Đức Đạt Lai Lạt Ma dự lễ ra mắt công cụ Monlam AI giúp bảo tồn di sản văn hóa Tây Tạng

Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ thông tin Monlam tại Ấn Độ đã tổ chức buổi lễ ra mắt một công cụ kỹ thuật số ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có tên là Monlam AI, tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Tây Tạng ở McLeod Ganj, Dharamsala, Ấn Độ. Ban Tổ chức chương trình đã vinh hạnh được cung đón Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 quang lâm tham dự buổi lễ. 
Tại buổi lễ ra mắt, Ban Tổ chức đã giới thiệu về những chức năng của công cụ. Đây là một sản phẩm công nghệ thông tin, vận dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra những ứng dụng, những chức năng quan trọng, làm phương tiện để bảo tồn, lưu trữ kho dữ liệu khổng lồ về những di sản văn hóa của Tây Tạng, bao gồm văn học, lịch sử, âm nhạc và kinh điển Phật giáo.

Đức Đạt Lai Lạt Ma trải nghiệm ứng dụng

Trước khi giới thiệu ứng dụng đến công chúng, nhà sản xuất đã trực tiếp giới thiệu đến Đức Đạt Lai Lạt Ma, và mời Ngài trực tiếp trải nghiệm các chức năng, công cụ của ứng dụng, để qua đó Ngài đưa ra những chỉ đạo, góp ý định hướng thêm cho các thành viên tham gia xây dựng công cụ.
Trong buổi lễ ra mắt, thầy Geshe Lobsang Monlam, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ thông tin Monlam, đã phát biểu chào mừng và giới thiệu khái quát về Công cụ Monlam AI đến quan khách, thầy cho biết: “Công cụ Monlam AI là một sản phẩm công nghệ thông tin tiên phong của cộng đồng người Tây Tạng. Công cụ này cho phép người dùng truy cập vào bốn chức năng chính: chức năng dịch thuật tự động, chức năng nhận dạng ký tự quang học, chức năng chuyển giọng nói thành văn bản, và chức năng chuyển văn bản thành giọng nói.” 

Thầy Geshe Lobsang Monlam giới thiệu công cụ Monlam AI tại lễ ra mắt

Sự ra đời của ứng dụng này được đánh giá là một bước đột phá trong việc phát triển phần mềm giáo dục Tây Tạng, Monlam AI sử dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa để dịch tiếng Tây Tạng sang tiếng Anh, tiếng Trung và các ngôn ngữ khác (cả ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói), nhanh hơn và chính xác hơn nhiều so với các phần mềm dịch thuật hiện có.
Thầy Geshe Lobsang cho biết: “Một trong nhiều khả năng của công cụ AI này là nó sẽ làm tăng hiệu quả và độ chính xác của việc dịch các văn bản tôn giáo, giáo lý và văn học Tây Tạng. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu thử nghiệm công cụ AI này, một số dịch giả người Tây Tạng và người nước ngoài đã quan sát và nhận thấy rằng, công cụ này không chỉ tăng tốc quá trình dịch thuật, mà còn tạo điều kiện thiết lập môi trường học tập tốt hơn trong bối cảnh công nghệ hóa hiện nay”.
Thầy Geshe Lobsang nói thêm rằng, các nhà phát triển thuộc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ thông tin Monlam hiện đang nghiên cứu các chức năng khác của ứng dụng, và đang phát triển chức năng nhận dạng các bản thảo của Phật giáo Tây Tạng được khắc trên gỗ, trên lá bối, và chuyển đổi chúng thành văn bản kỹ thuật số.

Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Buddhist Door

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares