Chùa Thầy Quốc Oai – Vẻ đẹp non nước (phần 2: chùa Cao và cụm danh lam núi Sài)

Nằm trong vùng địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội là một quần thể danh lam thắng tích nổi tiếng chùa Thầy. Gắn liền với tên tuổi và cuộc đời vị Thiền sư Từ Đạo Hạnh (Sinh 1072 – Viên tịch 1116) – Vị tổ sư thứ 24 của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi. Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am do Thiền sư Từ Đạo Hạnh lập ra để tu tập. Sau này Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: Nếu như chùa Cả (Thiên Phúc Tự) dưới chân núi là nơi lưu giữ dấu tích về cuộc đời tu hành của thiền Sư, thì Chùa Cao (Đính Sơn Tự) và động Thánh Hóa trên núi Sài lại là nơi Đức Thánh Từ “thoát hóa” để thị hiện nhập thai giáng sinh vào cung Vua. Cùng với những quần thể liền kề nhau quanh vùng phúc địa Sài Sơn, đã tạo nên cảnh non nước chùa Thầy hội tụ cả tinh hoa Phật giáo chốn linh địa núi Sài.  

cum_di_tich_chua_thay

Quầy thể di tích chùa Thầy

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì Thiền sư Từ Đạo Hạnh họ Từ, tên tục là Lộ, con quan Đô sát Từ Vinh, mẹ là Tăng Thị Loan, quê ở làng An Lãng, huyện Vĩnh Thuận, nay là làng Láng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội.
Từ thủa nhỏ, thiền sư đã có những hành động thông minh khác thường. Sau đó Ngài xuất gia học đạo, rồi cùng với các Ngài Giác Hải, Không Lộ sang Tây Thiên (Ấn Độ) cầu Pháp. Sau khi trở về, thiền sư dựng gậy tích ở núi Sài, ngày đêm tu tập. Lúc ngộ được tâm ấn, Ngài giảng đạo, dạy học, hái thuốc giúp dân, tổ chức cho dân những trò chơi như đá cầu, đánh vật, múa rối nước v.v… Do đó, nhân dân cảm phục, kính mến gọi thiền sư bằng một từ thân mật, gần gũi là “Thầy”. 

chùa cao thuộc quần thể di tích chùa Thầy

Chùa Cao thuộc quần thể di tích chùa Thầy

Từ dưới chân núi, du khách men theo bậc đá, khi đến lưng chừng núi sẽ gặp chùa Cao ( hay còn gọi là Hiển Thụy Am). Từ đây nhìn xuống sẽ thấy cảnh vật bao la thu trong tầm mắt, như những bức tranh thủy mặc mờ ảo. Chùa có kiến trúc gồm 3 gian với các công trình chính như Tiền Đường, Thượng Điện, gác chuông,… 

Gác chuông tại chùa Cao

Chùa Cao là nơi lưu lại dấu tích những giây phút trước khi Thiền Sư Từ Đạo Hạnh thoát hóa để thị hiện nhập thai giáng sinh vào cung Vua. – Đây cũng chính là điều Ngài dự đoán từ trước thông qua lời dặn với Thuyền Sư Không Lộ và Giác Hải sau khi học được phép thiêng: “Chúng ta đều học Đạo của Đức Thế Tôn, nhưng tôi còn vướng trần duyên, sau này sẽ lại tái sinh ở thế gian làm ngôi Nhân chúa”.
Quả thực, sau này Theo Đại Việt Sử Ký tiền biên, Đại Việt sử ký toàn thư thì vào mùa hạ, tháng 6 năm Bính Thân, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 7 (1116) bà Đỗ Thị vợ của Sùng Hiền Hầu em vua Lý Nhân Tông sinh được một nam tử đặt tên là Dương Hoán (Đúng vào ngày Đại Sư Từ Đạo Hạnh trút xác tại Sài Sơn). Vua Lý Nhân Tông vì tuổi cao mà không có con trai, nên năm 1117 mới xuống chiếu cho các vị Hoàng thân đưa con trai vào cung nuôi. Vua thấy Dương Hoán là một cậu bé dáng mạo khôi ngô kỳ vĩ khác thường bèn chọn làm Thái Tử sau nối ngôi Vua khi 12 tuổi hiệu là Lý Thần Tông. 

Hang Thánh Hóa nơi Thiền Sư Từ Đạo Hạnh Trút xác

Hang Thánh Hóa là một động nhỏ hẹp, mang đầy vẻ huyền bí, nhìn kỹ vào vách hang ta thấy những vệt lõm trên vách đá, tương truyền rằng đây là vết chân, vết tay mà Thiền sư Từ Đạo Hạnh tỳ vào khi thoát hóa.
Theo cuốn Nguyệt Văn Trí Tập, Hòa Thượng Thích Viên Thành có trích dẫn thêm sử sách rằng: Khi Ngài Đạo Hạnh hóa, xác còn ở trong động, trải qua hàng tháng vẫn thơm tho, người làng lấy làm lạ, bèn đưa vào trong khám để thờ. Đến thời thuộc Minh, niên hiệu Vĩnh Lạc. Quân Minh đến làng Thầy, thấy mùi hương thơm nức bèn tìm trong khám thấy chân thân của Ngài, nét mặt còn tươi tỉnh như lúc sống, người Minh cho là “Tiên” mới rước sang chùa Hương Sơn (Ở khu vực công ty Xi măng Sài Sơn hiện nay) rồi đưa ra gò làm lễ trà tỳ (Hỏa táng). Lửa đốt đến 7 ngày 7 đêm mà vẫn không cháy đến chân thân, người Minh hoảng sợ định bỏ. Đến đêm mộng thấy có người bảo: Chân thân ta đã trải qua mấy trăm năm, từ thời Lý đến nay phép thiêng không phải là ngẫu nhiên. Nay các ngươi muốn hỏa táng thì phải lấy gỗ rào mộ mới được (Tài liệu ở chùa Thiên Phúc còn lưu giữ được thì nói: Lấy củi tại núi Thầy mới thiêu được). Người Minh làm theo như vậy quả nhiên đốt cháy hết, bèn thu lấy xá lợi (Hình cốt) đắp tượng xong lại cho xá lợi vào bên trong, bỏ vào khám cũ để thờ trong chùa Thiên Phúc (Hay còn gọi là chùa Cả dưới chân núi).

điện thờ vua Lê Hiền Tông

Điện thờ tại hang Cắc Cớ

Nói về chùa Cao, các sách chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục hay trong truyền tụng dân gian đều nhắc tới chuyện về bà Quang Thục là hoàng thái hậu (mẹ vua Lê Thánh Tông) sai đại thần Nguyễn Đức Trung đến cầu tự cho nhà vua ở am Từ Công trên núi Phật Tích (thuộc khu vực chùa Thầy ngày nay). Sau đó chính thất của vua là bà hoàng quý phi Nguyễn Thị Hằng chiêm bao thấy Thượng đế phán: Cho sao Thiên Lộc làm con Nguyễn Thị. Nói rồi cho ẵm đến ngồi ở trước; từ đó bà có mang; đến khi đủ ngày tháng, bà lại chiêm bao thấy rồng vàng từ trên trời sa xuống, bay vào trong phòng, một lát sau thì sinh ra hoàng tử Lê Tranh (sau là vua Lê Hiến Tông).  

Hang Bác Hồ thuộc quần thể di tích chùa Thầy

Khi lên ngôi, Lê Hiến Tông muốn tỏ lòng nhớ ơn thần Phật nơi đây đã cho dựng chùa, đặt tên là Hiển Thụy am – có nghĩa là tòa am tỏ rõ điềm lành. Nội dung tấm bia Hiển Thụy Am được tạc vào núi đá năm 1500 để ghi nhớ ơn Phật Thánh tại động Thánh Hoá có đoạn viết:
“Bậc Đế Vương ra đời tất có sự linh dị, hiển ứng sự linh dị tất có bằng cớ. Truy lại đời sơ cổ vẫn rành rành có thể khảo được… Sự cảm ứng của Thạch Thần há phải ngẫu nhiên sao, vả lại U minh vô nhị lý tức vạn vật vốn là nhất nguyên, biểu hiện ra trên trời là sao, chất ngưng trong đất là đá, nương theo người mà vận hành là Thần, giáng điều lành ở đức là người, sự cảm ứng ở am Từ Công là đá chăng? là sao chăng? là Thần chăng? điều này kẻ tri thức nông cạn há có thể hiểu được. Trời xanh ban phúc sông núi hiển linh muôn thuở chỉ như 1 ngày, không ghi lại sự ban tặng tốt lành thì sao có thể hiện dương được sự may mắn quý giá đó”.
Tuy chỉ là một công trình quy mô khiêm tốn nhưng chùa Cao lại chứa đựng những giá trị tâm linh sâu sắc; nằm ở vị trí đẹp, khung cảnh linh thiêng, mát lành dễ làm lòng người dịu lại. Cũng từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh vùng Sài Sơn trù phú với những cánh đồng lúa, những vạt cây xanh thẳng lối… Lấy cảm hứng để tiếp tục khám phá những công trình kiến trúc độc đáo cùng được xây dựng trên ngọn núi uy linh này.
Gần chùa Cao, leo lên đỉnh núi là một khoảng đất bằng phẳng, xung quanh có nhiều mô đá chầu vào đó là “Chợ Trời”. Từ đây trông ra xung quanh sẽ thấy các ngọn Phượng Hoàng, Mã Yên, Quý Lâm, Long Đẩu, Hoa Phát… đều quay đầu quy tụ lại tựa thế rồng chầu. 

Hang Cắc Cớ tại chùa Thẩy

Lần theo đường mòn chùa sẽ tới hang Cắc Cớ. Hang rất sâu và tối, phải níu nhau mà đi. Tương truyền, đây là nơi tuẫn tiết của nghĩa quân họ Lã, sau trận chống ngoại xâm thất bại. Thi sĩ Hồ Xuân Hương đã từng tới đây có bài Vịnh về Hang Cắc Cớ rằng:
“…Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm,
Con đường vô ngạn tối om om.
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc…”
Từ hang Cắc Cớ lên, men theo sườn núi qua hàng đại già sẽ đến đền Thượng, nơi thờ Thánh Văn Xương, nơi hội họp của nghĩa quân Đông Kinh Nghĩa Thục.
Đi tiếp, ta sẽ xuống chùa Bối Am (hay chùa Một Mái), được xây dựng từ thời Hậu Lê. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì chùa chỉ có 1 mái tựa vào vách núi, xưa gọi là “Tạo hóa vi công” tức tạo hóa làm nên cái đẹp chung. Nhà tổ chùa Một Mái lưu giữ kỷ niệm Bác Hồ đã từng tới làm việc trong những năm 1947, …. 

chùa một mái hay gọi là Bối Am Tự

Chùa Một Mái (chùa Bối Am)

Bên cạnh chùa Bối Am còn có hang Gió, tương truyền là thềm đá Thái Lão – Nơi đây còn lưu bài văn bia của cụ Phan Huy Thực từ TK XVIII khi đi xứ ở Trung Quốc về. Ngoài ra còn có hang Phật Sinh, đền kỷ niệm nhà bác học Phan Huy Chú bởi, tại nơi đây, nhà bác học Phan Huy Chú đã viết và hoàn thành tập Bách khoa cổ vĩ đại: “Lịch triều hiến chương loại Chí”. Phía dưới chân núi Sài còn có các chùa: Long Đẩu, Sài Khê, Hoa Vân, Hoàng Kim,… mang nhiều nét kiến trúc độc đáo, tô đậm thêm nét cổ kính lịch sử tại vùng địa linh này.
Như vậy, chùa Thầy không chỉ là di tích lịch sử, di tích cách mạng, một công trình kiến trúc cổ có giá trị, mà còn là một thắng cảnh nổi tiếng được thiên nhiên ưu đãi. Đúng như một nhà thơ nhận xét: “Đây là cái đẹp độc đáo của vùng bán sơn địa, tưởng như cái gân guốc của núi Tản Viên theo mạch mà vào trong đất làng Thầy”. 

  lễ hội chùa Thầy hàng năm

Lễ hội chùa Thầy hàng năm

Lễ hội chùa Thầy hằng năm được tổ chức từ mùng 5 đến mùng 7 tháng ba âm lịch. Đây được xem là dịp lễ vui nhất của miền Bắc vào mùa hạ. Sự uy nghiêm, huyền diệu của ngôi chùa kết hợp với các phần lễ và phần hội hết sức nhộn nhịp khiến không gian nơi đây luôn hấp dẫn đối với tín đồ Phật Tử và nhân dân thập phương. 

Phật sự Tản Viên tổng hợp 

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares