Lễ Phật Đản diễn ra khi nào? Cách người dân các nước mừng lễ Phật Đản

Hàng năm cứ mỗi độ tháng tư âm lịch là hoa sen bắt đầu nở báo hiệu mùa Phật Đản lại trở về. Tất cả những người con Phật khắp năm châu thấy ấm áp, hân hoan đón mừng ngày Đản Sinh của Đức Từ phụ.

“Phật trở về mở cửa vô minh

Khơi nguồn Đạo pháp khơi tình chúng sanh

Phật về cho đất thêm lành

Cho cây thêm nụ cho cành thêm hoa”

Phật Đản, nguồn gốc, ý nghĩa, phong tục
Nguồn: Internet

Cách đây hơn 25 thế kỷ về trước, vào ngày trăng tròn tháng Tư, Bồ Tát Hộ Minh từ cung trời Đâu Suất đã giáng trần qua hiện thân của Thái Tử Sĩ Đạt Ta con Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Da. Ngài đã thể hiện lòng từ bi vì sự an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người nên xuất hiện nơi cõi Ta bà, xuất gia tu hành thành đạo dưới cội cây Bồ đề. Từ đó, Ngài được nhân loại tôn xưng với danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Ân Ngài lớn lao chẳng nghĩ lường, nên hàng năm cứ đến ngày trăng tròn tháng tư, đồng bào Phật tử khắp năm châu nói chung và Tăng Ni tín đồ Phật giáo Việt Nam nói riêng đều cử hành đại lễ khánh Đản tưởng nhớ thâm ân. Đồng thời, nhân sự kiện này cũng nhằm giúp cho những người con Phật có cơ hội ôn lại đôi dòng lịch sử về cuộc đời của Bậc Vĩ Nhân và lấy đó là kim chi nam cho hàng tín đồ nương theo tu học.

Sự ra đời của Đức Phật

Thái tử Tất Đạt Đa sinh ra ở vườn Lâm Tỳ Ni, thuộc Nepal ngày nay. Mẹ của Ngài, Hoàng hậu Ma Da (Maya), là vợ của Đức vua Tịnh Phạn (Suddhodana), người trị vì thành Ca Tỳ La Vệ. Tích cũ kể rằng, khi thụ thai Thái tử, Hoàng hậu nằm mơ thấy bạch tượng hạ phàm nhập thai. Một số tài liệu có kể lại chi tiết về sự ra đời diệu kỳ của Đức Phật rằng, khi Ngài được sinh ra liền có 2 vị Phạm Thiên xuất hiện đỡ lấy Ngài, lại có 9 rồng phun nước để tắm cho Thái tử. Vừa lọt lòng mẹ Ngài đã đi liền bảy bước, mỗi bước có một hoa sen nở để đỡ lấy chân của Ngài.

Do mong muốn Thái tử kế vị thành vua, không muốn để Ngài xuất gia tìm đạo, Đức vua Tịnh Phạn đã che chở và cách ly con trai mình khỏi mọi nỗi đau khổ, phiền lụy của thế gian. Dù vậy, trong chuyến du ngoạn của mình, Ngài đã đi qua 4 cửa thành, chứng kiến các cảnh già, bệnh, chết, và gặp một vị Sa môn, từ đó Ngài bắt đầu nhận ra cuộc sống của con người không hoàn toàn hạnh phúc. Sau đó, Thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ cái vinh hoa phú quý để bước lên con đường tìm đạo. Năm 30 tuổi, Ngài giác ngộ ở phía Bắc Ấn Độ, được gọi là Đức Phật, nghĩa là “bậc trí giả” hay “bậc giác ngộ”.

Các quốc gia mừng lễ Phật Đản như thế nào?

Phật Đản không chỉ là dịp để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, mà còn là khoảng thời gian để chúng Phật tử trên thế giới suy ngẫm về lời dạy của Ngài và về ý nghĩa của việc thực hành đức tin. Vào ngày lễ này, các Phật tử ở Châu Á và hải ngoại thường đến các ngôi chùa tại địa phương để tham gia tụng kinh, thiền định và lễ hội cả ngày. Các gia đình Phật giáo cũng sẽ trang trí nhà cửa bằng đèn lồng và mở cỗ tiệc.

Hàn Quốc & Triều Tiên

Ngày Phật Đản là một ngày lễ quốc gia ở Hàn Quốc. Đặc biệt, ở thủ đô Seoul có tổ chức lễ hội đèn lồng thường niên tên Yeondeunghoe, nơi hàng nghìn người diễu hành với đèn lồng giấy nhiều hình dáng và màu sắc. Đền chùa và đường phố thường được thắp sáng bởi đèn lồng hình hoa sen, tượng trưng cho ánh sáng chân lý của lời Đức Phật dạy. Vào ngày Phật Đản, nhiều ngôi chùa sẽ cung cấp bữa ăn và trà miễn phí cho du khách, đồng thời tổ chức các hoạt động, trò chơi truyền thống, và nhiều màn trình diễn nghệ thuật trong khuôn viên chùa. 

Tại Triều Tiên, lễ kỷ niệm Phật Đản cũng được tổ chức tại nhiều ngôi chùa Phật giáo từ năm 1988. 

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, ngày 8 tháng 4 được coi là ngày Phật Đản và lễ kỷ niệm được tổ chức tại các ngôi chùa Phật giáo với tên gọi Hana Matsuri, nghĩa là “lễ hội hoa”. Vào ngày này, một “sảnh hoa” nhỏ được dựng lên trong khuôn viên chùa và được trang trí bằng những bông hoa đầy màu sắc. Một bát nước có tượng Phật Đản Sinh được đặt ở giữa và các tín đồ rót trà lên để tắm tượng. Sau đó, một vị tăng sẽ tái hiện lại sự ra đời của Đức Phật trong vườn Lâm Tỳ Ni.

Các nước Nam và Đông Nam Á

Một vài quốc gia ở Nam và Đông Nam Á tổ chức lễ Phật Đản vào ngày rằm tháng 2 âm lịch, được gọi là Vesakha hay Vaisakha. Từ tiếng Phạn chỉ trăng tròn là Purnima, đó là lý do tại sao ngày lễ này còn được gọi là Lễ Phật Purnima. Tại chùa Mahabodhi ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), các tín đồ sẽ tới lễ khấn dưới gốc cây bồ đề nơi Đức Phật đạt được giác ngộ. Ở Ấn Độ và Nepal, du khách sẽ được phục vụ cháo ngọt để gợi nhớ câu chuyện về Sujata, một thiếu nữ đã dâng lên Đức Phật bát cháo sữa.

Ở Malaysia và Trung Quốc, người ta phóng sinh cho các động vật bị giam cầm để tạo phước. Ở Sri Lanka, người dân trang trí nhà cửa và đường phố bằng nến, giấy bóng, và đèn lồng tre. Lễ hội còn có các màn trình diễn bài hát đạo Phật, các tác phẩm nghệ thuật “pandals” cũng được trưng bày, trong khói hương trầm, có những màn trình diễn ánh sáng kể lại các mẩu chuyện về cuộc đời Đức Phật. Ở Việt Nam, ngày lễ Phật Đản được kỷ niệm rộng rãi bởi chúng Phật tử trên khắp cả nước. 

Tham khảo thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của Đại lễ Phật Đản tại đây.

Phật sự Tản Viên biên dịch

Nguồn tham khảo: Watertown Daily Times

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares