Tất cả chúng ta đều biết một ngày bận rộn mệt mỏi thế nào, khi mà mức cortisol (một loại hoóc-môn gây căng thẳng, sợ hãi) thì cao còn sức lực thì cạn kiệt. Khi cảm thấy quá mệt mỏi và mất động lực, chúng ta thường chẳng còn đầu óc nào mà nghĩ về tác động của bản thân tới môi trường.
Những nhân viên làm ca sớm có cảm nhận rất rõ điều này. Do kiệt sức nên họ chẳng muốn mang dụng cụ ăn có thể tái sử dụng đi làm, và không phải lúc nào họ cũng dành thời gian làm sạch những chiếc hộp nhựa dùng một lần để tái chế. Vào cuối tuần, khi được nghỉ ngơi đầy đủ và tinh thần đã tỉnh táo hơn, họ dễ dàng lưu tâm hơn đến tác động và mức tiêu thụ của mình.
Nguồn: Internet
Sự “mất kết nối” này nói lên một vấn đề lớn hơn đang cản trở phong trào phát triển bền vững. Trong bài Ted Talk “Cách sự im lặng có thể khiến thế giới trở nên bền vững hơn”, nhà lãnh đạo phong trào tái tạo (regenerative leader) Laura Storm cũng đã đề cập đến vấn đề này: “Chúng ta có thể giảm tiêu dùng hàng loạt và sản xuất hàng loạt không khi ta đang làm việc quá nhiều?”
Chúng ta cần nhận ra rằng, sự bền vững bắt đầu từ chính bên trong ta. Để giảm thiểu tác động của mình lên Trái đất, chúng ta cần thay đổi cách chúng ta “liên hệ” với chính mình.
Cách chính niệm thúc đẩy các hành vi vì môi trường
Hầu hết công dân toàn cầu ngày nay đều nhận thức được cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Mặc dù vậy, các cuộc khảo sát về vấn đề này cho thấy, sự quan tâm mà người tiêu dùng thể hiện không thực sự đồng nhất với hành vi của họ. Đây được gọi là “Sự chênh lệch giữa hành vi và thái độ xanh.” Vậy chúng ta có thể làm gì để xóa bỏ sự chênh lệch này?
Một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên Tạp chí Bền vững (Sustainability Journal) chỉ ra rằng, việc thực hành chính niệm có thể tạo ra một sự khác biệt lớn.
Bắt nguồn từ tâm lý học Phật giáo, chính niệm được định nghĩa là tiếp xúc được với thực tại, những gì đang xảy ra chung quanh ta. Thực hành chính niệm vốn được công nhận là có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức và giúp giảm bớt những cảm xúc tiêu cực như lo lắng và bất an. Nhưng làm thế nào chính niệm có thể dẫn chúng ta đến những hành vi bền vững hơn?
I. Chính niệm giúp ta từ bi hơn
Các nhà nghiên cứu cho rằng tất cả đều bắt nguồn từ cách chính niệm củng cố sự đồng cảm và lòng trắc ẩn trong ta. Chính niệm dường như cũng thúc đẩy các xu hướng vì xã hội khác, chẳng hạn như lòng vị tha. Điều này giúp chúng ta có thể đồng cảm hơn với những cộng đồng (con người và phi nhân loại) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
II. Chính niệm giúp củng cố giá trị của ta
Trong một nghiên cứu năm 2020 có tên “Nghiên cứu và Đánh giá: Con đường tiến đến chính niệm và tính bền vững”, các nhà nghiên cứu đã đưa ra các cách mà chính niệm có tương quan với các hành vi vì môi trường (PEB). Một trong số đó là chính niệm giúp chúng ta nâng cao nhận thức về hành vi của bản thân.
Tương tự, chính niệm có tương quan với các giá trị nội tại mạnh mẽ hơn và việc ra quyết định mang tính đạo đức hơn. Nó dường như có mối tương quan ngược với tính ích kỷ và có hiệu quả trong việc giúp chúng ta làm rõ các mục tiêu và giá trị của mình.
III. Chính niệm giúp ta bớt bốc đồng hơn
Do chính niệm có tương quan với việc giảm hành vi tự động và bốc đồng, có lẽ nó cũng dẫn đến việc tiêu dùng có ý thức hơn. Một nghiên cứu được thực hiện ở Ấn Độ cho thấy những người tiêu dùng thực hành chính niệm khi mua sắm sẽ đưa ra ít quyết định mua sắm bốc đồng hơn.
Làm thế nào để áp dụng những nguyên tắc này vào thực tế
Dưới đây là năm việc bạn có thể bắt đầu thực hiện ngay bây giờ để có được chính niệm và giúp hành vi tiêu dùng của mình trở nên bền vững hơn:
I. Tập thở
Tập thở là một cách hiệu quả để tập trung sự chú ý của bạn đến thời điểm hiện tại. Có nhiều kiểu thiền thở, bao gồm thở dài theo chu kỳ, thở hộp (hay đặt lại hơi thở), Nadī Shodhana (thở luân phiên qua từng lỗ mũi), v.v., nên hãy chọn một cách phù hợp với bạn nhất.
II. Thiền tâm từ (LMK)
Mục đích của thiền tâm từ là nuôi dưỡng tình yêu thương và sự tha thứ cho bản thân và tất cả những người xung quanh. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy các doanh nhân tham gia thiền định về lòng nhân ái chỉ trong thời gian ngắn đã thể hiện lòng trắc ẩn hơn và đưa ra quyết định mang tính bền vững hơn.
III. Thiền hành (thiền trong lúc đi bộ)
Thiền hành là một hình thức thiền gắn liền với truyền thống của Thiền tông. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh tin rằng việc chú ý đến cảm giác của bàn chân trên mặt đất có thể làm tăng cảm giác kết nối của chúng ta với thiên nhiên.
Một nghiên cứu năm 2023 có tiêu đề “Thở, Yêu, Đi” (Breath, Love, Walk) cho thấy, trên thực tế có một mối tương quan giữa thiền hành và hành vi ủng hộ môi trường cũng như hỗ trợ các chính sách cải thiện khí hậu.
Các hình thức thiền khác cũng có thể trau dồi chính niệm. Hãy thử thực hành chính niệm ngay trong lúc chạy bộ hay làm vườn để giúp bạn tĩnh tâm khi không muốn ngồi yên.
IV. Dành thời gian kết nối với thiên nhiên
Hãy dành thời gian vào rừng đi dạo, ra biển tập bơi, hay “tiếp đất” (đi bộ bằng chân trần trên đất). Nghiên cứu cho thấy, chỉ cần 20 phút hòa mình vào thiên nhiên cũng đủ giúp chúng ta thư giãn và giảm hoóc-môn cortisol gây căng thẳng.
V. Tập trung vào 5 giác quan của bạn
Dồn sự chú ý vào năm giác quan của bạn bằng cách suy nghĩ về những gì bạn đang nhìn, nghe, ngửi, nếm và chạm vào là cách nhanh chóng để bạn có thể tập trung vào thời điểm hiện tại khi bạn không có thời gian để thiền định.
Bài học rút ra
Khi có cách sống lành mạnh và cân bằng hơn, chúng ta sẽ hành động có ý thức hơn và chăm sóc môi trường tốt hơn. Hãy xem đây là một lý do khác để cố gắng thực hành chính niệm mỗi ngày, bắt đầu từ hôm nay.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn: mbgplanet