Hà Nội: Chùa Tăng Phúc tổ chức cầu nguyện mùa thi năm 2024

Chiều ngày 01/6/2024 (25/4 Giáp Thìn), tại chùa Tăng Phúc (số 27, phố Thượng Thanh, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP. Hà Nội) đã diễn ra buổi Lễ cầu nguyện và tư vấn mùa thi cho các em học sinh khối 9 Trường THCS Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP. Hà Nội.

Chứng minh và làm lễ cho các em học sinh có Ni sư Thích Đồng Hòa, Ủy viên Thường trực Ban TT-TT TƯ GHPGVN, Ủy viên Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Chánh Thư ký BTS GHPGVN quận Long Biên, Trụ trì chùa Tăng Phúc, Trưởng BTC; Ni sư Thích Hiền Thảo, Trụ trì chùa Bồ Đề (147 Nguyễn Văn Linh, Tp. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), cùng chư Ni chùa Tăng Phúc đồng thực hiện Khóa lễ cầu nguyện.

Về phía nhà trường có cô Phạm Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Gia Quất cùng các giáo viên dạy môn Toán, Văn, Anh cho học sinh lớp 9; Đại diện Ban phụ huynh học sinh và gần 100 em học sinh khối 9 Trường THCS Gia Quất đồng tham dự buổi lễ.

Trước khi diễn ra buổi lễ cầu nguyện tư vấn mùa thi, Sư cô Thích Đồng Hoà – UVTT Ban Văn hoá T.Ư, trụ trì chùa Tăng Phúc đã có những lời động viên, sách tấn đến các bạn trẻ. Sư cô chia sẻ chính kinh nghiệm của bản thân từ bản thân Ni sư từ khi học lớp 9 đến lớp 12, rồi lên Đại học, Cử nhân, Thạc sĩ và đã tốt nghiệp Tiến sĩ Chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện đang tham gia giảng dạy tại một số Trường Đại học trong thành phố Hà Nội và các Đạo Tràng Phật tử tu học Phật pháp… 

Với những kiến thức kinh nghiệm truyền trao của các bậc Thầy – Cô đi trước và nỗ lực của bản thân, đồng thời Ni Sư là một trong những học sinh xuất sắc, luôn đạt được điểm cao trong học tập. Ni sư cũng thường chia sẻ với các em học sinh, sinh viên nhất là ở địa phương và trong địa bàn TP.Hà Nội. Ni sư chia sẻ cho các em về các bí quyết trong khi ôn thi và đi thi. 

Thứ nhất là ôn thi: 

Các em không nên học dồn dập vào thời gian cận kề ngày thi mà phải chia thời gian học, ôn thi sao cho phù hợp không để gây áp lực, ức chế tâm lý như: Lo lắng, quên ăn, mất ngủ, sợ hãi, buồn chán… Các em nên dùng phương pháp hệ thống hóa, đúc kết tất cả các bài, đề cương đã học, đồng thời nhớ lại tên của các đề cương ôn thi dự kiến sẽ ra trong đề thi…

Thứ hai là thời gian: 

Trước thời gian thi 20 ngày là quãng thời gian mà các em nên chú tâm học ôn thi tích cực. Thời điểm tốt nhất trong ngày để ôn thi là vào buổi sáng sớm, khi đó là lúc não bộ của các em rất tỉnh táo sau một giấc ngủ ngon. Nếu ôn thi vào thời gian thì các em sẽ dễ nhớ và nhớ rất lâu.

Lưu ý khi ngồi học nên ngồi ở tư thể ngay thẳng không nên nằm nhiều sẽ dẫn đến buồn ngủ, không nên thức quá khuya sau 12h đêm. Trung bình, cứ 1 đến 2h đồng hồ ngồi học thì các em nên đứng dậy giải lao một, hai phút như: Vận động như đi lại, xoa vùng cổ gáy, uống nước…

Thứ ba về ăn uống:

Khi học ôn thi các bậc phụ huynh và các em nên quan tâm về chế độ ăn uống đều đặn, không nên bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều những thức ăn, đồ uống không thích hợp trong mùa thi cử, không nên ăn uống những chất kích thích có hại cho não bộ, sức khỏe và tâm lý… Các em nên ăn đều và đủ những chất dinh dưỡng như là rau, củ, quả, đậu, trái cây, trứng, sữa,… hạn chế tối đa sử dụng cà phê, thuốc lá, rượu, bia… để cho bộ não lúc nào cũng được khỏe khoắn…

Thứ tư về thư giãn:

Vào mùa thi cử các em rất căng thẳng, mệt mỏi vì nhiều áp lực từ sự học hành, bài vở, gia đình…do đó các em hãy chịu khó vận động cơ thể trung bình mỗi ngày từ 20-40 phút bằng các môn thể thao như vẩy tay (phương pháp Đạt Ma dịch cân kinh), Yoga, Thái cực quyền, Khí công, chạy bộ.v.v… giải trí bằng các môn văn nghệ, văn hóa nhẹ nhàng, lành mạnh…

Thứ năm về tư thế ngủ nghỉ:

Muốn không bị ức chế tâm lý và có sức khỏe trí tuệ tốt, các em nên ngủ nghỉ ở tư thế thiền, nằm nghiêng về bên phải, không nên nằm sấp, tập hít sâu thở đều, buông xả, trước khi ngủ, không nên nằm gối quá cao, hay phòng ngủ quá lạnh hoặc quá nóng… Các sĩ tử nên tập phương pháp ngủ nghỉ tốt thì sẽ có một giấc ngủ sâu, giấc ngủ an lành, giảm sự căng thẳng mệt mỏi về thân và tâm, không mộng mị hoặc bóng đè…

Thứ sáu về cách làm bài thi: 

Các sĩ tử đi thi nên đến phòng thi sớm, ít nhất từ 20-30 phút để làm quen, ổn định tâm lý, xem địa điểm thi như nhà mình, trường học của mình và suy nghĩ rằng: “Ta rất thoải mái, rất an lạc, có năng lực tràn đầy, sẽ làm bài tốt và đạt được điểm cao”… Khi vào phòng thi các em nên đọc kỹ đề bài, làm những câu dễ và chắc chắn trước, không bỏ các phần thi trắc nghiệm, không nên ra khỏi phòng thi quá sớm, thậm chí không nên buồn phiền, hụt hẫng và bỏ cuộc khi có một môn thi nào bị trục trặc, điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến những môn thi tiếp theo…

Thứ bảy các em không dựa hoặc ỷ lại sự quay cóp hoặc xem bài của bạn trong khi thi:

Các em phải có những phương pháp vượt qua tâm lý với cái nhìn tích cực, thường nên nghĩ mình là người chiến thắng, không nên lùi bước trước mọi nghịch cảnh, luôn luôn tìm cách hóa giải mọi vướng mắc khó khăn và tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua. Là một học sinh, sinh viên các em phải suy nghĩ, động não, chăm chỉ học tập nghiên cứu để có những kiến thức và niềm tin vững chắc là các em sẽ đỗ đạt trong kỳ thi sắp tới.

Đó là những bí quyết, tâm huyết mà chính bản thân các quý thầy, quý cô… là những người đi trước đã áp dụng, mong các sĩ tử cố gắng thực tập thật tốt trong thời gian tới để cho sự thi cử của các em đỗ đạt thật cao, được như ý muốn. 

Cũng tại buổi lễ Ni sư Thích Đồng Hoà, chư Tôn đức Ni, các Thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh thành tâm tụng Kinh Phúc Đức. Cuối buổi lễ các em đã được nhận quà chúc nguyện của Ni sư trụ trì và các Thầy cô giáo trao tặng. 

Phật Sự Tản Viên tổng hợp

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares