Cục Di sản Quốc gia và Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ Toàn cầu của Đại học Sains Malaysia vừa công bố kết quả phát hiện di tích của một ngôi chùa cổ lớn nhất ở vùng Bukit Choras, Malaysia, có niên đại 1.200 năm. Kết quả này do nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ Toàn cầu của Đại học Sains Malaysia tìm thấy. Tiến sĩ Nasha Rodziadi Khaw là người lãnh đạo của nhóm nghiên cứu.
Cùng với đó, nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra hai bức tượng làm bằng vữa, có kích thước như người thật, được bảo quản tốt. Hai bức tượng có kiểu kiến trúc giống hệt các hiện vật cổ của Vương quốc Srivijaya, đã được phát hiện ở Sumatra và Tây Java, Indonesia.
Ông Mohd Azmi Mohd Yusof, Ủy viên Cục Di sản Quốc gia Malaysia cho biết: “Điểm độc đáo nhất ở phát hiện này là hầu hết các hiện vật vẫn còn nguyên vẹn, ngôi chùa vẫn giữ nguyên cấu trúc nền móng vốn có của nó. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều khám phá mới để làm sáng tỏ nền văn minh Kedah, và cũng là để bổ sung thêm các sản phẩm du lịch khảo cổ mới cho khu vực. Và đây cũng là phát hiện đầu tiên trong một dự án thí điểm sau Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Cục Khảo cổ và 11 trường Đại học địa phương”.
Di tích nền móng của ngôi chùa cổ có niên đại 1.200 năm tại Malaysia
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra các vật có khắc chữ bằng ngôn ngữ Pallava và các mảnh gốm. Di tích này được nhận định là được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ IX sau Công Nguyên, cùng thời với thung lũng Bujang và thời kỳ Srivijaya.
Các bức tượng cùng những hiện vật được phát hiện tại di tích sẽ được đưa về Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ Toàn cầu để bảo tồn và nghiên cứu thêm. Những phần còn lại của di tích sẽ được tiến hành khai quật tiếp theo vào tháng 12/2023.
Phó hiệu trưởng Đại học Sains Malaysia, Giáo sư Tiến sĩ Abdul Rahman Mohamed cho biết, nhà trường sẽ tiếp tục hợp tác với Cục Di sản Quốc gia để thực hiện thêm các công việc khai quật tại các địa điểm khảo cổ, nhằm mở rộng hơn nữa các sản phẩm du lịch khảo cổ trong khu vực. Ông cho biết: “Có rất nhiều thứ vẫn chưa được khám phá ở thung lũng Bujang, vì chúng tôi cần thêm thời gian để thực hiện công việc khai quật. Và quan trọng hơn, những khám phá này sẽ cho phép chúng ta xem xét lại các sự kiện lịch sử đã được các nhà sử học phương Tây viết ra”.
Hiện vật có khắc chữ Pallava được tìm thấy trong khu di tích
Tiến sĩ Nasha còn cho biết thêm: “Những phát hiện này đã đặt ra các câu hỏi mới về mối quan hệ văn hóa giữa Lembah Bujang và các nền văn minh cổ đại khác ở Đông Nam Á. Địa điểm khám phá được ngôi chùa cổ này rất đặc biệt, nằm ở Bukit Choras. Hầu hết các di tích khảo cổ được phát hiện đều nằm ở thung lũng Bujang, phía nam Gunung Jerai, cụ thể là dọc theo Sungai Merbok và Sungai Muda. Còn Bukit Choras là địa điểm duy nhất nằm ở phía bắc Gunung Jerai hoàn toàn biệt lập. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra khu di tích chùa cổ Phật giáo lớn này. Điều đó cho thấy rằng, có một cộng đồng dân cư đông đúc đã từng sinh sống gần ngọn đồi. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có thêm nhiều khám phá mới”.
Minh Nguyên biên dịch
Tham khảo: nst.com.my