Nghi thức tắm Phật: Nguồn gốc và Ý nghĩa

Nghi thức tắm Phật là một nghi thức quan trọng được cử hành trong tuần lễ Phật Đản. Đây là nghi thức bắt nguồn từ sự kiện Đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni, được lưu truyền trên 2.600 năm nay.

Nghi thức tắm Phật đã có từ xa xưa, diễn ra hầu hết ở các nước theo truyền thống Phật giáo. Trải dài theo dòng lịch sử dân tộc, ngày lễ Phật Đản cùng nghi thức tắm Phật đã trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong xã hội Việt Nam được Liên Hiệp Quốc công nhận. 

NGUỒN GỐC NGHI THỨC TẮM PHẬT 

Nguồn gốc của nghi thức tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đức Phật Đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni ở xứ Ấn Độ. Hoàng hậu Ma Da là mẹ của Thái tử Tất Đạt Đa, trên đường trở về quê hương để hạ sinh Ngài, thì Người dừng chân nghỉ tại vườn Lâm Tỳ Ni đưa tay phải vịn cành hoa Vô ưu mới nở thì Thái tử cũng Đản sinh ngay đó.

Khi Thái tử Tất Đạt Đa Đản sinh có những điểm lạ xảy ra như: Hào quang chiếu sáng rực cả đất trời, vua Đế Thích tự mang áo Kiều Thi Ca đến dâng Thái tử. Trời mưa hoa thơm, thiên nữ múa hát, nhạc trời chúc tụng, mặt đất chấn động, cây cối đều sinh trái trổ bông, hương khí thơm tho, chín con rồng phun nước… Sự kiện này được ghi lại trong nhiều bản kinh khác nhau, được coi là nguồn gốc của nghi thức tắm Phật ngày nay.

Hiện tượng đặc biệt khi Thái tử Tất Đạt Đa Đản sinh

Theo trong kinh Phổ Diệu, sau khi sinh ra Đức Phật được 9 mạch nước từ dưới đất tự nhiên phun trào tắm cho Ngài và trong truyền thuyết nhà Phật, 9 mạch nước chính là chín rồng dâng nước để tắm cho Thái tử. Đó cũng chính là nghi thức tắm Phật của chúng ta ngày nay.

Trong Kinh Đại Bổn (Trường Bộ II), kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Trung Bộ III), lời mở đầu của bản chú giải truyền Bổn Sanh cho rằng: Khi Thái tử Đản sinh, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một dòng nước ấm, một dòng nước mát, dịu thơm rưới xuống để tắm cho Thái tử. 

Theo bộ Đại sự, khi Thái tử ra đời, hai dòng nước ấm và lạnh thơm dịu, trong lành từ trên không trung tưới xuống để tắm cho Thái tử. Tác phẩm Phật sở hành tán của ngài Mã Minh cũng ghi lại như trên. 

Theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, khi Thái tử ra đời có bốn vị Thiên vương dùng vài quý cõi trời nâng Thái tử, Thích Đề Hoàn Nhơn mang lọng báu cùng Đại Phạm Thiên đứng hầu hai bên. Lúc đó có hai vị Long cương là Nan đà và Ưu ba nan đà từ trên hư không phun hai dòng nước ấm và mát để tắm thân Thái tử. 

Tuy ở mỗi kinh điển ghi chép lại có phần khác nhau nhưng câu chuyện Thái tử Đản sinh được tắm bởi dòng nước diệu kỳ là sự kiện có thật. Đây là sự nhiệm màu của bậc vĩ nhân, bậc thánh nhân khi xuất thế.

Lễ tắm Phật

Quý Thầy – Thượng Tọa Thích Đạo Thịnh

Ý NGHĨA NGHI THỨC TẮM PHẬT

Nghi thức tắm Phật là cơ hội để những người con của Phật thể hiện sự tôn trọng và lòng thành kính với Đức Phật. Bên cạnh đó, nước là tượng trưng cho sự sống, sự đổi mới và thanh lọc. Khi thực hiện việc tắm Phật tức là Phật tử đang gột rửa thân tâm mình và khiến cho tâm trí thanh tịnh.

Một người con Phật thực hiện lễ tắm Phật đúng nghĩa phải hội đủ ba yếu tố bao gồm: niềm tin, lòng thành kính và tâm bình đẳng. Một số tín đồ tin rằng việc tắm Phật có thể mang lại sự an lạc, bình an và tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống, cũng như sinh ra phước báu vô cùng lớn, giúp người con Phật thực tập nếp sống chánh niệm, trau dồi lòng khiêm cung, hướng tâm đến đức Phật.

Nghi thức tắm Phật trong dịp Phật Đản là cơ hội để các Phật tử và mọi người tìm về những giá trị bên trong tâm hồn, đánh thức những phẩm hạnh tốt đẹp và hướng về phía con đường giác ngộ. Đây cũng là cơ hội để tất cả mọi người cùng nhau hành thiện, học hỏi về những giáo lý đạo Phật, tìm kiếm sự tỉnh thức trong cuộc sống hàng ngày, cầu nguyện cho Quốc Thái Dân An, hòa bình và an lạc cho tất cả chúng sinh.

Một số hình ảnh trong một buổi lễ tắm Phật: 

Lễ tắm Phật

Lễ tắm Phật

Lễ tắm Phật

Phật Sự Tản Viên biên tập

 

 

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares