa nhân tâm, khai thông cảm xúc.

Phật sự Tản Viên biên dịch

Nguồn: The Merit Times

Link đính kèm bài đăng: https://www.youtube.com/watch?v=PCuuBqYxEkI

[1] (梵唄) Phạm: Bhàwà. Cũng gọi Thanh bái, Tán bái, Kinh bái, Phạm khúc, Phạm phóng, Thanh minh. Gọi tắt: Phạm. Dùng điệu nhạc để tụng kinh, tán vịnh, ca tụng công đức của Phật. Bái, gọi đủ là Bái nặc, là dịch âm từ tiếng Phạm Bhàwà nghĩa là ngợi khen. Vì dựa theo nhạc điệu tán vịnh của Phạm độ (Ấn độ) nên gọi Phạm bái.

[2] Kinh âm của Chùa Trí Hóa là âm nhạc truyền thống của khu vực Bắc Kinh được lưu truyền từ thời nhà Minh, nhà Thanh, năm 2006, kinh âm Chùa Trí Hóa được liệt vào danh sách văn văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Trung Quốc.

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares