Phật Pháp trực tuyến: Dự án Khyentse Vision chính thức ra mắt phòng đọc trực tuyến

Khyentse Foundation là một tổ chức được thành lập bởi một vị Lạt Ma, là nhà làm phim, đồng thời là tác giả nổi tiếng người Bhutan, Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche. Vừa qua tổ chức này đã công bố cho ra mắt Phòng đọc Trực tuyến mới cung cấp các bản dịch về Phật Pháp thuộc Dự án Khyentse Vision.

Tranh Thangka Đức Jamyang Khyentse Wangpo

Bắt đầu khởi động vào đầu năm 2021, Dự án Khyentse Vision có sứ mệnh biên dịch toàn bộ các tác phẩm của Đại Terton [1]Jamyang Khyentse Wangpo, vị Khyentse Vĩ đại Đầu tiên và là người sáng lập Truyền thống Rimé[2], sang tiếng Anh đồng thời cung cấp miễn phí trên nền tảng trực tuyến.

 Đức Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche

“Phòng đọc là thành quả nhiều năm nghiên cứu nỗ lực của đội ngũ công nghệ, dịch thuật và biên tập của dự án”, Khyentse Foundation chia sẻ. “Website bao gồm các ấn phẩm đã được dịch theo nhiều chủ đề, và có thể được tìm kiếm theo thể loại, theo tuyển tập hoặc dựa trên một danh mục chi tiết của một bộ sưu tập. Trang Thể loại (Genre Page) bao gồm các chủ đề như sadhana[3], cầu nguyện và tán thán, bài hát, lời hướng dẫn, triết học, lịch sử và tiểu sử, nghệ thuật và khoa học, và cách thực hành nghi lễ. Trang tuyển tập (Volume Page) liệt kê các văn bản được sắp xếp theo Kabum (bộ sưu các bài viết của Đức Jamyang Khyentse Wangpo) và Kabab Dun (bảy sự trao truyền của Đức Jamyang Khyentse Wangpo[4]). Trang danh mục (Catalog page) cung cấp thông tin chi tiết về từng tác phẩm trong các bộ sưu tập, bao gồm tiêu đề tiếng Anh, tiêu đề tiếng Tây Tạng, tác giả, vị trí văn bản và liên kết đến trang pecha tiếng Tây Tạng.”

Website khyentsevision.org

Là một dự án dịch thuật Pháp Phật dưới sự bảo trợ của Khyentse Foundation, Dự án Khyentse Vision có thể sánh ngang với Dự án Kumarajiva, một dự án khác của tổ chức, đã và đang hoạt động trong hai năm qua để dịch các văn bản Phật giáo Tây Tạng sang tiếng Trung. Trong khi đó, dự án phi lợi nhuận toàn cầu “84000: Chuyển ngữ Lời dạy của Đức Phật” (84000: Translating the Words of the Buddha), là một nhiệm vụ lâu dài do Đức Rinpoche khởi xướng, mục đích là để dịch thuật và xuất bản tất cả các văn bản kinh điển Phật giáo còn sót lại được lưu giữ bằng cổ ngữ Tây Tạng, trong đó bao gồm 70.000 trang của Đại tạng Kangyur (lời dịch kim khẩu của Đức Phật) trong 25 năm và 161.800 trang của Tengyur (các chú giải về lời dạy của Đức Phật đã được dịch) trong 100 năm.

[1]Terton là những vị tái sanh của các đệ tử của Ngài Padmasambhava (Đại sư Liên Hoa Sinh), và từ Ngài họ tiếp nhận sự trao truyền ủy thác-tâm của giáo lý và đã đạt được những thành tựu cao. Với sự ngoại lệ của một vài vị Terton, phần lớn họ đều là các hành giả mật tông sống tại nhà cùng với gia đình.

Tham khảo: https://www.ripavietnam.org/truyen-thong-terma-cua-dong-co-mat-nyingma/#:~:text=Nh%E1%BB%AFng%20terton%20l%C3%A0%20nh%E1%BB%AFng%20v%E1%BB%8B,t%E1%BA%A1i%20nh%C3%A0%20v%C3%A0%20gia%20%C4%91%C3%ACnh.

[2] Truyền thống Rime (Rimed, phát âm là Remay) là một phong trào xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ 19, tìm kiếm sự đánh giá thích hợp các điểm khác biệt giữa các trường phái Tây Tạng khác nhau và công nhận tầm quan trọng của sự đa dạng này cho việc làm lợi lạc hành giả với những nhu cầu khác nhau.

Tham khảo thêm tại: https://thuvienhoasen.org/images/file/m2QDkp1G0QgQAJgS/truyenthongrime-batbophai.pdf

[3] Thuật ngữ sādhanā nghĩa là “việc rèn luyện có hệ thống để đạt được kiến thức hay mục tiêu mong muốn.” Nó gồm sự đa dạng về các hình thức kỉ luật trong truyền thống Ấn Độ giáo, Phật giáo, đạo Jain và Sikh theo đuổi để đạt được nhiều mục tiêu nghi lễ và tâm linh khác nhau. Tham khảo https://vi.wikipedia.org/wiki/S%C4%81dhan%C4%81

[4] Bảy sự trao truyền này gồm Ka-ma (sự trao truyền liên tục của Kinh và Mật), Sa-ter (kho tàng đất), Yang-ter (kho tàng được tái phát lộ), Gong-ter (kho tàng tâm), Nyen-gyu (sự trao truyền bằng miệng), Dak-nang (sự phát lộ qua linh kiến thanh tịnh) và Je-dren (sự phát lộ từ trí nhớ). Tham khảo thêm tại https://thuvienhoasen.org/a30571/cuoc-doi-duc-jamyang-khyentse-wangpo

Phật sự Tản Viên biên dịch

Nguồn: Buddhist Door Global

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares