Theo thông tin từ Đại học Phật Giáo Pháp Giới ở Hoa Kỳ, Giáo sư Lauren Bausch, một học giả về Tư tưởng và Ngôn ngữ Vệ Đà và Phật giáo sơ kỳ, đang công tác tại nhà trường, vừa nhận được học bổng từ Chương trình Học giả Fulbright Hoa Kỳ về Nghiên cứu Tôn giáo.
Giáo sư Lauren Bausch sẽ dùng khoản học bổng để đến Ấn Độ nghiên cứu trong năm học 2023–2024. Tại Ấn Độ, Giáo sư Bausch sẽ làm việc với Khoa Pali và Phật học, do Giáo sư Mahesh Deokar làm trưởng khoa, tại Đại học Savitribai Phule Pune ở Pune. Tại đấy, Giáo sư Lauren Bausch tiến hành công trình nghiên cứu, tìm hiểu triết lý về ngôn ngữ và quan hệ nhân quả trong các văn bản thuộc thời kỳ trung và cuối của Vệ Đà, cũng như mối quan hệ của chúng với Phật giáo sơ kỳ. Kết quả của công trình nghiên cứu này sẽ được xuất bản thành sách.
Giáo sư Bausch cho biết: “Ở Ấn Độ, tôi sẽ được tiếp cận trực tiếp với một trong những truyền thống tâm linh sống động, lâu đời nhất trên thế giới, được bảo tồn cả trong văn bản tiếng Phạn và các vị tu sĩ Vệ Đà. Tôi tò mò muốn xem kết quả như thế nào!”
Giáo sư Lauren Bausch, người vừa nhận được học bổng Fulbright
Có đến 800 công dân Hoa Kỳ đã được trao học bổng Fulbright trong năm nay. Những học bổng này quy định rằng, những người được cấp sẽ đóng vai trò là đại sứ văn hóa để tăng cường sự hiểu biết quốc tế và hợp tác học thuật giữa các nhà nghiên cứu và sinh viên trên khắp thế giới.
Giáo sư Bausch bày tỏ sự phấn khích của mình đối với học bổng: “Tôi hạnh phúc đến nỗi tôi đã khóc khi đọc thư cấp học bổng của Fulbright. Thật vinh dự khi được chọn và tôi rất nóng lòng được trở thành đại sứ học thuật, đại diện cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và tiến hành nghiên cứu ở Ấn Độ”. Giáo sư còn cho biết thêm: “Khi đến Ấn Độ, tôi cũng sẽ kết nối với các hành giả Vệ đà và Phật giáo địa phương, giảng dạy, xây dựng một cộng đồng các học giả Vệ đà và Phật giáo ở Hoa Kỳ và Ấn Độ”.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Giáo sư Bausch khi đến Ấn Độ là khảo cứu triết lý về ngôn ngữ, quan hệ nhân quả được trình bày trong các văn bản thời trung, hậu kỳ của Vệ Đà; xác định, xem xét cách diễn ngôn trong các văn bản này về bản chất của con người và bản ngã tuyệt đối tự tạo ra để trải nghiệm tính tương đối. Thay vì giải thích hoạt động nghi lễ thông qua lăng kính của tác phẩm Mimamsa và Vedanta, nghiên cứu này thăm dò vũ trụ học, thần thoại học và các mối liên hệ giải thích được tìm thấy trong chính các văn bản của Bà-la-môn giáo.
Giáo sư Lauren Bausch cùng với các Giáo sư của Đại học Savitribai Phule Pune, Ấn Độ trong một lần ra mắt sách
Hiệu trưởng trường Đại học Phật Giáo Pháp Giới, Giáo sư Susan Rounds ca ngợi Giáo sư Bausch, bà nói rằng: “Học bổng Fulbright của Giáo sư Bausch là minh chứng cho sự xuất sắc và cống hiến trong học thuật. Chúng tôi vô cùng tự hào về những thành tích của cô ấy và mong đợi những kiến thức và quan điểm mới mà cô ấy sẽ mang lại cho cộng đồng. Hành trình của cô ấy chắc chắn sẽ truyền cảm hứng cho các học giả và sinh viên khác tại Đại học Phật Giáo Pháp Giới”.
Giáo sư Lauren Bausch có bằng cử nhân Khoa học Chính trị và tiếng Tây Ban Nha, có bằng Thạc sĩ về Tâm linh Cơ đốc. Sau đó, cô tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Nam và Đông Nam Á, bằng Tiến sĩ tiếng Phạn.
Ngoài công việc chính là tập trung vào công trình nghiên cứu của mình khi đến Ấn Độ, Giáo sư Bausch còn muốn kết nối với các học viên Vệ đà và Phật giáo ở Ấn Độ để tạo thành mạng lưới các nhà nghiên cứu, để mọi người có thể hỗ trợ nhau, chia sẻ những ý tưởng và những thành quả nghiên cứu với nhau.
Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Buddhistdoor.net