Phật pháp – Viên tâm dược hữu hiệu cho tâm bệnh của bạn

Gần đây liên tục xảy ra những vụ giết người đầy bạo lực, gây nên biết bao bi kịch gia đình, lại có tin đồn một ca sĩ nổi tiếng tự tử vì trầm cảm, càng thêm thu hút sự chú ý và thảo luận rộng rãi của dư luận về vấn đề sức khỏe tinh thần.

Theo “Báo cáo Sức khỏe tâm thần thế giới” do WHO (Tổ chức Y tế Thế Giới) công bố năm 2022, cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó những người mắc chứng âu lo và trầm cảm là phổ biến nhất. Tổ chức này cũng cảnh báo, đến năm 2030, bệnh trầm cảm sẽ vượt qua ung thư, trở thành kẻ giết chết sức khỏe con người số một. Một báo cáo khác vào năm 2019 ước tính, tự tử vẫn sẽ là một trong những nguyên nhân gây tử vong chủ yếu trên toàn cầu. Mỗi năm, số lượng người chết do tự sát còn nhiều hơn số người chết do bệnh AIDS, sốt rét, ung thư vú, thậm chí là chiến tranh hay các vụ án mạng. Có thể thấy, bệnh tâm thần và tự tử đã trở thành những nguy cơ đe dọa đến tính mạng quý giá của con người mà chúng ta không thể phớt lờ.

Con người thường phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, và đôi lúc, chúng ta không thể thích ứng được, khi ấy căng thẳng sẽ nảy sinh. Sự căng thẳng không được giải phóng và khai thông đúng cách sẽ tích tụ đến mức quá tải, tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Nếu không được kiểm soát kịp thời, nó sẽ phát triển thành các bệnh tâm sinh lý thường thấy, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như học tập, công việc, gia đình và các mối quan hệ cá nhân, tạo thành một vòng luẩn quẩn ác tính.

Sức khỏe tinh thần không chỉ là vấn đề cá nhân mà nó còn ảnh hưởng đến những người xung quanh chúng ta. Không ít người có người thân mắc bệnh tâm lý nhưng không biết giải quyết nhu cầu của người thân và tự chăm sóc bản thân thế nào, khiến chính họ lại trở thành một bệnh nhân khác do không thể chịu đựng được áp lực ấy. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc phát hiện bệnh tâm lý kịp thời và điều trị đúng bệnh. Nó như một dịch bệnh với khả năng lây nhiễm không thể coi thường, một cá nhân mắc bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến những người tiếp xúc với họ. Tương tự như vậy, bệnh tâm lý cần được phát hiện, bảo vệ và điều trị sớm để tránh tình trạng trở nên trầm trọng hơn, cuối cùng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như làm hại bản thân và người khác.

Sau khi học về Phật pháp, con người ta càng hiểu rõ hơn về trí tuệ và lòng từ bi của Đức Phật. Đạo Phật là “Pháp Xuất Thế Gian”, cứu độ mọi chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, đồng thời cũng là “Pháp Nhập Thế Gian”, là một bộ sách dẫn dắt con người đến một cuộc sống an lạc. Nhiều khi căng thẳng đi kèm với lo lắng thực chất liên quan đến khả năng giải quyết vấn đề. Những giới luật của Đức Phật là những chân lý phổ quát, phi tôn giáo và có thể áp dụng để giải quyết mọi phiền não. Đức Phật có dạy một hệ thống giúp con người giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả, ấy chính là “Tứ Diệu Đế”, bao gồm khổ (vấn đề), tập (nguyên nhân), diệt (kết quả), và đạo (cách giải quyết).

Ảnh: Internet 

Hiện nay, ngày càng nhiều các dịch vụ áp dụng Phật pháp vào việc chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh lý. Một số chuyên gia thậm chí còn đối chiếu “Tứ Diệu Đế” với “Mô hình y tế” gồm Triệu chứng, Chẩn đoán, Chữa bệnh và Điều trị. “Phật” tựa như một vị thầy thuốc (kinh Phật thường dùng chữ “Đại Y Vương” để miêu tả Đức Phật vì Ngài có thể chữa lành các bệnh tật về thể chất và tinh thần của tất cả chúng sinh), người chẩn đoán và chữa trị cho bệnh nhân; “Pháp” là đơn thuốc chữa bệnh; “Tăng” giống như việc săn sóc, chăm sóc người bệnh. Theo quy trình này, trước tiên người bệnh phải nhận thức được các triệu chứng của các vấn đề về thể chất và tinh thần (rắc rối/căng thẳng liên tục), hiểu rõ nguyên nhân và điều kiện (do tham, sân, si), tìm cách phục hồi (giữ tâm trí tĩnh lặng), và đạt được Phương pháp chữa bệnh tối thượng (điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc và hành vi thông qua “Bát Chính Đạo”: ba nguyên tắc Giới, Định và Tuệ).

Tam chuyển Pháp Luân gồm có 3 phần là Thị chuyển, Khuyến chuyển và Chứng chuyển. Trong phần Nhị chuyển, Ngài khuyên: “Đây là Khổ, nên biết. Đây là Tập, nên đoạn. Đây là Diệt, nên chứng. Đây là Đạo, nên tu.” Người ta thường nói: “Tâm bệnh thì cần tâm dược.” Phật pháp chính là một loại tâm dược giúp ta chữa khỏi mọi phiền não, bất kỳ bệnh nhân nào cũng có thể tự mình trải nghiệm sự kỳ diệu của toàn bộ hành trình chữa lành này.

Phật sự Tản Viên biên dịch

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares