Lãnh đạo Phật giáo Sri Lanka, Tiến sĩ A. T. Ariyaratne viên tịch

Tiến sĩ A. T. Ariyaratne

Theo báo chí đưa tin, Tiến sĩ Ariyaratne, một Phật tử thuần thành, một nhà lãnh đạo Phật giáo, đã hoạt động tích cực trong cả lĩnh vực chính trị tại Sri Lanka, đồng thời phát triển cộng đồng suốt cuộc đời mình, đã qua đời tại một bệnh viện tư nhân ở Colombo khi đang điều trị.

Tiến sĩ A. T. Ariyaratne

Sri Lankabhimanya Dr. Ahangamage Tudor Ariyaratne, 1931–2024. From sarvodaya.org

Tiến sĩ A. T. Ariyaratne và phong trào Sarvodaya Shramadana

Nhà lãnh đạo Phật giáo và người sáng lập Phong trào Sarvodaya Shramadana, Tiến sĩ A. T. Ariyaratne, thường được ca tụng là “Gandhi của Sri Lanka”, đã qua đời hôm thứ Ba vừa qua, hưởng thọ 92 tuổi. Ông đã để lại một di sản về sự lãnh đạo tinh thần, trao quyền xã hội và phục vụ nhân ái.

Là Phật tử kiêm nhà hoạt động xã hội nổi tiếng nhất ở Sri Lanka, Tiến sĩ Ariyaratne đã đặt nền tảng cho Phong trào Sarvodaya Shramadana, một tổ chức nhân đạo cấp cơ sở đã hoạt động trên khắp Sri Lanka từ năm 1958 và đã sớm phát triển thành tổ chức cộng đồng phi chính phủ lớn nhất quốc gia

Sarvodaya Shramadana là một phong trào tự quản áp dụng cách tiếp cận tổng hợp để phát triển nhờ sự tham gia của cộng đồng, sự tự lực và tính bền vững dựa trên tôn chỉ “chia sẻ lao động, tư tưởng và năng lượng để thức tỉnh tất cả mọi người”. Nhằm thúc đẩy sự phát triển về tinh thần và văn hóa, phong trào đã xây dựng một chương trình thúc đẩy kinh tế nông thôn thành công bằng cách tập trung vào kinh tế vi mô và cổ vũ tinh thần khởi nghiệp tại các địa phương, giúp đỡ 15.000 cộng đồng kém may mắn ở Sri Lanka. Ngày nay tổ chức này là một trong những tổ chức tình nguyện lớn nhất thế giới, với hơn 3.000 nhân viên được trả lương.

Phong trào Sarvodaya Shramadana bén rễ tại một hội thảo từ thiện ở Quận Kurunegala của Sri Lanka vào năm 1958 do Tiến sĩ Ariyaratne tổ chức, cùng với 40 học sinh trung học và 12 giáo viên từ Đại học Nalanda Colombo. Người tham gia hội thảo đã thực hiện nhiều hoạt động công ích xã hội dẫn đến việc thành lập chính thức Phong trào Sarvodaya Shramadana. Mục tiêu của phong trào này là nhằm thúc đẩy một hệ thống xã hội công bằng, bền vững và nhân ái, hỗ trợ các nhu cầu cơ bản của cộng đồng thông qua sự giác ngộ cá nhân và tập thể dựa trên các nguyên tắc truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy. Dưới đây là quan điểm của Tiến sĩ A.T Ariyaratne về tinh thần từ bi, hỷ xả, độ tha trong Phật giáo, đồng thời đây cũng là tư tưởng được ông hiện thực hóa thông qua Phong trào Sarvodaya Shramadana:

“Mỗi người, đặc biệt là các Phật tử, phải coi hạnh phúc của mọi người là mục tiêu của mình. Nếu muốn giác ngộ hay đạt đến mức độ trí tuệ cao nhất mà con người có thể đạt được, chúng ta phải phục vụ tất cả chúng sinh và giúp họ vượt qua nỗi đau khổ về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Ấy chính là hạnh Bồ Tát, là mục tiêu tối cao của chúng ta …”.

Sự ra đi của Tiến sĩ A. T. Ariyaratne

Truyền thông Sri Lanka đưa tin rằng tang lễ của Tiến sĩ Ariyaratne sẽ diễn ra tại Colombo vào ngày 20 tháng 4, với sự có mặt của các đại diện chính phủ, theo chỉ thị đã được Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Thủ tướng Dinesh Gunawardena và các quan chức Sarvodaya Shramadana nhất trí.

Hài cốt của Tiến sĩ Ariyaratne sẽ được bảo quản tại trụ sở của Sarvodaya Shramadana ở thành phố Moratuwa cho đến trưa ngày 20 tháng 4, trước khi được đưa tang đến Quảng trường Độc lập, thủ đô Sri Lanka, và sẽ được hỏa táng lúc 4 giờ chiều.

Tiến sĩ Ariyaratne đã nhận được nhiều danh hiệu địa phương và quốc tế, ghi nhận sự cống hiến của ông dành cho xã hội trong việc kiến tạo hòa bình và phát triển cộng đồng, trong đó bao gồm: Giải thưởng Ramon Magsaysay cho Lãnh đạo Cộng đồng năm 1969; Giải thưởng Phát triển Quốc tế King Baudouin năm 1982–83; Giải thưởng Hòa bình Gandhi của chính phủ Ấn Độ năm 1996; và Giải thưởng Hòa bình Niwano năm 1992. Ông cũng nhận được Giải thưởng Hòa bình Quốc tế Acharya Sushil Kumar năm 2005, và vào năm 2007, chính phủ Sri Lanka đã trao tặng ông danh hiệu dân sự cao nhất của quốc gia, danh hiệu Sri Lankabhimanya.

          Phật sự Tản Viên biên dịch

Nguồn tham khảo: Buddhist Door Global 

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares