Tái tạo Con đường tơ lụa thiên niên kỷ: Hang động Mạc Cao Đôn Hoàng đến với Đài Loan, long trọng ra mắt buổi triển lãm tại Cao Hùng.

“Triển lãm Ánh sáng Con đường Tơ lụa – Triển lãm nghệ thuật về hang động Đôn Hoàng” do Phật Đà Kỉ niệm Quán của Phật Quang Sơn và Viện nghiên cứu Đôn Hoàng cùng lên kế hoạch tổ chức, vào ngày 15/12 vừa qua đã long trọng tổ chức lễ ra mắt và bắt đầu mở cửa đón khách thăm quan kể từ ngày 16/12. 
Ảnh: Lễ ra mắt “Triển lãm Ánh sáng Con đường Tơ lụa – Triển lãm đặc biệt về nghệ thuật hang động Đôn Hoàng”
Triển lãm sẽ tái hiện lại ba thạch động và bảy tảo tỉnh của Hang động Mạc Cao Đôn Hoàng. Trong số đó, một mô hình 3D tái hiện “Cột đá trung tâm” của động do Học viện Đôn Hoàng tạo dựng đã được chuyển đến Đài Loan, cùng với hơn một trăm các hiện vật trưng bày quý báu như bản thực thể hay bản mô phỏng, đều được di chuyển hơn 4.400 km vượt qua biên giới, xuất hiện lần đầu tiên ở Đài Loan. Với ý nghĩa và quy mô của buổi triển lãm trên mà công tác chuẩn bị cũng vô cùng gian nan và đầy những khó khăn. Buổi triển lãm trăm năm mới có một lần này sẽ được diễn ra miễn phí tại Phật Đà Kỉ niệm Quán Phật Quang Sơn trong bốn tháng bắt đầu từ ngày 16/12.
Cột đá trung tâm được trưng bày trong triển lãm
Kể từ thời nhà Hán vào thế kỷ thứ nhất, Đôn Hoàng luôn là cửa ải biên giới quan trọng của tuyến giao thông đường bộ giữa phương Đông và phương Tây, hay còn gọi là Con đường Tơ lụa, nằm trên trục đường bộ chính giữa hai châu lục Á, Âu. Đồng thời nó còn là điểm giao thoa văn hóa, nơi trao đổi và hội nhập giữa phương Đông và phương Tây. Theo ghi chép trong “Đại Chu Lý Quân Mạc Cao Quật Phật Kham Bia” của Thánh Thần Hoàng Đế Võ Tắc Thiên, thời Tiền Tần năm Kiến Nguyên thứ hai (năm 366 sau Công Nguyên), có một vị Tăng sĩ tu khổ hạnh khi vân du đến đây thì đột nhiên thấy một luồng ánh sáng vàng giống như có hàng nghìn Đức Phật hiện ra. Sau đó Ngài liền đào một hang động ngay trên vách đá dưới chân núi Minh Sa, kể từ đó trải qua hàng nghìn năm kiến tạo và dần dần mở rộng, quần thể thạch động Đôn Hoàng kỳ vĩ và tráng lệ được ra đời. Nhờ ưu thế địa lý đặc biệt, Hang động Mạc Cao Đôn Hoàng dựa trên nghệ thuật truyền thống của nhà Hán, nhà Tấn, cộng thêm việc du nhập văn hóa từ bên ngoài, đặc biệt là ảnh hưởng từ nghệ thuật phương Tây đã tạo thành một thể nghệ thuật đa chiều gồm kiến trúc, điêu khắc và bích họa.
Một trong những văn vật được trưng bày trong triển lãm
Trước Công nguyên, Phật giáo Ấn Độ được truyền bá rộng rãi dọc theo Con đường Tơ lụa qua Afghanistan, Trung Á, dọc miền nam bắc của sa mạc Taklamakan, qua Tây Vực rồi truyền đến Trung Quốc, sau đó lại tiếp tục lan rộng về phía đông tới Bắc Triều Tiên và Nhật Bản. Nghệ thuật Phật Giáo nhờ vậy mà được quy tụ và thăng hoa tại Đôn Hoàng, khiến cho Đôn Hoàng trở nên thịnh vượng rực rỡ, là khu di tích nghệ thuật Phật Giáo có quy mô lớn nhất, lịch sử lâu đời nhất, bảo tồn toàn vẹn nhất, nội dung phong phú nhất và mỹ lệ, tinh túy nhất thế giới. Mặc dù phần lớn nội dung nghệ thuật của Hang động Đôn Hoàng chủ yếu về Phật giáo, nhưng tư liệu dùng để vẽ, khắc, xây dựng tái hiện lại giáo lý Phật Đà đều dựa trên cuộc sống sinh hoạt thực tế lúc bấy giờ. Từ hình thức kiến trúc, y quan phục sức, cuộc sống tình cảm, phong tục nhân dân, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho đến hoạt động săn bắt đánh cá… Đây đều là kho tư liệu văn hóa quý báu nhất về cuộc sống sinh hoạt xã hội thời cổ đại và sự giao lưu văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Và là nền mỹ thuật không có gì sánh bằng của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
Pháp sư Như Thường, giám đốc Phật Đà Kỉ niệm Quán cho biết Tổ Sư sáng lập ra Phật Quang Sơn, Tinh Vân Đại Sư, ban đầu khi xây dựng Bảo tàng Phật Đà, Ngài đã sử dụng gạch sa thạch màu vàng tương tự như gạch của Hang động Mạc Cao làm nền gạch chính. Bên cạnh đó Ngài còn ủy nhiệm thầy Dương Huệ San lấy mẫu tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn tại động thứ ba của Hang động Mạc Cao làm mẫu, để điêu khắc và tô vẽ cho tượng của bảo tàng, thể hiện mối liên kết giữa bảo tàng với Hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng cách xa đó nghìn dặm. Theo như Pháp sư Như Thường giới thiệu, triển lãm này đã được lên kế hoạch từ 10 năm trước, giá trị văn vật được giới thiệu đến người xem tỷ lệ thuận với những khó khăn thách thức trong khâu tổ chức triển lãm, đặc biệt là cột động trung tâm hang số 432, hang 45, hang 3, bảy tảo tỉnh và triển lãm bích họa Ngũ Đài Sơn, nhưng rất đáng giá cho chúng ta đến chiêm ngưỡng và thưởng thức.
Một góc của buổi triển lãm
Tô Bá Dân, giám đốc Viện Nghiên cứu Đôn Hoàng, người đã đặc biệt vượt cả một quãng đường dài để đến chủ trì buổi lễ khai mạc, chia sẻ rằng Hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng không chỉ là một kho tàng văn hóa được quy tụ từ sự giao thoa giữa các nền văn minh đa dạng dọc theo Con đường Tơ lụa, mà còn là di tích nghệ thuật Phật Giáo có quy mô lớn nhất, lịch sử lâu đời nhất, nội dung phong phú nhất và được bảo tồn toàn vẹn nhất còn tồn tại cho đến ngày nay. Giám đốc Tô còn chia sẻ, giao lưu Phật giáo là một phần quan trọng trong trao đổi văn hóa, đóng vai trò thiết yếu trong việc giao lưu giữa Trung Quốc và Đài Loan. Dưới sự nỗ lực của các bên, lần này, các văn vật nghệ thuật quý giá của hang động Đôn Hoàng đã vượt thời gian và không gian đến với Đài Loan, thánh địa Phật Giáo hiện đại lớn nhất thế giới – Phật Đà Kỉ niệm Quán của Phật Quang Sơn. Giúp cho người dân Đài Loan gần xa có thể chiêm ngưỡng, cảm thụ sức hấp dẫn của văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Buổi triển lãm sẽ có hướng dẫn viên được đào tạo bài bản tiếp dón khách đến thăm
Từ giữa tháng 11, tất cả các văn vật được trưng bày trong “Triển lãm Ánh sáng Con đường Tơ lụa – Triển lãm đặc biệt về nghệ thuật hang động Đôn Hoàng” đã được di chuyển bằng đường biển bắt đầu từ Thiên Tân, Trung Quốc đi qua Thượng Hải trong khí hậu khắc nghiệt để đến Đài Loan. Nhưng may mắn thay tất cả mọi chuyện đều thuận lợi, sau gần hai tuần trang trí và sắp xếp, cuối cùng triển lãm cũng có thể khai mạc hoành tráng vào ngày 15. Để phục vụ và giúp đỡ du khách tốt hơn, Phật Đà Kỉ niệm Quán cũng đã triển khai chương trình đào tạo tình nguyện viên hướng dẫn du lịch chuyên sâu từ tháng 11, do đích thân giám đốc Viện nghiên cứu Đôn Hoàng phụ trách giảng dạy các bạn hướng dẫn viên có thành tích tốt. Trong thời gian triển lãm, bảo tàng sẽ kết hợp tổ chức các hoạt động như trải nghiệm vẽ mô phỏng bích họa Đôn Hoàng, biểu diễn màn đêm kỳ diệu ở Đôn Hoàng và các buổi diễn thuyết theo chuyên đề. Buổi triển lãm sẽ là một bữa tiệc trải nghiệm nghệ thuật vô cùng thích hợp cho mọi người.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn: TVBS 

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares