Thách thức tồn tại của Phật giáo Nhật Bản sau thế chiến thứ II

Sau Thế chiến thứ II, ngày càng nhiều người rời bỏ chế độ danka do lối sống thay đổi cùng với sự tan rã của các cộng đồng truyền thống. Nhiều người tìm đến các nhóm tôn giáo mới, nhưng ngay cả như vậy những nhóm tổ chức đó hiện nay cũng không còn được vinh quang, hùng mạnh như xưa. Mặc dù Phật giáo tiếp tục suy giảm về khía cạnh tổ chức tại Nhật Bản, nhưng người dân nơi đây vẫn sẽ tìm đến giáo lý của Đức Phật để tìm kiếm ý nghĩa và sự an ủi trong cuộc sống của họ.

Ảnh: Internet

Sự sụp đổ của chế độ Danka[1]

Khi Thế chiến thứ II kết thúc với sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật Bản vào tháng 8 năm 1945, các tông phái của Phật giáo Nhật Bản cùng với Thần đạo Quốc gia[2] mất đi điểm chung dẫn đến Phật giáo rơi vào trạng thái hỗn loạn. Vì các giáo lý của họ phải gắn liền với Thiên hoàng, người nắm giữ thực quyền, nên các tông phái buộc phải từ bỏ nhiều giáo thuyết và bị tước bỏ sức ảnh hưởng chính trị. Cùng thời điểm cuộc cải cách ruộng đất nổ ra khiến cho nhiều ngôi chùa phải chịu tác động lớn, vì trước đó phần lớn thu nhập của họ vốn phụ thuộc vào những người nông dân thuê đất. Đến thời điểm này, [vai trò ảnh hưởng cũng như chính trong nội tại] của Phật giáo Nhật Bản bị suy giảm, chỉ còn có thể sống dựa vào những tín đồ địa phương đã đăng ký theo chế độ Danka, chế độ tồn tại từ thời Edo (1603–1868), đó là những người cúng dường cho những ngôi chùa địa phương, chi trả tang lễ, cúng giỗ và các nghi lễ khác.

Sau chiến tranh, một loạt các yếu tố đã dẫn đến bùng nổ kinh tế trên toàn Nhật Bản. Điều này đã giúp Phật giáo Nhật Bản thoát khỏi sự suy tàn tưởng chừng như là kết thúc. Khi Nhật Bản trở nên giàu có sau thời kỳ chiến tranh, Phật giáo thậm chí còn trở nên thịnh vượng trong một khoảng thời gian. Trong suốt những năm 1970 và 1980, số tiền quyên góp cho các ngôi chùa tăng lên vì các gia đình Danka giờ đây đã thoát khỏi cảnh nghèo đói. Nhiều ngôi chùa trên khắp cả nước trở mình nhờ dòng tiền mới đổ vào. Thế nhưng sự thịnh vượng này không kéo dài lâu, sự bùng nổ kết thúc khi bong bóng kinh tế bị vỡ vào đầu những năm 1990. Đến đầu thế kỷ mới, các tổ chức Phật giáo một lần nữa phải đối mặt với các vấn đề như bị thờ ơ, trở nên nghèo đói và lạc hậu.

Vào năm 2023, hầu hết các tổ chức Phật giáo trên toàn Nhật Bản đều phải đối mặt với khó khăn do sự suy thoái của chế độ Danka. Số lượng hộ gia đình đăng ký giảm đặc biệt rõ rệt ở các khu vực hẻo lánh, hiện nay nhiều làng mạc và thị trấn nhỏ thưa thớt dân cư và hầu hết những người ở lại đều là người già. Nhiều ngôi chùa đã phải đóng cửa. Ngay cả ở các thành phố lớn, mối liên kết giữa các ngôi chùa và người dân từng theo chế độ Danka trong nhiều thế hệ gia đình cũng trở nên thu hẹp. Thậm chí theo truyền thống, đám tang và các sự kiện cần có sự hiện diện của một tu sĩ nay bị coi là không cần thiết và lỗi thời trong mắt nhiều người. Sự cầu nguyện và những nghi lễ Phật giáo đang dần bị thay thế bằng lối sống hiện đại của người dân Nhật Bản. Nhận thức sự nghiêm trọng của việc tôn giáo bị phai mờ, nhiều tự viện và tông phái đã thử nhiều biện pháp khác nhau để xoay chuyển tình thế, nhưng vẫn chưa thể tìm được một giải pháp mang tính quyết định. Chế độ Danka rõ ràng đã bị dừng chân tại chỗ từ khi kết thúc thời kỳ Edo và sẽ sớm biến mất. Sự hiện diện của Phật giáo ở Nhật Bản sẽ dần thu hẹp lại, các tôn giáo sẽ gặp trắc trở trong việc tìm ra một chiến lược để tồn tại với sứ mệnh và ý nghĩa nguyên vẹn.

Trong bối cảnh thay đổi, các tổ chức tôn giáo mới mang lại sự an ủi cho người dân

 Tạm gác lại câu chuyện về các tông phái Phật giáo truyền thống và cuộc đấu tranh để tồn tại của họ qua một bên, chúng ta cùng nhìn lại tình hình Nhật Bản sau chiến tranh.

Sự phát triển nổi bật nhất ở Nhật Bản trong những năm gần đây là sự xuất hiện của các nhóm tôn giáo mới, nhiều trong số đó có liên kết với Phật giáo. Sau khi thoát khỏi sự kiểm soát hà khắc của Thần đạo Quốc gia và chính phủ trong suốt thời kỳ chiến tranh, tự do tôn giáo được phổ biến đáng kể, từ đó dẫn đến sự xuất hiện của nhiều tổ chức tôn giáo mới. Có nhiều tổ chức có tầm ảnh hưởng trong những năm gần đây, bao gồm một số tổ chức đã hoạt động trước cả khi chiến tranh xảy ra. Một số tên tuổi nổi bật bao gồm Sōka Gakkai (một nhóm liên kết của tông phái Nichiren có ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cánh chính trị), Risshō Kōsei Kai (một tông phái Nichiren khác) và Shinnyoen (tông phái Shingon).

Một lý do khiến các tổ chức mới này có thể thu hút nhiều tín đồ như vậy là vì sự sụp đổ của các cộng đồng theo kiểu làng truyền thống, bị tan rã dưới tác động của sự bùng nổ kinh tế. Chế độ danka đã tồn tại từ thời Edo được xây dựng dựa trên mối liên hệ giữa các tự viện và các gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cùng một cộng đồng. Tuy nhiên, trước những thay đổi đột ngột ảnh hưởng đến cả ngành công nghiệp, xã hội và nền kinh tế Nhật Bản trong những năm sau chiến tranh, lối sống truyền thống này bắt đầu dần biến mất. Khi những lối sống mới hơn và chuyển dịch hơn xuất hiện, ngày càng nhiều người rời khỏi chế độ danka.

Nhưng việc cắt đứt mối quan hệ truyền thống với chùa chiền không có nghĩa là người dân đã mất đi khao khát với ý nghĩa tôn giáo trong cuộc sống của họ. Thật vậy, nhiều người sau khi bị mất liên kết truyền thống với các tự viện nhận thấy rằng họ cần sự an ủi hơn bao giờ hết khi đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Các tổ chức Phật giáo mới đã trở thành nơi an trú tinh thần đáng tin cậy cho nhiều người nhờ việc cung cấp sự giúp đỡ và sự đồng hành, tách biệt khỏi chế độ danka truyền thống. Trong nhiều thập kỷ sau chiến tranh, người dân tham gia các nhóm này với số lượng lớn và trở thành những tín đồ thuần thành.

Tuy nhiên, thời kỳ thành công của những tổ chức này đạt đỉnh cao vào những năm 1990, sau đó dần dần mất đi sức sống và khả năng thu hút thành viên mới. Dân số già hóa và suy giảm chắc chắn là một trong những yếu tố quyết định, nhưng nó không phải là duy nhất. Nhiều tổ chức trong số đó trở nên quan liêu hóa và cá nhân hóa. Thay vì tập trung mang lại hạnh phúc cho mọi người, họ lại ngày càng tập trung vào việc duy trì tổ chức, trong quá trình đó họ dần đánh mất sự tin tưởng của mọi người.

Sự suy giảm vị thế

Trong chuỗi bài viết của mình, tác giả Sasaki Shizuka đã cố gắng tìm hiểu sự phát triển của Phật giáo ở Nhật Bản từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (tiếng Nhật Shakyamuni) khoảng năm 500 trước Công Nguyên cho đến tận ngày nay. Ở phần cuối cùng của chuỗi các bài viết, tác giả muốn viết về tương lai và suy ngẫm về những gì có thể xảy ra.

Một điều dường như là chắc chắn: Phật giáo sẽ bị suy yếu nếu tiếp tục dưới hình thức như hiện tại. Tức là nền tảng kinh tế của Phật giáo Nhật Bản sẽ tiếp tục suy yếu, số lượng chùa và Tăng ni sẽ tiếp tục giảm. Ngay cả khi vẫn có nhu cầu nhất định về việc mời các nhà sư chủ trì tang lễ và các nghi lễ truyền thống, Phật giáo chắc chắn sẽ không thể duy trì được số lượng và sức ảnh hưởng như hiện nay. Phạm vi và sự ảnh hưởng của các hoạt động chắc chắn sẽ dần thu hẹp lại.

Điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với các tổ chức Phật giáo mới, những tổ chức đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong những thập kỷ sau chiến tranh. Ngay cả những tổ chức mới này cũng sẽ nhận thấy số lượng tín đồ sẽ giảm dần trong những năm tới đây, ảnh hưởng chính trị cũng sẽ dần suy yếu. Có lẽ kết quả tốt nhất mà họ có thể hy vọng đạt được là tồn tại như những tổ chức tôn giáo kín đáo và ôn hòa.

Nhưng bên cạnh sự suy giảm đồng đều của các tổ chức tôn giáo, dường như nhiều người vẫn sẽ tìm đến Phật giáo với hy vọng về một sự an ủi dưới một hình thức nào đó, ngay cả khi khía cạnh tổ chức bị suy giảm. Khi thế giới ngày càng hỗn loạn và tương lai ngày càng bất ổn, con người sẽ càng muốn tìm kiếm một nơi an trú về mặt tinh thần. Rất khó để con người có thể thoát khỏi nỗi khổ vốn có bằng thế giới quan khoa học[3]. Trong bối cảnh như vậy, mọi người sẽ dần tự hỏi: Giáo pháp ban đầu của Phật giáo là gì, và liệu giáo pháp có thể giúp giải quyết những căng thẳng và lo lắng của xã hội ngày nay không? Theo chiều hướng đó, Phật giáo có thể đóng một vai trò lớn hơn bao giờ hết.

Kết luận

Trong chuỗi bài viết về Phật giáo tại Nhật Bản, tác giả đã cố gắng cung cấp một cái nhìn tổng quát về lịch sử Phật giáo như một tôn giáo có tổ chức. Do đó, phần lớn những gì giáo sư Sasaki viết đã tập trung vào lịch sử của hệ thống phân cấp Phật giáo trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Đây chắc chắn chỉ là một khía cạnh của lịch sử, nhưng chỉ riêng khía cạnh này không thể kể hết lại toàn bộ câu chuyện. Một khía cạnh lịch sử khác có thể được viết về những cá nhân, những người đã có lòng tin nhiệt thành vào giáo lý Phật Đà và coi nó như là trung tâm cuộc sống của họ.

Bên cạnh những cơ cấu tổ chức tôn giáo, những tấm gương về các Tăng sĩ và cư sĩ sống theo giới luật cùng với niềm tin đã tạo ấn tượng tích cực cho nhiều người. Đây là lý do chính khiến Phật giáo vẫn tiếp tục được tôn trọng và có tầm ảnh hưởng trong xã hội ngày nay. Vì mục đích của chuỗi bài này là cung cấp một cái nhìn tổng thể, nên giáo sư không có nhiều không gian để nói về những cá nhân này, nhưng dĩ nhiên, khía cạnh này cũng rất cần thiết để hiểu chính xác về lịch sử Phật giáo Nhật Bản.

Giáo sư Sasaki chân thành hy vọng rằng giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ tiếp tục mang lại sự giải thoát cho càng nhiều người hơn trong tương lai. Cùng với điều đó giáo sư cũng khép lại chuỗi bài tổng quát về lịch sử Phật Giáo Nhật Bản trong bài viết cuối cùng này.

[1] Chế độ Danka xuất hiện từ thời Edo, khi đó các ngôi chùa có quyền quản lý từng hộ khẩu. Mỗi hộ gia đình được lấy đơn vị là gia tộc và được gọi là Danka. Thành viên trong các hộ gia đình kể từ khi sinh ra, chuyển nhà, kết hôn cho đến khi chết đi đều phải đăng ký với ngôi chùa nơi mình trực thuộc theo quy định của pháp luật.

[2] Thần đạo Quốc gia (Kokka Shintō, 国家神道, Quốc gia thần đạo) là quốc giáo của Đế quốc Nhật Bản được đề xuất lần đầu tiên vào thập niên 1970 bởi Shigeyoshi Murakami nhằm ám chỉ những quan niệm, lễ nghi và tổ chức của Thần đạo do triều đình của Đế quốc Nhật Bản, đề cao tính chất thần thánh của Thiên hoàng và “quốc thể” (kokutai) của Nhật Bản. Trên thực tế từ thời Minh Trị, năm 1868, triều đình Thiên hoàng thiết lập Thần kỳ sự vụ cục chuyên lo việc tôn giáo và cũng bắt đầu tách Thần đạo ra khỏi Phật giáo, trong bối cảnh hai tôn giáo này vốn dĩ hòa lẫn với nhau trên nhiều phương diện trong suốt thời gian trước đó.

[3] Thế giới quan khoa học phản ánh thế giới và định hướng cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người trên cơ sở tổng kết những thành tựu của nghiên cứu, thực nghiệm và dự báo khoa học. Thế giới quan khoa học không ngừng được bổ sung và hoàn thiện và phát triển; thông qua hoạt động thực tiễn của con người, thế giới quan khoa học được hiện thực hoá, trở thành sức mạnh vật chất.

Phật sự Tản Viên biên dịch

Nguồn: Nippon.com

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares