Chính niệm giúp giảm tác động của stress công nghệ trong công việc

Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Ứng cử tiến sĩ (PhD Candidate) Elizabeth Marsh, chuyên viên nghiên cứu kỹ thuật và tiềm năng của chính niệm, thuộc Trường Tâm lý học, Đại học Nottingham. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc thực hành chính niệm có thể giúp nhân viên giảm thiểu căng thẳng và lo lắng khi làm việc trong môi trường kỹ thuật số.

Căng thẳng, quá tải, và lo lắng liên quan đến công nghệ là những vấn đề thường thấy ở nơi làm việc hiện nay. Các vấn đề này có thể làm tăng tình trạng kiệt sức và suy yếu ở nhân viên. Đặc biệt, tình trạng này đã gia tăng đáng kể từ sau đại dịch, khi hình thức làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn.

Năm 2022, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nottingham đã tiến hành đánh giá1 các tài liệu học thuật về nhược điểm của việc làm việc trong không gian kỹ thuật số (digital working). Họ đã xem xét gần 200 nghiên cứu trong hơn thập kỷ qua, đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh căng thẳng do công nghệ (technostress) có tác động tiêu cực đối với sức khỏe cùng những tác động khác liên quan đến “mặt tối của nơi làm việc kỹ thuật số”.

Ảnh 1: TORWAISTUDIO/Shutterstock

Dựa trên kết quả nghiên cứu đó, nghiên cứu tiếp theo của nhóm nghiên cứu, được xuất bản vào năm 2024, đã thử nghiệm xem liệu chính niệm và sự tự tin về kỹ thuật số – khả năng áp dụng các kỹ năng kỹ thuật số hiện có vào các thiết bị, ứng dụng và nền tảng mới – có thể giúp giảm bớt những tác động tiêu cực này hay không.

Kết quả cho thấy, việc tự tin và lưu tâm hơn khi sử dụng công nghệ có thể giúp bảo vệ sức khỏe của nhân viên.

Chính niệm chỉ việc nhận thức cảm xúc của bản thân một cách không phán xét, chỉ tập trung vào suy nghĩ và môi trường xung quanh trong thời điểm hiện tại.

Kỹ thuật này có thể giúp một số người tránh những thói quen và phản ứng tiêu cực bằng cách quan sát suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, đồng thời điều chỉnh hơi thở và cơ thể như một chiếc mỏ neo. Việc nhận thức được những phản ứng theo thói quen này sẽ giúp chúng ta có những phản ứng bình tĩnh và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, nghiên cứu mới này cũng bổ sung thêm bằng chứng được thu thập qua nhiều thập kỷ nghiên cứu về tác dụng của chính niệm trong việc giảm căng thẳng và lo lắng nơi làm việc, đồng thời cải thiện sức khỏe tinh thần và sự gắn kết của nhân viên.

Mặc dù nghiên cứu này không đưa ra các kỹ thuật chính niệm cụ thể, nhưng những người tham gia khảo sát đã tiết lộ những phương pháp chính niệm mà họ dùng để giảm căng thẳng ở nơi làm việc kỹ thuật số, trong đó bao gồm những việc rất đơn giản như nghỉ giải lao, thở sâu, và tránh xa đồ công nghệ trong một thời gian ngắn. Định kỳ kiểm tra trạng thái tinh thần, cảm xúc và thể chất của chính họ khi làm việc trên nền tảng kỹ thuật số cũng là điều mà mọi người cho biết đã thực sự giúp ích cho họ.

Theo khảo sát, những người có mức độ chính niệm cao hơn có xu hướng ít bị công nghệ lấn át hơn. Nhóm đối tượng này thường tránh làm nhiều việc trực tuyến cùng một lúc  – chẳng hạn như đọc email trong khi gọi điện video – cũng như thiết lập ranh giới rõ ràng xung quanh việc sử dụng nó, chẳng hạn như chỉ sử dụng công nghệ vào những thời điểm nhất định trong ngày.

Một điểm đáng chú ý là một số nhân viên thường cảm thấy không thoải mái khi dành thời gian để “ngắt kết nối” khỏi công việt, do e ngại việc này bị coi là chểnh mảng hay tụt hậu.

Nhìn chung, những nhân viên tự tin hơn với công nghệ thường ít lo lắng bất an hơn, và những người có mức độ chính niệm cao hơn dường như được bảo vệ tốt hơn khỏi những khía cạnh tiêu cực khi làm việc trong không gian kỹ thuật số.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy, mặc dù chính niệm và sự tự tin về công nghệ đều quan trọng đối với sức khỏe của nhân viên, nhưng nói đến cùng, chính niệm vẫn có hiệu quả hơn sự tự tin trong việc bảo vệ con người khỏi căng thẳng do công nghệ.

Thay đổi nhận thức để cải thiện sức khỏe

Dựa trên các kết quả phân tích trước đây, nhóm nghiên cứu này khám phá ý tưởng chính niệm có thể giúp giảm bớt lo lắng bằng cách thay đổi nhận thức của nhân viên về các yếu tố gây căng thẳng kỹ thuật số.

Ví dụ, các nhà nghiên cứu từ Đại học Turin3 vào năm 2019 đã phát hiện ra rằng, mức độ chính niệm có mối tương quan trực tiếp với mức độ căng thẳng trong khối lượng công việc và mức độ kiệt sức của giáo viên.

Nghiên cứu của đại học Nottingham cho thấy, những nhân viên có mức độ chính niệm và sự tự tin về công nghệ cao hơn thì cũng có ý thức tự chủ cao hơn khi làm việc kỹ thuật số. Họ cũng dễ dàng thay đổi thói quen sử dụng công nghệ số theo hướng tốt hơn, bao gồm việc đặt ra ranh giới trong cách thức và thời điểm tham gia vào nơi làm việc kỹ thuật số (digital workplace). Ví dụ: tắt thông báo, gửi email theo nhóm hoặc tắt thiết bị ngoài giờ làm việc.

Một số người tham gia khảo sát cho biết, họ sử dụng một số phương pháp thực hành chính niệm ngắn hạn để điều chỉnh cách họ sử dụng công nghệ và chăm sóc sức khỏe thể chất – tinh thần của bản thân, ví dụ như tạm dừng sử dụng công nghệ, đi dạo hoặc pha một tách trà.

Suy ngẫm là chìa khóa cho thói quen kỹ thuật số lành mạnh

Nhằm giúp nhân viên phát triển trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại nơi làm việc, các tổ chức và công ty nên xem xét hỗ trợ nhân viên phát triển kỹ năng sử dụng công nghệ và thực hành chính niệm. Nếu không, người lao động có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của không gian làm việc kỹ thuật số.

Tất cả chúng ta đều có cơ hội phát triển kỹ năng này, chẳng hạn như bằng cách tham gia các khóa đào tạo hoặc tự học để nâng cao năng lực sử dụng công nghệ trong công việc và học một số phương pháp thực hành chánh niệm cơ bản.

Suy ngẫm về những hoạt động hiệu quả và không hiệu quả trong ngày làm việc của bạn là một cách tuyệt vời để bắt đầu thúc đẩy thói quen làm việc lành mạnh trong môi trường kỹ thuật số.

          Tài liệu tham khảo

  1. Marsh, E., Vallejos, E. P., & Spence, A. (2022). The digital workplace and its dark side: An integrative review. Computers in Human Behavior, 128, 107118. https://doi.org/10.1016/j.chb.2021.107118
  2. Marsh, E., Vallejos, E. P., & Spence, A. (2024). Mindfully and confidently digital: A mixed methods study on personal resources to mitigate the dark side of digital working. PLOS ONE, 19(2), e0295631. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0295631
  3. Guidetti, G., Viotti, S., Badagliacca, R., Colombo, L., & Converso, D. (2019). Can mindfulness mitigate the energy-depleting process and increase job resources to prevent burnout? A study on the mindfulness trait in the school context. PLOS ONE, 14(4), e0214935. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0214935

Phật sự Tản Viên biên dịch

Nguồn: The Conversation

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares