[Hàn Quốc] Đại sư Pomnyun Sunim thảo luận về phát triển bền vững tại Bhutan

Đại Đức Pomnyun Sunim đã có mặt tại buổi tọa đàm với Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay về hướng phát triển bền vững quy mô lớn tại nước này.

Đại Đức Pomnyun Sunim, một pháp sư và nhà hoạt động xã hội đáng kính của Hàn Quốc đã có mặt tại buổi tọa đàm với Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay về hướng phát triển bền vững quy mô lớn tại nước này.

ĐĐ. Pomnyun Sunim và chuyến khảo sát vùng nông thôn Bhutan

Nhằm cải thiện cuộc sống cho cộng đồng địa phương tại các vùng sâu vùng xa tại Bhutan, và đánh giá tính khả thi của các dự án phát triển bền vững quy mô lớn, Ngài Pomnyun Sunim đã tiến hành một loạt các cuộc khảo sát cộng đồng. 

Các hoạt động này, hiện đang được dẫn dắt bởi Đại Đức Pomnyun Sunim, và thực hiện bởi Tổ chức cứu trợ nhân đạo Phật giáo JTS Korea với sự hợp tác của hoàng gia và chính phủ Bhutan.

Đại Đức Pomnyun Sunim đã có mặt tại buổi tọa đàm với Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay về hướng phát triển bền vững quy mô lớn tại nước này.
Nguồn: Jungto Society

Bhutan – Quốc gia Phật giáo Kim Cương Thừa cuối cùng của thế giới

Nằm ở phía Đông của dãy Himalaya, Bhutan vốn là một quốc gia xa xôi, không giáp biển, bị kẹp giữa hai cường quốc chính trị và kinh tế: Ấn Độ và Trung Quốc. Thế nhưng, vương quốc này cũng là quốc gia Phật giáo Kim Cương thừa cuối cùng còn sót lại trên thế giới.

Truyền thống tâm linh cổ xưa đã ăn sâu vào ý thức và văn hóa của vùng đất này, và đã có một khoảng thời gian phát triển rực rỡ không gián đoạn kể từ khi được du nhập từ Tây Tạng nhờ Kim cương Thượng sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) vào thế kỷ thứ 8.

Mặc dù cách tiếp cận toàn diện độc đáo của Bhutan trong phát triển kinh tế đã mang lại mức tăng trưởng ổn định với mức lạm phát thấp trong 20 năm qua, nhưng đời sống của nhân dân tại vương quốc này vẫn tồn tại những khó khăn nhất định.

Bhutan – Quốc gia Phật giáo với cách quản lý tăng trưởng độc đáo

Bhutan thường xuyên nằm trong danh sách các quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, tuy nhiên, đây cũng là một trong những quốc gia nhỏ và ít công nghiệp hoá nhất. Trên thực tế, Bhutan mới chỉ vừa “thoát khỏi” danh sách các nước kém phát triển nhất thế giới của Liên Hợp Quốc (LDCs) vào cuối năm 2023 vừa qua.

Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng Bhutan rất có kinh nghiệm trong việc quản lý tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, thường được biết đến với cái tên “Tổng Hạnh phúc Quốc gia” (Gross National Happiness, GNH), được vị vua thứ tư của đất nước, Jigme Singye Wangchuk đưa ra vào cuối những năm 1970.

GNH là một giải pháp thay thế cho các số liệu truyền thống để đo lường sự phát triển quốc gia, chẳng hạn như Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) hoặc tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chỉ số này được tính toán dựa trên bốn nguyên tắc cơ bản: quản trị tốt, phát triển kinh tế xã hội bền vững, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường.

Kết quả từ cuộc khảo sát của ĐĐ. Pomnyun Sunim tại Bhutan

Sau khi tiến hành khảo sát các cộng đồng vùng sâu vùng xa cũng như cuộc sống và sinh kế của họ, Đại Đức Pomnyun Sunim cùng nhóm tình nguyện viên và chuyên gia từ JTS Hàn Quốc đã thảo luận các phương pháp tiếp cận tiềm năng đối với phát triển bền vững trong cuộc gặp với Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay và các thành viên Nội các Hoàng gia ở thủ đô Thimphu.

“Đầu tiên, sẽ tốt hơn nếu tiến hành cải thiện điều kiện sống của người dân địa phương. Theo khảo sát của chúng tôi, khoảng 10% cộng đồng thiếu nhà ở phù hợp hoặc có nhà cần cải thiện”, Thượng tọa Pomnyun Sunim giải thích, “Khoảng 10% các ngôi nhà nhìn bên ngoài thì ổn nhưng thực tế đang cần được tu sửa bên trong. Nhìn chung, nhà bếp là nơi cần được cải thiện nhiều nhất: đặc biệt, cần phải ngăn khói tích tụ bên trong vì những ngôi nhà này chủ yếu sử dụng bếp củi mở để sưởi ấm và nấu ăn. Ngoài ra, việc tăng chiều cao của các bề mặt trong nhà bếp sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống, bởi việc cúi xuống làm việc có thể gây ra các vấn đề về lưng lâu dài tại phụ nữ”.

“Đối với những gia đình đông người hơn, việc phân chia không gian sống là cần thiết để nâng cao sự riêng tư cho các cặp vợ chồng và con cái đã lớn. Bên cạnh đó, đa phần người nghèo đang phải ngủ trên sàn, vì vậy chúng ta nên cung cấp một số nhu yếu phẩm như nệm và chăn cho họ. Các gia đình cũng thiếu các dụng cụ sinh hoạt nhỏ và dụng cụ nông nghiệp. Tất nhiên, các hộ gia đình có thể dùng chung các thiết bị máy móc nông nghiệp chuyên dụng”.

Đại Đức Pomnyun Sunim đã có mặt tại buổi tọa đàm với Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay về hướng phát triển bền vững quy mô lớn tại nước này.
Nguồn: Internet

Trong những chuyến thăm tới Bhutan, Đại Đức Pomnyun Sunim và nhóm tình nguyện viên cũng đã xem xét các hệ thống tưới tiêu nông nghiệp hiện có, thăm các doanh nghiệp hợp tác ở các cộng đồng nông thôn và khảo sát sâu hơn về cách cải thiện bền vững chất lượng cuộc sống của người dân.

“Chúng tôi đã xem xét tình hình hiện tại của một số ngôi làng. Tiếp theo chúng ta cần tiến hành khảo sát khu vực cụ thể để lựa chọn các khu vực mục tiêu của dự án, sau đó xúc tiến các dự án thí điểm để thực hiện vào năm 2024”, Ngài Pomnyun Sunim cho biết.

Những người dân làng tại các vùng được khảo sát cũng đã chia sẻ những hy vọng về tương lai, nêu lên những nhu cầu và mong muốn của mình, chẳng hạn như có đàn bò sữa năng suất cao hơn, bảo vệ trang trại của họ khỏi động vật hoang dã và những tiện nghi hiện đại hơn trong nhà của họ.

Qua trao đổi, JTS Korea và chính phủ Bhutan đã đi đến thỏa thuận rằng, JTS Korea sẽ tài trợ chi phí vật liệu cho các dự án, còn chính quyền địa phương sẽ trang trải chi phí lao động cho các chuyên gia, và người dân trong làng sẽ cung cấp nguồn nhân lực.

Bước tiếp theo của công cuộc phát triển kinh tế bền vững tại Bhutan

Trong những tuần và tháng tới, Đại Đức Pomnyun Sunim và JTS Korea sẽ tiếp tục công việc phát triển tại Bhutan nhằm tiếp tục cải thiện điều kiện sống cho các cộng đồng vùng sâu vùng xa. Đây cũng là tiền đề để thí điểm một mô hình phát triển kinh tế và xã hội bền vững có thể được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

JST Korea (Join Together Society Korea) là một tổ chức cứu trợ nhân đạo được thành lập bởi Đại Đức Pomnyun Sunim với tôn chỉ “giúp đỡ người khác là cách tốt nhất để phong phú thêm cuộc sống của chính ta”.Với mục tiêu đem đến hy vọng, trao quyền và khả năng tự lực cho các cộng đồng kém may mắn ở các nước đang phát triển, JTS đã thực hiện công tác cứu trợ tại nhiều quốc gia như Bangladesh, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và Sri Lanka. Tổ chức cứu trợ này cũng đã giành được Tư cách Tư vấn Đặc biệt cho Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC).

          Phật sự Tản Viên lược dịch

                                                               Nguồn tham khảo:BuddhistDoor Global

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares