Tác động của chính niệm lên nhiều khía cạnh tâm lý của con người là một chủ đề đang rất được các nhà thần kinh học quan tâm. Một nghiên cứu cho thấy sức bật tinh thần (mental resilience) có thể được cải thiện rõ rệt thông qua chính niệm.
Sức bật tinh thần là cái giúp con người ta có một nguồn sức mạnh tâm lý để đối phó với căng thẳng và những gian khổ trong đời. Nó là kho tàng sức mạnh tinh thần mà con người ta có thể dựa vào những lúc cần phải vượt qua khó khăn mà không ngã gục. – Theo Khám Phá Tâm Lý Học
Một chủ đề đang được nhiều nhà thần kinh học quan tâm hiện nay là tác dụng của việc luyện tập chính niệm lên các khía cạnh của tâm lý con người, như trầm cảm, giảm trí nhớ, hay căng thẳng và lão hóa.
Các nghiên cứu đang diễn ra hầu như hướng đến mục tiêu làm sáng tỏ những cơ chế thần kinh gây ra sự thay đổi trong não bộ khi thực hành chính niệm, từ đó đưa ra những hướng dẫn rõ ràng hơn cho những ai muốn kết hợp chính niệm vào cuộc sống hàng ngày của họ.
Tác động của chính niệm lên sức khỏe tâm lý
Các nghiên cứu được trình bày tại CNS 2024 (Cuộc họp thường niên của Hiệp hội khoa học thần kinh nhận thức 2024) chỉ ra rằng, sự khác biệt trong cách não bộ con người xử lý giác quan và nhận thức có thể giúp chẩn đoán các bệnh tâm lý và có thể được cải thiện thông qua các bài tập luyện cho tâm trí.
Một khía cạnh quan trọng của việc rèn luyện chính niệm đó là tăng cường khả năng tự nhận thức các trạng thái của cơ thể – một yếu tố then chốt trong việc kiểm soát các rối loạn tâm lý như trầm cảm.
Chính niệm cải thiện sức bật tinh thần
Một nghiên cứu mang tính đột phá đăng trên tạp chí NeuroImage Clinical đã xác định được yếu tố dự báo tái phát trầm cảm: mức độ nhận thức hay ức chế của người bệnh trong quá trình xử lý cảm xúc.
Một nghiên cứu khác được công bố trên ENeuro chỉ ra rằng khi thực hành chính niệm bệnh nhân phải tập trung vào hơi thở của mình, giúp làm giảm hoạt động trên vỏ não, vùng có liên quan đến khả năng kiểm soát nhận thức của con người. Điều này cho thấy rằng các bài tập chính niệm có thể giúp mọi người sử dụng sự chú ý của mình để giảm bớt áp lực lên não bộ, từ đó giảm suy ngẫm và phán xét.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Human Behavior, cho thấy việc thực hành chính niệm không chỉ cải thiện sự chú ý mà còn làm giảm phản ứng căng thẳng và kéo dài telomere (những trình tự lặp lại của DNA ở các đầu mút của nhiễm sắc thể), giúp giảm tốc độ lão hóa của tế bào.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn tham khảo: Nation Thailand