Chính phủ Nepal hoàn tất việc trùng tu ngôi chùa cổ có niên đại hơn 1000 năm

Tuần qua, chính phủ Nepal đã tổ chức lễ hoàn công công tác trùng tu ngôi chùa cổ Shree Napichandra, được xây dựng từ thế kỷ thứ 9. Ngôi chùa này thường được biết đến với tên gọi là Duntu Bahi, tọa lạc tại thành phố lịch sử Lalitpur, ở thung lũng Kathmandu, cách thủ đô khoảng 7km về phía Đông. Thị trưởng Chiri Babu Maharjan của Lalitpur và Đại sứ Ấn Độ tại Nepal, ông Naveen Srivastava đã chủ trì buổi lễ hoàn công.
Tu viện Shree Napichandra đã bị hư hại nặng nề trong trận động đất khủng khiếp làm rung chuyển Nepal vào ngày 25/4 và 12/5/2015, khiến 9.000 người thiệt mạng, hơn 21.000 người bị thương và hàng triệu người phải di dời. Sự tàn phá còn lan rộng đến hàng trăm công trình kiến trúc cổ, trong đó có ngôi chùa cổ.

Mặt tiền của Chùa Shree Napichandra vừa được hoàn tất công tác trùng tu

Việc khôi phục di tích lịch sử này được thực hiện với kinh phí 38,4 triệu rupee Nepal (288.900 USD). Nguồn kinh phí này được tài trợ bởi khoản trợ cấp tái thiết sau trận động đất của Chính phủ Ấn Độ dành cho lĩnh vực di sản văn hóa của Nepal và với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ủy ban Di sản Nghệ thuật và Văn hóa Quốc gia Ấn Độ. 

Thị trưởng Chiri Babu Maharjan và Đại sứ Naveen Srivastava chụp hình lưu niệm

Trong bài phát biểu quan trọng tại buổi lễ, Đại sứ Ấn Độ nhấn mạnh mối quan hệ khăng khít và hợp tác bền chặt giữa Ấn Độ và Nepal. Ông còn lưu ý, hai quốc gia có những điểm chung về văn hóa, lịch sử và di sản phong phú.
Đại sứ cũng nhấn mạnh: “Ấn Độ và Nepal có những điểm tương đồng về văn hóa lịch sử và di sản cần được bảo tồn cho các thế hệ tương lai của chúng ta. Vì vậy, nỗ lực chung của chúng tôi là khôi phục những di sản này. Ấn Độ đang hợp tác với Nepal để khôi phục các dự án di sản văn hóa”.
Lalitpur nổi tiếng khắp thế giới vì sự phồn thịnh và phong phú đặc biệt của các di sản văn hóa cổ cũng như truyền thống nghệ thuật và thủ công vẫn còn được lưu truyền cho đến ngày nay. Với dân số đa sắc tộc khoảng 300.000 người, trong đó 72% theo đạo Hindu và 19% theo Phật giáo, các hoạt động tôn giáo và văn hóa chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày ở thành phố. 

Mái ngói rêu phong, cổ kính của ngôi chùa trên 1000 năm tuổi

Lalitpur ban đầu được bố trí dưới mô hình cấu trúc Bánh xe pháp của Phật giáo, bao gồm năm bảo tháp chính – bốn tháp ở bốn điểm chính và một tháp ở trung tâm; ngôi bảo tháp chính được cho là do hoàng đế Ashoka của triều đại Mauryan dựng lên vào năm 250 trước Tây lịch. Thành phố này là nơi có quảng trường Patan Durbar nổi tiếng thế giới, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1979, và cũng là một trong 7 khu di tích tạo nên Di sản thế giới của thung lũng Kathmandu.
Chùa Shree Napichandra nằm ở phía Bắc quảng trường Patan Durbar. Theo kế hoạch dự thảo của Chính phủ Ấn Độ về chiến lược bảo tồn nhằm khôi phục di tích, người ta đã đề xuất xây dựng lại tu viện bằng cách sử dụng các vật liệu và phương pháp xây dựng truyền thống.

Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Buddhist Door

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares