Khánh thành bức tượng B.R. Ambedkar tại Hoa Kỳ

Vào ngày 14/10, lễ khánh thành bức tượng của Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar đã được diễn ra tại Trung tâm Quốc tế Ambedkar ở Accokeek, Maryland, Hoa Kỳ. Bức tượng cao 5,8 mét đặc tả chân dung của Tiến sĩ Ambedkar, một nhà hoạt động dân quyền, người có công rất lớn trong việc viết hiến pháp Ấn Độ. 
Tiến sĩ Ambekar là người đấu tranh cho sự bình đẳng và công bằng xã hội. Đây là lần đầu tiên ông được vinh danh dưới hình thức tạc tượng tại Hoa Kỳ. Bức tượng của Tiến sĩ Ambedkar được đặt tên là Tượng Bình đẳng.
Nghệ nhân điêu khắc bức tượng là ông Ram Sutar. Ram Satar từng là nhà điêu khắc đã tạc nên pho tượng Thống Nhất cao 182 mét ở Gujarat, Ấn Độ.
Buổi lễ khánh thành bức tượng đã được diễn ra với sự tham gia của đông đảo người Mỹ gốc Ấn, và đặc biệt là những người theo đuổi các triết lý chính trị và xã hội của Ambedkar.

Bức tượng của Tiến sĩ Ambedkar vừa được khánh thành tại Hoa Kỳ

Bức tượng của Tiến sĩ Ambedkar được xem như là biểu tượng của sự bình đẳng và nhân quyền. Trung tâm Quốc tế Ambedkar cùng những người ủng hộ triết lý và tinh thần cống hiến của Tiến sĩ Ambedkar hy vọng rằng, bức tượng sẽ tiếp thêm sinh lực cho phong trào công lý toàn cầu, tạo nền tảng cho những người bị áp bức đoàn kết lại với nhau.
Ông Ram Kumar, Chủ tịch Trung tâm Quốc tế Ambedkar, đã phát biểu tại lễ khánh thành bức tượng rằng: “Bức tượng của Tiến sĩ Ambedkar là biểu tượng của các giá trị chung về dân chủ, công lý và nhân quyền, gắn kết Ấn Độ và Hoa Kỳ. Nó như một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền và phẩm giá của tất cả các cá nhân, bất kể xuất thân của họ như thế nào”.
Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar sinh ngày 14 tháng 4 năm 1891 tại Ấn Độ. Ông được sinh ra trong một gia đình thuộc giai cấp Dalit, vốn là một tầng lớp tiện dân, bần cùng trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Vì xuất thân từ tầng lớp tiện dân, nên lúc nhỏ ông thường bị bạn cùng lớp bắt nạt. Bằng sự nỗ lực của bản thân, ông Ambedkar đã được đi du học, rồi sau đó về nước, làm việc cho chính phủ Ấn Độ. Đến năm 1947, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp của chính phủ Ấn Độ. Ở vị trí này, ông đi đầu trong việc soạn thảo hiến pháp Ấn Độ, trong đó bao gồm nhiều đảm bảo quan trọng về quyền công dân. Ông đã phải mất 2 năm 11 tháng để soạn thảo hiến pháp. Cuối cùng nó trở thành bản hiến pháp thành văn dài nhất thế giới với 448 điều trong 22 phần, 12 mục, 97 điều sửa đổi và 145.000 từ. Hiến pháp được chính thức thông qua vào ngày 26 tháng 1 năm 1950. Sau đó, ông đã từ chức và tham gia công tác vận động dân quyền, bảo vệ và đòi quyền bình đẳng cho tầng lớp Dalit trong xã hội. 

Toàn cảnh Trung tâm Quốc tế Ambedkar tại Hoa Kỳ, nơi đặt bức tượng của Tiến sĩ Ambedkar

Đến năm 1956, ông từ bỏ đạo Hindu và chuyển sang đạo Phật. Ông đã đứng ra tổ chức một buổi lễ quy y có quy mô lớn, với sự tham gia của khoảng 200.000 người Dalit. Buổi lễ diễn ra tại Nagpur, phía tây nam Ấn Độ. Ông qua đời hai tháng sau ngày diễn ra buổi lễ.
Dù ông đã qua đời, nhưng những tư tưởng, những đóng góp của công cho đất nước Ấn Độ, đặc biệt là cho những người thuộc tầng lớp Dalit, là vô cùng to lớn, được hàng triệu người ở Ấn Độ và người yêu chuộng nhân quyền trên khắp thế giới ngưỡng mộ, noi theo.

Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Trung tâm Quốc tế Ambedkar

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares