Chùa Thầy Quốc Oai – Vẻ đẹp non nước (phần 1: chùa Cả)

Cụm di tích chùa Thầy (Thiên Phúc tự) được biết đến là một quần thể di tích đệ nhất của xứ Đoài, tựa một bức tranh non nước hữu tình. Trong đó, chùa Cả là công trình chính trong quần thể chùa Thầy, có hiệu là Thiên Phúc Tự nằm ở chân núi Sài, thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội 25 km về phía Nam. 

Ví trí địa lý chùa Thầy

Chùa được xây dựng vào thời Lý Nhân Tông (1072-1127), lưu dấu tu hành của một vị cao Tăng thời Lý – thiền sư Từ Đạo Hạnh. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì thiền sư Từ Đạo Hạnh họ Từ, tên tục là Lộ, con quan Đô sát Từ Vinh, mẹ là Tăng Thị Loan, quê ở làng An Lãng, huyện Vĩnh Thuận, nay là làng Láng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội.

Từ thủa nhỏ, thiền sư đã có những hành động thông minh khác thường. Sau đó Ngài xuất gia học đạo, rồi cùng với các Ngài Giác Hải, Không Lộ sang Tây Thiên (Ấn Độ) cầu Pháp. 

Chùa long đẩu cụm di tích chùa Thầy

Sau khi trở về, thiền sư dựng gậy tích ở núi Sài, ngày đêm tu tập. Lúc ngộ được tâm ấn, Ngài giảng đạo, dạy học, hái thuốc giúp dân, tổ chức cho dân những trò chơi như đá cầu, đánh vật, múa rối nước v.v… Do đó, nhân dân cảm phục, kính mến gọi thiền sư bằng một từ thân mật, gần gũi là “Thầy”. Bởi vậy, chùa Ngài tu còn được gọi là chùa Thầy, núi Ngài hóa cũng là núi Thầy, làng Ngài sống là làng Thầy, thậm chí đến cả tổng đó cũng gọi là tổng Thầy. 

Núi long đẩu cụm di tích chùa Thầy

Theo thuyết phong thủy thì núi Sài là con rồng lẻ đàn đang uống nước (Quái long ẩm thủy). Chùa Thiên Phúc được làm trong hàm rồng, sân chùa là lưỡi rồng, xung quanh là quy phượng Chầu về. Trước cửa chùa có một hồ nước rộng gọi là Long Trì (ao rồng). Thiền sư Từ Đạo Hạnh xây thêm nhà thủy đình để làm viên long châu nhân tạo- Đây cũng là nơi biểu diễn trò múa rối nước trong ngày hội. Núi Long Đẩu trước cửa chùa Thiên Phúc là tiểu long triều phục làm án, núi Hoàng Xá là thiên mã chầu về (Sách phong thủy có câu: “Nhược dục tử tôn tác khanh tướng, đương tầm thiên mã ngọ phương triều”. Nghĩa là: “Muốn cho con cháu làm quan thì tìm thiên mã phương nam chầu về”. Xung quanh xa gần trước đây có 16 ngọn núi đó là Phượng, Lân, Quy, Hổ chầu về. 

Nhà thủy đình cụm di tích chùa Thầy

Về kiến trúc, lúc đầu chùa chỉ là một thảo am nhỏ mang tên Hương Hải do thiền sư Từ Đạo Hạnh lập ra để tu tập, sau mới dần dần xây dựng thành quy mô lớn. Được xây theo kiểu nội công ngoại quốc với ba cấp không có tam quan, không có đường vào chùa theo trục chính đạo như các ngôi chùa thông thường khác. Toàn khu chính điện của chùa là một khuôn viên hình chữ nhật, rộng khoảng 40 mét, dài 60 mét, gồm ba tòa nhà to dài xây song song hình chữ Tam. 

Phía trước là chùa Hạ tiếp giáp với sân trước dùng làm nơi lễ bái, giảng đạo. Ngũ ý: “Gặp Tăng trước điện nghe đàm đạo.
Chùa Trung là Đại hùng bảo điện(thờ Tam Bảo). Trong ngôi Tam Bảo có điểm đặc biệt là bộ Tượng Tam thế mang giá trị mỹ thuật đỉnh cao từ thời Mạc. Đồng thời, đây cũng là nơi an trí hai pho tượng Hộ Pháp có thể nói là lớn nhất trong các pho hộ Pháp cổ ở chùa Việt. Hai Pho thượng ngồi với kích thước cao gần 4 mét mang vẻ đẹp uy nghiêm.
Hai bên có dãy hành lang chạy dọc từ đầu hồi. Nhưng lạ thay, cả ngôi Bảo điện hình chữ Tam đồ sộ như thế mà chỉ có ba mươi sáu lỗ đục, còn gỗ được gắn bằng các khớp mộng âm dương vững chắc.

day hành lang chùa thượng cụm di tích chùa 

Lùi xuống phía thượng lầu là tháp chuông đại hồng chung và chiếc trống bát nhã. Nhân dân thường truyền rằng, mỗi khi đánh trống lên là chấn động cả 4 phương, hoảng loạn cả quỷ thần, nên mỗi khi có việc đánh trống thì phải làm lễ cáo từ và an úy thần linh thổ địa.
Chùa Hạ – Trung – Thượng nối nhau bằng những bậc thềm nhỏ chỉ rộng khoảng 20 phân, ý muốn người đi sẽ phải bước nghiêng, như vậy sẽ không quay lưng bất kính với Phật – Thánh.
Ở Chùa Thượng, nổi bật nhất là 3 pho tượng Di Đà Tam Tôn ở phía trên cùng – Đây là một trong những tôn tượng sớm cổ nhất hiện còn ở chùa. Với tỷ lệ hình khối chuẩn mực, vững chắc lại được lột tả từng đường nét trang phục, mũ, vạt áo, hoa văn,…Có thể nói đây chính là những tôn tượng đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng thế kỷ XVI – XVII.
Phía dưới là bệ đá trăm hoa (Bách hoa đài) tạc từ thời Trần, trên để hòm sắc lịch triều tôn phong của thiền sư Từ Đạo Hạnh, phía dưới cùng là tượng của thiền sư nhập định trên tòa sen vàng – Đây chính là thờ kiếp Phật của Thiền sư.

Kiến trúc cụm di tích chùa Thầy

Gian bên trái thờ kiếp Tăng – Có tượng toàn thân thiền sư bằng gỗ chiên đàn đặt trong khám. Khi xưa tương truyền, mỗi lần mở khám thì tượng từ từ đứng dậy, đóng cửa, tượng lại từ từ ngồi xuống. Về sau, Cao Xuân Dục, tuần thú Sơn Tây (1841-1923) có bàn với bô lão trong xã: “Thánh thì không phải chào người phàm, để Ngài đứng dậy mỗi lần mở cửa thì chúng ta thất lễ”. Từ đó, mới cắt dây máy và tượng ngồi luôn. Bây giờ nếu có người nâng tượng thì tượng vẫn đứng lên, ngồi xuống và duỗi chân, duỗi tay được.
Gian bên phải là tượng vua Lý Thần Tông (hậu thân của thiền sư) đặt trên ngai vàng – Đây cũng chính là gian thờ kiếp Vua. Tượng tạc năm Thái Hoà (1499) thời Lê Nhân Tông. Đến niên hiệu Vĩnh Hựu (1735 1740), vua Lê Ý Tông cho tạc thêm hai tượng vua Chiêm (người phỗng) và đôi phượng gỗ đặt trước tượng vua nhằm tuyên dương công trạng của thời kỳ thượng võ, đồng thời cũng cho rằng tiền thân của vua Lê Thần Tông cũng chícnh là vua Lý Thần Tông và là thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Trong tòa thượng điện còn có hai cây cột quý bằng gỗ chò vẩy và gỗ ngọc am, các cụ già trong làng thường nói rằng vì có thần giúp nên mới mua được cây gỗ chò vẩy quý như vậy để làm cột cái của chùa. Nhưng vì loại gỗ này Long vương rất quý nên thỉnh thoảng lại dâng nước lên định cướp lại để về làm cung điện. Do đó, Pháp sư phải làm phép Thạch phù yểm hai viên đá thiêng, một ở gần cây cột chò vẩy và một ở cuối chùa Trung gần bậc cửa lên chùa Thượng. Từ đó, Long thần không đến để cướp nữa. Hai phiến đá đó đến nay vẫn còn.
Đằng sau là nhà hậu cách thượng điện bằng một khoảng sân hậu đình. Nhà hậu gồm gian xưa kia chỉ là nơi thờ Thánh phụ, Thánh mẫu và ký hậu của các vị công chúa và phi tần triều Hậu Lê đã có công đức hiến sản, “ký điền góp phần tu bổ. Đến năm Ất Sửu (1985) Hòa Thượng Thích Viên Thành sau khi nhận trụ trì đã tạc tượng tổ, lập ban sơn thần, sau lại nâng cao lên, đổi thành nhà Tổ. Hai bên hồi chùa là hai hành lang tả hữu thờ tôn giả Tân-đầu-lư, bồ tát Kiên Lao Địa Thần và mười tám vị La-hán ở trong tư thế chứng đạo.

Nhật tiên kiều cụm di tích chùa Thầy

Khách đi trẩy Hội chùa Thầy, ai nấy đều tấm tắc khen ngợi vẻ đẹp của hai cây cầu có mái lợp theo kiểu thượng gia hạ kiều (trên là nhà, dưới là cầu) ở hai bên tả hữu trước cửa chùa. Đó là Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều, do trạng Bùng Phùng Khắc Khoan xây dựng để cung tiến.
Nhật tiên kiều đứng bên trái chùa thông ra đền Tam phủ trên một đảo nhỏ giữa ao rồng. Nguyệt tiên kiều ở bên phải, bắc ngang qua ao tới cổng “Bất nhị pháp môn” để lên núi.
Luận về phong thủy thì hai cây cầu này là cửa “La tinh hãn thủy khẩu” (Cửa ải giữ nước sinh và nước vượng cho đại huyệt nằm trong khu vực Chính điện chùa Cả). Mà nhân dân sở tại quen gọi là “Tỏa thủy song kiều” (hai cầu khóa nước chảy). Có lẽ khi Phùng Khắc Khoan đến chiêm bái nơi đây, thấy nước sinh nước vượng tụ hội trước cửa chùa rồi tiêu hết về phương Tốn, Tỵ mà không có cái gì để giữ lại, cho nên mới tạo ra hai La tinh để bổ túc vào chỗ còn thiếu của thiên nhiên.

Về phần di vật lịch sử, chùa Cả còn lữu giữ được rất nhiều bia ký và sách vở. Ở 2 dãy bia trong nhà Hậu ghi lại những việc cầu lễ linh ứng của vua chúa, việc công đức và ký hậu.
Từ xưa đến nay, lễ hội chùa Thầy năm nào cũng đông vui, Phật tử muôn phương về lễ bái sầm uất. Cho nên, xưa kia từ hiệu chùa Cực Lạc đã đổi thành Thiên Phúc, ý nói, do cầu tự và cầu phúc đều được ứng nghiệm. Nên nhân dân trong vùng và các nơi thường quen gọi là chùa Thầy một từ thân mật để tôn xưng Ngài Đạo Hạnh, đã gần dân, dạy dân và cứu độ chúng sinh, thể hiện lòng từ bi của một vị Chân thân Bồ tát. Hiện nay, chùa Cả được Nhà nước và Bộ Văn hóa quan tâm đặc biệt, nhân dân địa phương trân trọng giữ gìn và bảo vệ, mãi xứng đáng là tài sản quý giá của quốc gia, niềm tự hào của nhân dân xứ Đoài.

phật sự Tản Viên tổng hợp

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares