Bảo Tàng Metropolitan Triển Lãm Nghệ Thuật Phật Giáo Tây Tạng

Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan sẽ tổ chức triển lãm “Mandalas" từ 19/9 với hơn 100 hiện vật cùng tác phẩm sắp đặt của Tenzing Rigdol.

Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York sẽ tổ chức triển lãm “Mạn-đà-la: Bản đồ nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng” (Mandalas: Mapping the Buddhist Art of Tibet) từ ngày 19/09 đến đầu năm 2025. 

Triển lãm nghệ thuật Tây Tạng giữa lòng thành phố New York

Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York (MET) sẽ tổ chức triển lãm “Mạn-đà-la: Bản đồ nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng”, giới thiệu nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng với nhiều tác phẩm tôn giáo đến từ khu vực Himalaya. 

Triển lãm được dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 19 tháng 09 với hơn 100 hiện vật được trưng bày, bao gồm tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc, hàng dệt may, trang phục, vũ khí, nhạc cụ và các đồ vật nghi lễ khác, những hiện vật này chủ yếu có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15. 

Một điểm nhấn đặc biệt của triển lãm là sự hiện diện các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đương đại của nghệ sĩ Tây Tạng Tenzing Rigdol. Các tác phẩm được bảo tàng đặc biệt đặt mua cho sự kiện lần này  và sẽ được trưng bày tại đại sảnh (atrium) của Phòng  Robert Lehman.

Triển lãm nhận được tài trợ từ Quỹ Placido Arango và Lilly Endowment cùng sự hỗ trợ từ Quỹ Florence và Herbert Irving dành cho dự án Triển lãm nghệ thuật châu Á và Quỹ E. Rhodes và Leona B. Carpenter. Giám đốc điều hành người Pháp của Met, ông Max Hollein miêu tả triển lãm giống như “một cuộc khám phá chưa từng có về nghệ thuật thành kính Phật giáo Himalaya lịch sử”. Mục tiêu của triển lãm là giúp công chúng hiểu rõ hơn về cách thức và lý do các tác phẩm này ra đời.

Bên cạnh đó, triển lãm còn bao gồm các bản thảo minh họa, chân dung tu sĩ và các bức tranh mạn-đà-la đến từ Tây Tạng, Trung Quốc và Nepal.

Các tác phẩm trưng bày

Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan sẽ tổ chức triển lãm “Mandalas" từ 19/9 với hơn 100 hiện vật cùng tác phẩm sắp đặt của Tenzing Rigdol.
Nguồn metmuseum.org

Triển lãm sẽ khám phá nhiều chủ đề khác nhau của mạn-đà-la Tây Tạng, những sơ đồ phức tạp được áp dụng trong việc tu hành pháp Kim Cang Thừa (Vajrayana) của Phật giáo, đồng thời nhấn mạnh các biểu tượng (iconography) giúp hướng dẫn con người trên con đường tâm linh hướng đến sự giác ngộ. 

Điểm nhấn trong các tác phẩm của họa sĩ Tenzing Rigdol là truyền tải thông điệp về các vấn đề hiện đại như biến đổi khí hậu và trách nhiệm xã hội. Rigdol giải thích: “Tôi đang cố gắng khám phá ý tưởng cốt lõi của Mật tông về tính phổ quát và tính thống nhất cũng như cách chúng ta kết nối chặt chẽ với nhau. Người ta nói rằng khi Đức Phật đạt được giác ngộ, Ngài nhìn vào một chiếc lá và thấy những vì sao, mưa, đất, không khí và sự phụ thuộc lẫn nhau của vạn vật”.

Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan sẽ tổ chức triển lãm “Mandalas" từ 19/9 với hơn 100 hiện vật cùng tác phẩm sắp đặt của Tenzing Rigdol.
The-gioi-cua-toi-nam-trong-diem-mu-cua-ban-2024-cua-Tenzing Rigdol

Triển lãm sẽ trưng bày những tác phẩm đặc biệt từ bộ sưu tập cố định của MET cũng như các tác phẩm được mượn từ các tổ chức khác, như Bảo tàng Xã hội Châu Á (Asia Society Museum), Bảo tàng Nghệ thuật Rubin, Bảo tàng Nghệ thuật Newark và Bảo tàng Nghệ thuật Harvard. 

Triển lãm sẽ bao gồm hai bức mạn-đà-la đầu tiên từ Tây Tạng và một số bức đến từ Trung Quốc và Nepal. Ngoài ra, trong số các tác phẩm được trưng bày còn có bản Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa và Kinh Hoa Nghiêm được viết một cách tinh xảo trên lá cọ, cùng các bức chân dung của chư vị đại đức nổi tiếng từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14. Có thể kể đến như chân dung của Đại sư A Đề Sa (Atisha) và Đại đức Shakya Shri Bhadra, đây là hai vị tu sĩ Ấn Độ có vai trò quan trọng trong việc truyền bá giáo lý Phật Đà đến Tây Tạng. 

Ngoài ra, triển lãm cũng sẽ giới thiệu chân dung của những người sáng lập Tu viện Taklung, cùng với các nhạc cụ, trang phục khiêu vũ dùng trong các lễ hội Phật giáo, và vũ khí, áo giáp được dùng để bảo vệ các tu viện.

Mục tiêu của triển lãm

Ông Kurt Behrendt, phó giám tuyển mảng Nghệ thuật Nam Á tại MET đồng thời cũng là giám đốc triển lãm, đã nhấn mạnh vai trò của triển lãm trong việc giúp các truyền thống Phật giáo Tây Tạng phức tạp trở nên dễ tiếp cận hơn với đông đảo công chúng.

Ngoài triển lãm, MET còn cung cấp nhiều cơ hội giáo dục khác, bao gồm các cuộc trò chuyện trong phòng trưng bày, hội thảo, thuyết minh và các hoạt động thực hành cho mọi lứa tuổi. Buổi triển lãm sẽ có catalog ảnh  nhờ sự hỗ trợ từ Quỹ Florence và Herbert Irving cho dự án Ấn phẩm Nghệ thuật Châu Á. 

Triển lãm “Mạn-đà-la: Bản đồ nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng” được tổ chức nhằm mục đích cung cấp cái nhìn toàn diện về nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng và đưa ra những hiểu biết mới về ý nghĩa tôn giáo, văn hóa và nghệ thuật của mảnh đất này. Triển lãm sẽ mở cửa tại MET từ ngày 19 tháng 09 và kéo dài đến đầu năm 2025.

Phật sự Tản Viên biên dịch

                                                  Nguồn tham khảo: Buddhistdoor Global

Loading

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares