“Nhà sư robot”  thuyết giảng kinh Phật trong chùa ở Nhật Bản.

Robot có mặt khắp nơi, trên mọi lĩnh vực tại Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, vài năm trở lại đây, một ngôi chùa có lịch sử lâu đời ở Nhật đã hợp tác với đại học Osaka phát minh ra người máy Mindar, một người máy, một “vị sư” thuyết pháp, và cũng là một thiết kế tượng trưng cho Phật Bồ Tát. 

Ở Kyoto Nhật Bản, hàng tuần bà Miyuki Tanaka, 62 tuổi cùng với nhiều Phật tử khác sẽ đến ngôi chùa có niên đại lịch sử lâu đời, chùa Cao Đài (Kodaiji Temple) để nghe Pháp.

Bên trong ngôi chùa có một “nhà sư” tên Mindar, thân cao 1m93, nặng 60 cân. Với cử chỉ tay uyển chuyển và đôi mắt cử động, Mindar sẽ nói một bài thuyết pháp sâu sắc về một trong những bộ kinh Phật được đọc nhiều nhất, đó là Tâm Kinh. Bài giảng nghe có vẻ giống như là bài thuyết pháp thông thường được một vị sư người thật thuyết giảng, cho đến khi du khách chú ý đến da silicon, xương nhôm và đôi mắt gắn camera của Mindar.

Trong ngôi chùa lịch sử này, các Phật tử sẽ được học Phật Pháp từ một người máy hình người, được thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh Quán Thế Âm Bồ Tát, vị Bồ Tát của sự Từ Bi trong Phật Giáo.

“Tâm trạng của tôi thường xuyên thay đổi và tôi còn phải chăm sóc mẹ mình. Nhờ những bài giảng của Mindar về Tâm Kinh, tôi có thể kiểm soát cảm xúc của bản thân và cảm thấy thanh thản hơn.”, bà Tanaka chia sẻ với báo ABC. Ở một đất nước mà 2/3 dân số là Phật tử, bà Tanaka là một trong số rất nhiều người được tác động bởi bài giảng của Mindar.

Sư trụ trì chùa Cao Đài, Đại sư Hậu Đằng (Tensho Goto) chia sẻ: “Trước khi nghe bài giảng, du khách sẽ coi Mindar như một người máy. Nhưng sau đó họ coi nó như một vị Phật, chứ không phải là một con robot thông thường nữa”. Mindar ra đời vào năm 2019 do chùa Kodaji và khoa Đổi mới Hệ thống Trường đại học Osaka, dẫn đầu bởi giáo sư Hiroshi Ishiguro, hợp tác nghiên cứu. Được biết dự án nghiên cứu có giá trị lên đến 1 triệu USD. Mục tiêu của dự án là nâng tầm trải nghiệm tâm linh và khơi dậy sự quan tâm đến Phật giáo của người dân, trong bối cảnh đời sống tâm linh của người dân nơi đây vốn đang suy giảm do chủ nghĩa hiện đại và sự thay đổi giữa các thế hệ ở Nhật Bản.

Hình ảnh thiết kế người máy Mindar

Theo lời những nhà sáng tạo, robot được thiết kế theo hình dáng con người nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách giữa một bên là thế giới tâm linh, nơi Đức Phật tồn tại và một bên là thế giới vật chất, nơi hình ảnh của Đức Phật hiện thực hóa thông qua Mindar. Ống kính trong mắt trái của Mindar cho phép người máy giao tiếp với những Phật tử. Bàn tay và thân của người máy có thể cử động để bắt chước sự tương tác giống như con người. “Vẻ ngoài trung tính về giới tính và tuổi tác” của người máy cũng khuyến khích những Phật tử tưởng tượng ra hình ảnh của Đức Phật.

“Mục đích thiết kế về Mindar là khuyến khích trí tưởng tượng của mọi người. Thiết kế được dựa theo tượng Phật nên khó có thể nhìn ra tuổi tác và giới tính.”, Ishiguro nhà thiết kế robot Mindar chia sẻ. 

Người Mindar và các vị đại sư

Ngoài ra, đi kèm với người máy còn có bản đồ 3D tương tác, giúp trình chiếu các video của Phật tử lên tường ở đằng sau Mindar. Trong một bài thuyết giảng được lập trình sẵn, hình ảnh của một người được trình chiếu lên tường sẽ đặt câu hỏi về Phật Pháp cho Mindar, và Mindar sẽ đưa ra lời giải thích rõ ràng. Công nghệ này giúp gợi lên cảm giác rằng  bản thân những người Phật tử đó đang được tồn tại ở cùng một thế giới với Đức Phật, nơi mà phi vật chất song song với “thực tế”.

Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù khả năng của Mindar bị hạn chế trong việc trích dẫn các bài giảng được lập trình sẵn, nhưng chùa vẫn có kế hoạch phát triển thêm các tính năng được bổ sung trong tương lai. “Chúng tôi dự định triển khai công nghệ AI để Mindar có thể tích lũy kiến thức không giới hạn và nói chuyện một cách tự chủ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn có những bài giảng riêng cho các nhóm tuổi khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy”, Đại sư Hậu Đằng cho hay.

Một buổi thuyết Pháp và trình chiếu của người máy

Ngoài ra, trả lời các ý kiến trái chiều rằng hình ảnh người máy như một vị thần có xâm phạm tâm linh hay không, Đại sư Hậu Đằng kiên định với quan điểm của bản thân, Phật giáo đi theo con đường của Đức Phật chứ không phải thờ phụng một vị thần nào. Đại sư chia sẻ: “Bồ Tát Quán Thế Âm Đại Từ Đại Bi có thể hiện thân vào bất cứ đâu, thì lần này, Ngài thị hiện bởi người máy.” 

Theo Liên đoàn Robot học Quốc tế, Mindar được coi như là một ví dụ điển hình về sự phổ biến của người máy trong cuộc sống thường ngày ở Nhật Bản, nơi sản xuất 45% nguồn cung robot toàn cầu. “Người Nhật chúng tôi rất tích cực trong việc tiếp nhận robot. Nếu các quốc gia khác nhận ra sự tiện lợi của robot, tôi nghĩ rằng họ sẽ sử dụng nó, kể cả trong các lĩnh vực như tôn giáo”, ông Ishiguro chia sẻ.

Phật sự Tản Viên biên dịch

Nguồn: ABC News

 

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares