Kính mừng ngày Đức Thích Ca thành đạo

Trong suốt cuộc đời của Đức Thích Ca có 3 dấu mốc cực kỳ quan trọng đó là: Đản Sinh, Thành Đạo và Nhập Niết Bàn. Ngày thành đạo là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tu tập của Ngài, cũng để lại ý nghĩa to lớn đối với muôn loài. Đó là ngày Đức Phật từ con người thế gian trở thành xuất thế gian, từ con người mê thành con người giác.

Hôm nay, nhân dịp kính mừng ngày Đức Thích Ca thành đạo PL. 2567 – DL. 2023, Phật Sự Tản Viên cùng quý độc giả cùng nhìn lại dấu mốc đặc biệt này. 

Một vài hình ảnh – Bồ Đề đạo Tràng nơi Đức Phật thành đạo 

Phật thành đạo là kết quả bắt nguồn từ nguyên nhân ban đầu là Ngài đi xuất gia học đạo. Xuất thân là một vương tử trong cung vàng điện ngọc, khi trưởng thành Thái tử Tất Đạt Đa đương nhiên sẽ trở thành một vị vua để nối ngôi cha. Sở hữu tất cả những gì thế gian mong muốn, của cải, danh vọng, vợ đẹp, con ngoan. Nhưng những nỗi trăn trở của kiếp sống nhân sinh vẫn luôn lớn dần trong Ngài. Từ những năm tháng niên thiếu của mình Thái tử đã nhiều lần nhìn thấy cảnh chúng sinh sống trong đau khổ. Một lần Thái tử theo vua cha đi xem lễ hạ điền. Nhìn thấy những luống cày của người nông phu, trùng dế văng lên chim đáp xuống ăn, Ngài thấy rõ sự sống của loài này một ngày là sự chết của bao nhiêu loài khác.

Một lần khác sau khi đi ra ngoài cửa thành, Ngài chứng kiến cảnh sinh già bệnh chết của thế gian, cảm nhận mạng sống của con người quá tạm bợ quá mỏng manh, lại đầy khổ đau nên Ngài đã vượt thành, quyết chí xuất gia, tìm ánh sáng giác ngộ, mang lại hạnh phúc cho nhân sinh và loài người.

 Sau khi học với những vị Thầy giỏi nhất thời bấy giờ mà vẫn chưa giải quyết được rốt ráo vấn đề sinh tử, Ngài tiếp tục trải qua những năm tháng tu khổ hạnh, nhưng cuối cùng vẫn chưa đạt được mục đích. Ngài lại từ bỏ lối tu khổ hạnh, sống một cuộc đời bình dị hơn, vừa tu vừa lấy lại sức khỏe để tìm ra con đường mình đã mong mỏi. Ngài tới cội bồ-đề tọa thiền, nhận ra khi người ta khổ đến cùng cực, thân thể kiệt quệ thì trí tuệ mờ ám, không thể tìm ra lối giải thoát được. Ngài bắt đầu thay đổi, sống cuộc sống vừa phải, không khổ hạnh cũng không buông lung. Đến đêm thứ 49 dưới cội bồ đề Ngài đã giác ngộ thành bậc “ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”, hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nhân ngày Phật thành đạo chúng ta đã cùng nhìn lại con đường mà đức Phật đã đi và chúng ta cũng phải đi như thế. Ngài đã thắp lên ngọn đèn của Chính pháp, chỉ ra con đường cho chúng ta thoát khổ. Tưởng nhớ công ơn, tấm lòng đại từ đại bi, đại ân đại đức ấy, chúng ta phải cố gắng tinh tấn tu tập, được giải thoát rồi độ mình, độ cả cho người thì mới phần nào báo đáp được phần nào công ơn giáo hoá, độ sinh của Ngài vậy.

 

Phật sự Tản Viên tổng hợp 

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares