Sám hối oan gia trái chủ, bệnh u nang buồng trứng tự khỏi sau một tuần

Đây là một câu chuyện có thật từ chị Nguyễn Thị Hồng Vân tại Quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh.

Sinh già bệnh chết là một vòng tròn quái ác lặp đi lặp lại từ trước đến nay chưa bao giờ thay đổi. Cho dù bạn là ai, từ người nghèo cùng khốn khó đến tỷ phú đô la, từ người tàn tật câm ngọng tới nhà khoa học lẫy lừng, cũng chả chạy đâu cho thoát khỏi những nỗi đau khổ muộn phiền vì nó.

Và đương nhiên rồi, với Vân cũng thế. Từ nhỏ tới nay, cô gái với thân hình nhỏ nhắn từ tấm bé đã hay ốm vặt, hầu như lúc nào cũng phải dắt theo người vài viên thuốc, không bệnh này thì bệnh kia, dặt dẹo khó nuôi. Vân hiện nay đang là cô giáo mầm non ở một ngôi trường tại quận Bình Tân, Tp Hồ Chí Minh, nhưng sinh ra và lớn lên ở thôn Chánh Định, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Vân vẫn nhớ như in cái thời thơ ấu nơi miền quê Bình Định đầy nắng vàng, cát trắng và gió biển thổi lồng lộng. Khi đó cô mới chỉ đâu 5-6 tuổi, cứ mỗi đêm trăng sáng vằng vặc chiếu xuống sáng rỡ cả một khoảng sân vườn, ông bà nội Vân lại trải tấm chiếu cói đơn sơ trên hè ngồi hóng gió. Vân những lúc ấy cũng ti toe chạy ra hóng mát cùng, lăn vào lòng ông bà mà đòi được nghe chuyện cổ tích.

Những câu chuyện cổ tích của bà đã trở thành một phần tuổi thơ của Vân. Cô bé loắt choắt ngày nào thắc mắc về nhân vật ông Bụt, bà Tiên thường hay xuất hiện trong truyện, mới hỏi:

– Khi con đau khổ thì làm sao để kêu ông Bụt và bà Tiên đến giúp mình hả Nội?

Bà của Vân thấy cô cháu gái nhỏ thắc mắc, mới khuyên cháu:

– Con nhớ niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” và “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát” là được rồi.

20

Trẻ con thì thường nhớ nhanh và lâu lắm, kể từ câu nói ấy của bà Nội, từ nhỏ Vân đã chăm chỉ niệm Phật. Cứ mỗi khi ba mẹ la mắng, bạn bè trêu chọc, hay buồn phiền bất cứ thứ gì, Vân đều niệm Phật. Câu niệm Phật đã đồng hành cùng Vân từ khi còn là cô bé cho tới lúc dần lớn lên, đi học, đi làm. Tất nhiên chẳng tránh được những lúc ham chơi quên niệm Phật, vì dù sao Vân vẫn còn đang mải mê với bao nhiêu thú vui của thế gian đang hấp dẫn cô ngoài kia.

Nhân lành với Phật Pháp đã bén duyên với Vân từ những ngày thơ bé đó, cô cũng tìm hiểu đôi chút nên hiểu rằng sự ốm yếu mà cô phải chịu suốt bao năm qua là do những ác nghiệp đã tạo ra trong quá khứ từ vô thủy kiếp. Biết vậy nên Vân luôn cố gắng chấp nhận, nhưng tới một ngày cầm kết quả phiếu khám bệnh trên tay, cô vẫn không tránh khỏi hoang mang lo lắng.

Đó là vào tháng 6 năm 2022, bỗng nhiên phần bụng dưới của Vân thường xuyên có dấu hiệu đau nhiều, rong kinh, kinh nguyệt thất thường, thể trạng này khiến cô khá mệt mỏi, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt thường ngày. Tâm trí chỉ để vào bệnh tật, chẳng lo nghĩ được việc gì khác nữa.

Cho tới buổi sáng ngày 31-07-2022, bụng Vân đau dữ dội bất thường, từng cơn đau cuộn lên dồn dập. Thấy tình hình không ổn, cô vội vàng ra phòng khám đa khoa Thành Công tại địa chỉ số 36 Tây Thạnh, P.Tây Thạnh, Quận Tân phú, TP. Hồ Chí Minh nhờ bác sỹ thăm khám.

Sau khi siêu âm kiểm tra đầy đủ các xét nghiệm cần thiết, Vân nhận tờ phiếu kết quả trên tay, đọc từng dòng chữ rõ ràng:

“Bệnh nhân: Nguyễn Thị Hồng Vân sinh ngày 13-10-1988, địa chỉ: Quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh. Kết luận: U Nang Đa Thùy Buồng Trứng Phải, đường kính 31x28mm”.

Tuy đã biết đó là nghiệp của mình, cũng đã quen với thân thể vốn đã sẵn gầy gò ốm yếu, nhưng thực tình mà nói, cô cũng không khỏi hoang mang lo lắng khi biết bệnh. Vân còn trẻ, chưa chồng chưa con, cha mẹ ở quê thì cũng bệnh tật luôn. Vân bắt đầu bi quan mường tượng đến tương lai mù mịt, nào vô sinh, nào u ác tính, rồi nhỡ có mệnh hệ gì thì cha mẹ già không người nương tựa.

Trở về nhà, đêm hôm đó, Vân suy tư rất nhiều. Cô chỉ là một giáo viên mầm non với đồng lương ít ỏi, chi tiêu sinh hoạt hàng tháng là hết sạch, chẳng tiết kiệm được gì, giờ tiền đâu ra mà chữa bệnh. Vân cũng chẳng dám kể với cha mẹ họ hàng ở quê, sợ mọi người lo lắng. Cứ suy nghĩ miên man như vậy, cô bất lực lắm, bật khóc nức nở một mình trong căn phòng trọ thanh vắng.

Như một thói quen từ nhỏ đến giờ, cứ khi nào thấy khổ, Vân lại nhớ đến Phật, Bồ Tát. Lần này cũng vậy, bi quan và tuyệt vọng, lại cô đơn trống trải một mình, Vân vừa khóc vừa khấn nguyện mẹ Quán Thế Âm:

“Giờ con khổ lắm rồi, bệnh tật và những đau khổ trong cuộc sống cứ dày vò thân con. Xin Mẹ hãy cứu lấy con, cho con thoát khỏi cảnh đau khổ này”

Cứ thế âm thầm khấn nguyện, Vân chìm vào giấc ngủ lúc nào chẳng hay. Một đêm cô đơn lạnh lẽo rồi cũng trôi qua, sáng hôm sau bình minh lại ló rạng. Những tia nắng sớm đã len lỏi qua khung cửa sổ tràn vào căn phòng nhỏ bé của Vân. Tỉnh dậy Vân bất giác nhớ ra mấy cuốn sách được một người bạn tặng cho đã lâu, trong đó có cuốn “Bệnh Viện Trả Về, Phật Pháp Cứu Sống” do tác giả Quang Tử biên soạn.

Như người sắp chết đuối vớ được cọc, Vân ngấu nghiến đọc và lập tức thực hành theo nghi thức Sám hối Cầu siêu cho oan gia trái chủ như hướng dẫn trong sách.

Nghi thức cũng đơn giản, chẳng mấy phức tạp, nhưng quan trọng là Vân hết sức chân thành. Mỗi một lần đảnh lễ các Ngài là một lần cung kính. Mỗi một câu niệm Phật là một niệm sám hối thiết tha.

Vân tự cảm thấy mình đã từng thật nhẫn tâm gây bao thống khổ cho các vị oan gia trái chủ, bởi thế nên nay mới phải chịu khổ sở như hiện tại. Cô vì thế mà nguyện đoạn ác tu thiện, mong các vị ấy buông bỏ hiềm hận tha thứ cho mình. Vân dùng hết bổn tâm, tha thiết trong từng câu từng chữ sám hối. Chỉ có tâm chân thành khẩn thiết như vậy mới có thể khiến oan gia động lòng tha thứ.

Cứ như vậy cách một ngày sau, cô lại sám hối theo nghi thức đó thêm một lần nữa.

Vì còn phải đi làm, nên Vân tranh thủ mỗi sáng sớm khi vừa ngủ dậy, cô vệ sinh sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề, trang nghiêm, ngồi niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” chừng 15-20 phút hồi hướng cho tất cả các chư vị oan gia trái chủ đang ngự trên thân, xin các vị buông bỏ thù hận để cùng Vân niệm Phật. Xong xuôi cô mới đi làm.

Một tuần trôi qua …

Vào ngày 7-8-2022, Vân qua bệnh viện Từ Dũ để thăm khám lại. Cô đưa cho bác sỹ xem kết quả khám cũ với khuôn mặt buồn rầu, không giấu được sự lo lắng.

Bác Sỹ Phượng bình tĩnh, đưa thiết bị siêu âm dò trên khắp khoang bụng một cách kĩ càng và chụp lại các tấm ảnh vùng bụng dưới cùng các thông số kĩ thuật y khoa.

-Chị đã coi kết quả cũ và hồ sơ của em rồi, nhưng siêu âm lần này chị không thấy gì bất thường hết,mọi thứ bình thường và cái u đó rụng rồi em nhé – bác sỹ Phượng nở nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn miệng, thông báo kết quả.

Tai Vân như ù đi vì nghe những lời nói ấy. Cô thất thần một lúc mới định tâm, rồi vỡ òa trong niềm hạnh phúc sung sướng. Thực tình Vân định tái khám để tiến hành điều trị, tâm lý cũng đã sẵn sàng cho công cuộc chữa bệnh dài ngày. Ai ngờ đâu bệnh tật đã tan biến rồi. Chẳng những thế, căn bệnh viêm xoang mũi hành hạ vân bao tháng ngày cũng không lý do mà hết từ lúc nào chẳng hay.

Vân xúc động lắm, Đức Phật đã chỉ đường dẫn lối cho Vân con đường thoát khổ, nhờ đó Vân có cơ hội quay đầu, sám hối, tạo công đức để thay đổi cuộc sống của mình.

Đã có biết bao nhiêu trường hợp khỏi bệnh nhờ biết tu tập theo Phật Pháp. Phật Pháp hướng dẫn chúng ta biết tu tập sửa đổi, bỏ ác tu thiện để giải quyết được những khổ đau trong cuộc đời. Thế nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi “Đau khổ thì triền miên không dứt, khổ này hết, khổ khác lại tới, chẳng nhẽ ta cứ loay hoay mãi để đi giải quyết vô vàn nỗi khổ trong cái vòng tròn bất tận đó sao.”

Thử ngẫm mà xem. Vô sinh thì tu tập rồi cũng có con, con lớn rồi hư hỏng bất hiếu nhờ tu tập cũng giúp hóa giải vấn đề, nghèo khó không công ăn việc làm nhờ tu tập cũng xin được việc, già rồi mắc bệnh cũng nhờ tu tập mà tiêu trừ bệnh tật, thế nhưng hết cảm sốt rồi thì lại đến nhức đầu, hết đau bụng lại đến đau lưng, hết viêm phổi lại đến ung thư v.v. thậm chí chết rồi thì lại sinh ra, sinh ra rồi lại tiếp tục những nỗi khổ không cùng tận đó.

Chúng ta ở đây, trong vòng quay luân hồi này chỉ để giải quyết những nỗi khổ đó. Rốt cuộc vẫn cứ là khổ. Đúng vậy. Cái khổ chẳng bao giờ chấm dứt triệt để nếu như chúng ta còn trong lục đạo luân hồi. Chỉ có ra khỏi lục đạo luân hồi mới là cứu cánh.

Đức Phật thị hiện ở đời cũng là vì mục đích rốt ráo này. Cho nên với người tu tập, cần phải khởi tâm muốn được giải thoát ra khỏi luân hồi sinh tử. Đây mới là mục đích quan trọng. Giải quyết những nỗi khổ trên kia chỉ là phương tiện để chúng ta tiến tới mục đích tối hậu là giải thoát. Các Đức Phật Bồ Tát cũng chỉ mong mỏi chúng sinh được giải thoát sinh tử thì khổ đau mới chấm dứt vĩnh viễn. Xin các Phật tử hãy lưu ý điều quan trọng này.

Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của Nguyễn Thị Hồng Vân.

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares