Kinh Địa Tạng cùng các bộ kinh như Kinh Phổ Môn, Kinh Di Đà… là những bộ Kinh quan trọng và được truyền bá rất sâu rộng ở nước ta. Nhắc đến Kinh Địa Tạng là người ta nghĩ đến vị Bồ tát với tâm nguyện cứu khổ chúng sinh, đặc biệt là những chúng sinh đang phải chịu khổ trong cõi Địa Ngục, lòng bi mẫn của Ngài đối với chúng sinh chẳng thể nào dùng ngôn từ mà tả xiết. Phật tử khi nhất tâm tụng đọc bộ Kinh này thì âm dương đều lưỡng lợi, không những gia tiên cửu huyền thất tổ của họ được hưởng lợi ích mà cả gia đình hiện thời cũng được bình an.
Nhận thấy lợi ích và công đức từ việc đọc tụng, thụ trì Kinh Địa Tạng. Năm 2015 Đại Đức Thích Đạo Thịnh – trụ trì chùa Khai Nguyên đã hội tập lại bộ Kinh này với mong muốn có thêm càng nhiều Phật tử được biết đến hình ảnh, công hạnh của Bồ tát Địa Tạng và được hưởng lợi lạc từ việc hành trì bộ Kinh này. Với lối tụng đọc có âm điệu, ngắt nhịp rõ ràng, ngôn từ được chắt lọc, cô đọng rất xúc tích, giúp cho các Phật tử dễ hiểu, dễ đọc tụng theo.
Từ đó mà những năm qua hàng triệu cuốn Kinh Địa Tạng do Đại Đức Thích Đạo Thịnh hội tập đã được gieo duyên đến các Phật tử gần xa trong cả nước và nước ngoài, giúp cho bao người được thấm nhuần ân pháp nhũ, gia đình được hạnh phúc, an vui.
Hình ảnh của cuốn kinh địa tạng
Những lời chỉ dạy của Đức Phật trong cuốn Kinh này tuy gần gũi, đơn giản nhưng cũng vô cùng thâm sâu, nếu như chỉ đọc một hai lần rất khó để hiểu được ý nghĩa. Do đó khi đọc, tụng kinh, người đọc tụng cần chuẩn bị một tấm lòng thành kính và có tâm tha thiết muốn học hỏi, noi theo công hạnh của Địa Tạng Bồ tát, cũng như thực hành theo giáo lý mà Đức Phật đã tuyên thuyết.
Như lời mà Ấn Quang Đại Sư từng nhắc nhở: “Một phần thành kính được một phần công đức”. Trước khi tụng kinh Phật tử cần rửa tay, súc miệng sạch sẽ, chỉnh sửa y phục, áo tràng ngay gắn, giữ cho thân, khẩu, ý thanh tịnh. Trong suốt thời khóa tụng kinh hãy giữ tư thế ngồi ngay thẳng, giữ thân trang nghiêm, tụng vừa đủ nghe.
Phật tử khi phát tâm tụng Kinh dù chỉ trong thời gian ngắn là vài tuần, vài tháng hay dài đến vài năm thì cần lưu ý những điều sau:
Trong suốt thời gian phát tâm thọ trì, đọc tụng chúng ta không sát sinh, nên phát tâm ăn chay trường là tốt nhất.
Không ăn ngũ tân là hành, hẹ, tỏi, kiệu, hưng cừ (một loại gia vị có mùi như tỏi).
Không dùng các gia vị có nguồn gốc từ động vật.
Hình ảnh Phật tử tụng Kinh tại gia
Trong trường hợp cả gia đình không hành trì được như vậy thì riêng người đọc tụng kinh Địa Tạng vẫn nên phải duy trì những điều đã được hướng dẫn ở trên. Người trong gia đình có ăn thịt, cá… nên ra chợ mua đồ đã làm sẵn, không được nhờ hay thuê giết thịt).
Tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình, người tụng Kinh không quá cưỡng cầu trong quá suốt thời gian đọc tụng. Điều quan trọng khi tụng Kinh Địa Tạng là phải nhất tâm, hiểu được những ý nghĩa trong Kinh và áp dụng nhưng lời dạy vào thực tế cuộc sống. Các thời khóa tụng kinh đều có chung phần nghi lễ và phần hồi hướng. Nếu người đọc tụng không đủ thời gian thì có thể tụng 1 quyển, 2 quyển hoặc một chương, tùy theo điều kiện cho phép.)
Trong mỗi một Bộ Kinh Địa Tạng Tạng đều bao gồm:
Phần Nghi lễ từ trang số 3 đến trang số 10
Quyển Thượng từ trang số 11 đến trang số 87
Quyển Trung từ trang số 88 đến trang số 161
Quyền Hạ từ trang 162 đến trang 227.
Nếu các Phật tử chia Kinh Địa Tạng theo các thời khóa nhỏ vì không có nhiều thời gian thì sau khi đọc hết phần chính Kinh văn (như sau khi kết thúc quyển Thượng, quyển Trung, quyển Hạ thì sẽ đọc tụng tiếp phần từ trang 228 đến trang 245.
Sau khi đọc tụng Kinh xong, tùy theo tâm nguyện của mình Phật tử có thể hồi hướng thêm so với phần Hồi hướng đã được soạn trong Kinh. Trong suốt thời gian phát nguyện đọc tụng, hành trì theo bộ Kinh này, chúng ta cố gắng làm được thêm những việc như phóng sinh, tu phúc, từ thiện, giúp đỡ mọi người như trong Kinh đã dạy. Luôn giữ tâm khiêm tốn, tinh thần nhẫn nại, và niềm tin vững chắc, kiên cố vào Phật pháp thì chắc chắn quý vị sẽ nhận được vô vàn sự nhiệm màu từ Phật pháp.
Phật Sự Tản Viên tổng hợp
Con xin phát nguyện hồi hướng cầu cho quốc thái dân an