Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập và phát triển quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Hàn Quốc, Hòa thượng Domyeong Sunim đã xuất bản cuốn sách “Phật giáo Gaya: Mở ra cánh cổng” bằng tiếng Anh. Đây là cuốn sách viết về lịch sử Phật giáo Hàn Quốc, cụ thể là trình bày về sự du nhập của Phật giáo từ Ấn Độ sang Hàn Quốc.
Buổi ra mắt sách đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Ấn Độ ở Seoul vào ngày 22/9 để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và văn hóa giữa hai nước Ấn Độ – Hàn Quốc. Sự kiện này được tổ chức bởi Đại sứ quán Ấn Độ và Quỹ Xúc tiến Văn hóa Gaya.
Tham gia sự kiện này có Đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc, ông Shri Amit Kumar, một số chính khách đại diện chính phủ Hàn Quốc, Hòa thượng Domyeong Sunim – trụ trì chùa Yeoyeojeong và là tác giả của cuốn sách, cùng các học giả nổi tiếng và một số tu sĩ Phật giáo thuộc dòng Tào Khê.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt cuốn sách, Hòa thượng Domyeong Sunim chia sẻ rằng: “Tôi hy vọng Ấn Độ và Hàn Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm phong phú thêm nền văn hóa nhân loại, bằng cách tìm lại lịch sử cổ đại đã mất”.
Đại sứ Ấn Độ tại Hàn Quốc, ông Shri Amit Kumar, phát biểu tại buổi lễ
Trong cuốn sách của mình, Hòa thượng Domyeong Sunim khám phá giả thuyết cho rằng, Phật giáo được du nhập vào Hàn Quốc bởi Công chúa Suriratna, của xứ Ayodhya, người mà theo truyền thuyết kể rằng đã du hành đến bán đảo Triều Tiên bằng đường biển vào năm 48 Sau Công Nguyên.
Các tài liệu lịch sử đưa ra nhiều giả thuyết về con đường truyền bá Phật giáo đến Hàn Quốc. Trong đó, một số nhà sử học tranh luận về sự tồn tại của Công chúa Suriratna, do thiếu bằng chứng.
Hòa thượng Domyeong Sunim cho biết trong sự kiện ra mắt rằng: “Cuốn sách của tôi không phải là để làm giảm giá trị của các sử liệu, các cách giải thích lịch sử trước đây. Nghiên cứu của tôi chỉ đơn giản chỉ ra khả năng Phật giáo đã truyền trực tiếp đến Hàn Quốc từ Ấn Độ bằng đường biển”.
Công chúa Suriratna được nhắc đến trong biên niên sử Hàn Quốc thế kỷ 13. Sử liệu này ghi lại rằng, năm 16 tuổi, công chúa Suriratna trở thành vợ của Vua Suro, thuộc triều đại Geumgwan Gaya (42-199 Sau Công Nguyên). Công chúa đến từ một vương quốc xa xôi, có tên là Ayodhya.
Hơn sáu triệu người Hàn Quốc hiện đại có dòng dõi từ Công chúa Suriratna, người trở thành Hoàng hậu Heo Hwang ok, là hậu duệ trực tiếp của 12 người con của Công chúa với Vua Suro. Có một ngôi mộ cổ ở thành phố Gimhae, tỉnh Nam Kyungsang được cho là của bà.
Khách tham dự chụp hình lưu niệm tại buổi lễ ra mắt sách
Đại sứ Amit Kumar cho biết: “Cuốn sách của Hòa thượng Domyeong Sunim là nguồn tài liệu vô giá, là bằng chứng cho mối liên hệ văn hóa sâu sắc giữa Ấn Độ cổ đại và Hàn Quốc. Những dữ liệu lịch sử ấy giúp tái khẳng định mối quan hệ văn hóa chặt chẽ và sự giao lưu của người dân giữa hai quốc gia với nhau”.
Việc xuất bản và ra mắt cuốn sách được hỗ trợ bởi Liên đoàn Phật giáo Quốc tế có trụ sở tại Delhi, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và chính quyền thành phố Gimhae.
Minh Nguyên biên dịch
Nguồn: Buddhist Door