Trung tâm Nghiên cứu Mangalam, một chi nhánh của Trung tâm Thiền Nyingma Tây Tạng, có trụ sở tại Berkeley, California, Hoa Kỳ tổ chức một hội thảo với chủ đề “Mindfulnes: What’s next” (Chính niệm: Tiếp theo là gì). Hội thảo được diễn ra trong 2 ngày, ngày 7 và 8/10.
Hội thảo đã quy tu nhiều học giả, nhiều hành giả, và các vị giáo thọ sư chuyên thực tập và giảng dạy Chính niệm đến từ nhiều nơi trên thế giới để cùng trao đổi và thảo luận về Chính niệm.
Hình ảnh giới thiệu về Hội thảo
Các đại biểu, các học giả tham gia hội thảo lần này sẽ cùng nhau thảo luận và xem xét cách mà Chính niệm đã được tiếp nhận trong thế giới hiện đại, xem xét các vấn đề nảy sinh và lợi ích từ việc thực tập Chính niệm, đánh giá tình trạng thực hành và giảng dạy Chính niệm trong hiện tại, đồng thời thảo luận về hướng đi của pháp môn Chính niệm trong tương lai.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Mangalam, trong 2 thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về sự quan tâm đến Chính niệm của cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, cùng với đó là những vấn đề bất cập nảy sinh. Đầu tiên, Chính niệm thường không có hình dạng rõ ràng trong cách trình bày, khiến người ta không biết được thực sự vấn đề đang được trình bày là gì. Thứ hai, Chính niệm đã bị cố tình cắt đứt khỏi nguồn gốc Phật giáo của nó, nơi mà nó là một phần của mô hình thực tập toàn diện, liên quan đến việc trau dồi đạo đức và trí tuệ. Điều này dẫn đến mối lo ngại rằng, Chính niệm có nguy cơ trở thành một phương pháp tự chữa lành hơn là một phương pháp tu tập hướng đến giải thoát, giác ngộ. Ngoài ra, trong khi nhiều nghiên cứu cho thấy Chính niệm, dù dưới bất cứ dạng thức nào, đều có lợi ích thiết thực trong việc làm giảm căng thẳng, bớt khổ đau, thì những dữ liệu mâu thuẫn với vấn đề này cũng đã được tích lũy. Một số vị giáo thọ sư cũng lo lắng rằng, thực tập Chính niệm mà thiếu nền tảng thì có thể gây ra những tác hại nhất định nếu thực tập mà không có sự chuẩn bị, hoặc thiếu sự giám sát thích hợp.
Chân dung các diễn giả chính của Hội thảo
Chính vì thế mà Trung tâm Nghiên cứu Mangalam tổ chức hội thảo này. Hy vọng, qua hội thảo lần này, các học giả và các hành giả sẽ cùng trao đổi, thảo luận với nhau để tìm ra những giải pháp hữu hiệu, góp phần củng cố việc giảng dạy và thực tập Chính niệm, giúp cho phương pháp Chính niệm được rõ ràng và đúng đắn hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào thực tập Chính niệm trong cộng đồng được mạnh hơn và được định hướng một cách đúng đắn, hiệu quả hơn.
Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Mangalamresearch.org