Dự án Chư Ni Tây Tạng tổ chức xây dựng chỗ ở cho chư Ni ở Dharamsala, Ấn Độ

Theo thông tin từ Ban điều hành Dự án Chư Ni Tây Tạng, một tổ chức từ thiện có trụ sở tại bang Seattle, Hoa Kỳ và ở bang Himachal Pradesh, Ấn Độ, Dự án sẽ tài trợ cho việc xây dựng chỗ ở và cơ sở sinh hoạt cho chư Ni tại Ni viện Dolma Ling ở miền bắc Ấn Độ.
Mục tiêu mà Ban điều hành Dự án đặt ra cho hoạt động lần này là xây dựng 16 phòng ở và các phòng ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, và một phòng nghiên cứu cho các Ni sinh đã hoàn thành chương trình geshema tại Ni viện Dolma Ling, để họ có điều kiện nghiên cứu nâng cao, và trở thành những giáo thọ sư có đủ trình độ trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

Các Ni sinh đầu tiên của Ni viện Dolma Ling may mắn được cấp bằng geshema

Ni viện Dolma Ling được xây dựng và khánh thành vào năm 2005, tọa lạc tại thung lũng Kangra, gần Dharamsala, Ấn Độ. Ni viện là cơ sở đầu tiên tập trung vào công tác giáo dục nâng cao dành riêng cho Ni giới trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, và được tài trợ từ kinh phí của Dự án Chư Ni Tây Tạng.
Hiện có khoảng 250 Ni sinh đang tu học tại Ni viện Dolma Ling. Tại đây, bên cạnh việc tu học, các Ni sinh còn tổ chức lao động sản xuất theo tinh thần tự cung tự cấp, chẳng hạn như làm đậu phụ và sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Vào năm 2013, 10 Ni sinh của Ni viện Dolma Ling đã tham gia kỳ thi geshema lần đầu tiên dành cho Ni giới Tây Tạng. Sự kiện đó đã tạo nên dấu ấn lịch sử quan trọng của Phật giáo Tây Tạng.

Các Ni sinh nhí đang tập sự tu học tại Ni viện Dolma Ling

Dự kiến, 16 phòng ở mới mà Dự án tiến hành xây dựng sẽ là nơi ở cho các geshema từ các vùng khác nhau của Ấn Độ và Nepal đến ở trong năm cuối cùng của khóa đào tạo nâng cao tại Đại học Mật tông Gyuto.
Theo lộ trình học vấn của Phật giáo Tây Tạng, bằng geshema là bằng cấp học thuật cao nhất theo truyền thống Gelugpa của Phật giáo Kim Cương thừa, và bằng geshema chỉ mới được cấp cho Ni giới từ năm 2013. Tương tự, bên Tăng thì có bằng geshe dành cho Tăng sĩ. Bằng này có giá trị tương đương với bằng tiến sĩ trong lĩnh vực nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng.
Để được cấp bằng geshe, hoặc geshema, các học viên phải trải qua các kỳ thi nghiêm ngặt kéo dài suốt 4 năm, mỗi năm một kỳ thi.
Dự án Chư Ni Tây Tạng được thành lập với sứ mệnh là hỗ trợ hoạt động giáo dục và viện trợ nhân đạo cho chư Ni từ Tây Tạng và các vùng thuộc dãy Hymalaya của Ấn Độ. Dự án được thành lập dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Phụ nữ Tây Tạng và Ban Tôn giáo – Văn hóa Tây Tạng.

Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Buddhist Door

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares