Tác dụng lâm sàng của thuyết pháp và trợ niệm

Trợ niệm

Trợ niệm là niệm Phật thành tiếng nhằm trợ duyên cho người trong giai đoạn lâm chung để họ nương theo câu niệm Phật mà niệm theo, khiến tâm họ không tán loạn, giữ được chính niệm và không bị tham sân si chi phối. Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Taiwan Journal of Hospice Palliative Care đã cho thấy rõ tác dụng lâm sàng của trợ niệm và thuyết pháp trong việc hoá giải nỗi lo của người bệnh và an ủi gia đình bệnh nhân.

Vì sao phải thuyết pháp và trợ niệm?

Trợ niệm là gì? Trợ là hỗ trợ, niệm là niệm Phật. Trợ niệm là niệm Phật thành tiếng nhằm trợ duyên cho người trong giai đoạn lâm chung để họ nương theo câu niệm Phật mà niệm theo, khiến tâm họ không tán loạn, giữ được chính niệm và không bị tham sân si chi phối. Đó là những nhân duyên, điều kiện rất tốt để một người phát khởi cận tử nghiệp thiện mà tái sinh vào cõi lành.

Khi một người đến lúc lâm chung chuẩn bị qua đời, họ cần được pháp sư thuyết pháp khai thị. Pháp sư Tịnh Không có dạy, khi lâm chung rất dễ bị mê lầm, điên đảo, tham luyến tình thâm, tài sản sự nghiệp. Cho nên khi lâm chung có được bạn đạo niệm Phật giúp họ cảnh tỉnh, chính là để khi lâm chung, họ quyết không quên câu niệm Phật, từ đó được may mắn vãng sinh – Theo Phatgiao.org.

Việc thuyết pháp, trợ niệm không chỉ giúp hoá giải nỗi sợ hãi và lo lắng của người sắp chết mà còn góp phần an ủi, giúp đỡ người thân của họ về cả thể chất và tinh thần. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Taiwan Journal of Hospice Palliative Care do pháp sư Thích Tông Đôn – người sáng lập Học viện Đại Bi Đài Loan, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Phật giáo Lâm sàng Đài Loan, tổng thư ký Hiệp hội Nghiên cứu Phật giáo Lâm sàng Đài Loan – dẫn đầu đã tiến hành phân loại bệnh nhân dựa trên bệnh tình, bệnh sử, và tiến độ chăm sóc để đưa ra các phương pháp trợ niệm khác nhau.

Nghiên cứu lâm sàng về tác dụng của trợ niệm, thuyết pháp

Các đối tượng được chia thành 3 nhóm: nhóm được chăm sóc liên tục (nhóm liên tục), nhóm được chăm sóc lúc lâm chung (nhóm lâm chung), và nhóm cấp cứu. Lấy 20 trường hợp làm ví dụ, chúng tôi quan sát quá trình thuyết pháp của ba nhóm bệnh nhân. Kết quả cho thấy hầu hết các bệnh nhân nhóm liên tục là khó thuyết pháp theo nhóm nhất, rất nhiều trường hợp sớm phải chuyển sang thuyết pháp cá nhân. Sau một thời gian dài nỗ lực, số lượng bệnh nhân được khai thông ở nhóm này là nhiều nhất. Đến lúc lâm chung, việc khai thị thuyết pháp mang tính cá nhân hoá, chủ yếu là đưa ra những lời nhắc nhở và khuyên nhủ ngắn gọn.

Đối với nhóm lâm chung, việc thuyết pháp khai thị lại dựa trên nhiều chủ đề khác nhau, chủ yếu là xoay quanh việc người bệnh vẫn còn tâm nguyện chưa được hoàn thành. Khi trợ niệm, thuyết pháp, các pháp sư chủ yếu tập trung giải quyết vấn đề mà bệnh nhân còn cố chấp không buông bỏ, đưa ra khẳng định về ý nghĩa cuộc sống cho họ. 

Các bệnh nhân thuộc nhóm cấp cứu có biểu hiện tham sống sợ chết rõ ràng nhất. Các pháp sư phải giải quyết thông qua việc thuyết pháp khai thị, đồng thời hướng dẫn người nhà hỗ trợ bệnh nhân quy y, tụng kinh, quá trình này tốn rất nhiều thời gian. Hiệu quả lâm sàng của thuyết pháp và trợ niệm ở nhóm này có biểu hiện rõ ràng nhất, có thể quan sát được thông qua trạng thái an lành lúc họ qua đời. Theo quan sát, việc người đã khuất ra đi thanh thản, có biểu hiện cát tướng là niềm an ủi lớn lao đối với người thân của họ, đồng thời điều này cũng giúp hạn chế phản ứng đau buồn của gia quyến.

Ví dụ về tác dụng của trợ niệm và thuyết pháp

Một trường hợp điển hình là bệnh nhân A. Vào ngày anh qua đời, tính từ lúc không đo huyết áp đến lúc tử vong là khoảng 3 giờ. Lúc đầu bệnh nhân tỏ ra lo lắng, phải thở oxy, có biểu hiện thở dốc và trông rất xanh xao. Sau khi được pháp sư trao đổi về nội dung cuộc trò chuyện ngày hôm qua với vợ mình, anh nhớ lại những cảm ứng và sự pháp hỷ với Đức Phật trong thời gian qua. Được gợi lại về những trải nghiệm thư thái, an lạc qua việc niệm Phật, bệnh nhân bắt đầu thả lỏng, miệng nở nụ cười, không còn biểu hiện hoảng loạn, có lúc cười rất rạng rỡ, cũng có lúc cả cơ thể đầm đìa mồ hôi, vợ anh vội vàng gọi y tá vào tiêm thuốc. Pháp sư giải thích cho bệnh nhân đây là quá trình phân giải tự nhiên của tứ đại (bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa, ở đây chỉ chất rắn, lỏng, khí, ẩm trong cơ thể con người), khuyên bệnh nhân hãy bình thản chấp nhận và đừng lo lắng. Bệnh nhân thả lỏng dần và không cần tiêm thuốc, cuối cùng giữa sự an ủi và những câu chuyện về cô con gái ngoan ngoãn của vợ và bạn bè, bệnh nhân đã thanh thản ra đi.

Một trường hợp khác là chàng trai 18 tuổi qua đời vào sáng sớm ngày thứ 7 sau khi nhập viện. Ban đầu, bệnh nhân có biểu hiện vô cùng hoảng sợ, thậm chí hỏi: “Nếu đau quá thì có được tự sát không?”, dưới sự nỗ lực khuyên bảo của các pháp sư, bệnh nhân dần trấn tĩnh lại, 2 tiếng trước lúc qua đời, bệnh nhân nói với mẹ mình: “Mẹ và chị xin hãy yên lòng, trong tâm con có Phật”.

Về mặt lâm sàng, thông thường thân quyến và nhân viên y tế là bên chủ động thông báo mời các pháp sư tới thuyết pháp trợ niệm khai thị. Trong khi gia quyến hoảng loạn và lo lắng do bệnh tình của bệnh nhân có chuyển biến xấu bất ngờ, sự khai thị và an ủi mà các pháp sư đem đến cho người bệnh và người nhà bệnh nhân có tác dụng xoa dịu rất lớn. Phương pháp tiếp dẫn của pháp sư giúp chỉ ra phương hướng đúng đắn, cung cấp pháp môn cho người bệnh, điều này rất khác so với các phương pháp trấn an thường được sử dụng bởi chuyên gia y tế thông thường.

Kết luận về tác dụng lâm sàng của trợ niệm và thuyết pháp

Tác dụng lâm sàng của việc thuyết pháp và trợ niệm đã được thể hiện rõ ràng qua biểu hiện khác biệt của người bệnh lúc trước và sau khi trợ niệm. Bài báo đưa ra kết luận rằng:

  1. Cái chết là một quá trình, không phải là một điểm phân chia rõ ràng, sự sống và cái chết là liên tục.
  2. Sau khi được xác nhận tử vong, người đã khuất vẫn còn khả năng cảm nhận. Khả năng xuất hiện cát tướng có thể được nâng cao thông qua việc cải thiện chính niệm. Nói cách khác, sức mạnh của tâm trí có thể thay đổi diện mạo của bệnh nhân kể cả sau khi đã được tuyên bố tử vong. Sau khi thuyết pháp lúc lâm chung, nếu tiếp tục trợ niệm, dung nhan người bệnh sẽ trở nên trang nghiêm hơn. Việc gia quyến hỗ trợ thuyết pháp và trợ niệm lúc lâm chung có thể giúp bệnh nhân xuất hiện cát tướng, điều này cũng là niềm an ủi lớn đối với gia đình bệnh nhân, giúp giảm bớt phản ứng tiêu cực khi mất người thân của họ.

Phật sự Tản Viên biên tập

Nguồn tham khảo: Ariti Library

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares