Vào ngày 17 tháng 1 năm 2024, Tổng vụ trưởng Thiền phái Tào Khê thứ 37, Pháp sư Chân Ngu (Venerable Jinwoo), đã công bố kế hoạch hoằng pháp mới với mong muốn làm cho thiền định trở nên phổ biến hơn trong dân gian.
Pháp sư Chân Ngu chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng thông qua việc phổ biến thiền định có thể mở ra một con đường hướng tới sự thanh tịnh và hạnh phúc nội tại cho mọi người dân.”
Tăng đoàn phái Tào Khê sẽ thiết kế các khóa tu thiền theo nhiều giai đoạn khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời kỳ hiện đại, đồng thời hướng dẫn đại chúng tham gia các hoạt động bao gồm đếm hơi thở, nội quán[1], chỉ quán[2], …
“Chúng tôi sẽ chuẩn bị các khóa học đặc biệt dành cho một số các vấn đề khó khăn cụ thể trong cuộc sống, ví dụ như cách ngồi thiền khi gặp phiền não , hoặc cách “dọn sạch” mạch suy nghĩ trước những kỳ thi quan trọng… Năm nay sẽ là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch mới.” Pháp sư Chân Ngu bổ sung: “Trong những năm qua, nhiều Pháp sư đã nỗ lực truyền bá thiền định với hy vọng thiền định sẽ trở nên phổ biến, nhưng đối với đại chúng mà nói thì tu thiền không phải là việc dễ dàng. Vì vậy chúng tôi hy vọng có thể tận lực truyền bá các pháp môn tu tập phù hợp với nhu cầu của xã hội hiện nay.”
Ảnh : Internet
Từ tháng 4 năm nay, phái Tào Khê Hàn Quốc sẽ triển khai kế hoạch thí điểm tại các tự viện lớn, cho phép những người tham gia chương trình “Tự viện ký túc” (Temple Stay) có cơ hội trải nghiệm các khóa học được thiết kế bởi tăng đoàn. Bên cạnh đó tăng đoàn cũng sẽ tổ chức “Cuộc thi Thiền định Quốc tế” vào tháng 9, với hy vọng thu hút thêm người nước ngoài tham gia học thiền.
Phái Tào Khê là tông phái Phật giáo lớn nhất Hàn Quốc, có lịch sử hơn 1.200 năm, có thể truy xuất nguồn gốc từ thời Tân La thống nhất[3] của Bán đảo Triều Tiên (668-935). Hiện nay, tông phái này quản lý hơn 13.000 ngôi chùa và hơn 7 triệu tín đồ tại Hàn Quốc.
Để thu hút đại chúng đến với Phật môn, phái Tào Khê đã thiết kế nhiều hoạt động đa dạng trong những năm gần đây, ví dụ như tổ chức “Triển lãm Phật giáo quốc tế” (Seoul International Buddhism Expo) hàng năm tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Thương mại Seoul (SETEC), trưng bày các hiện vật pháp khí quý hiếm, cũng như tổ chức chương trình “Tự viện ký túc” tại các ngôi chùa, cho phép người dân trải nghiệm cuộc sống của các tu sĩ xuất gia. Tháng 10 năm ngoái, Hòa thượng Trí Hữu, Trưởng ban Giáo dục của Viện giáo dục phái Tào Khê, cũng cho xuất bản cuốn “Tổng quan về Phật giáo Đại thừa” (Introduction to Mahayana Buddhism) làm sách nhập môn cho những người bắt đầu học Phật.
Phật sự Tản Viên biên dịch
Nguồn: Buddhist Door
[1] Nội quán là cả lý luận và thực hành về nhận thức bằng tuệ giác (Prajna), trực tiếp siêu vượt ngôn ngữ và khái niệm của Phật giáo
[2] Chỉ có nghĩa là dừng lại. Quán có nghĩa là xem xét. Nói dừng lại, tức là dừng mọi vọng tưởng không cho dấy khởi. Còn xem xét là quán chiếu ở nơi tự tâm. Chỉ là tên khác của Định. Quán là tên khác của Huệ.
[3] Tân La hay hậu Tân La thống nhất là một nhà nước tồn tại trong thời gian từ năm 668 đến năm 935 tại Tân La nói riêng và bán đảo Triều Tiên nói chung.