“Khóa tu Như Lai thiền” tại chùa Đại Phật được các tín đồ Trung Quốc đón nhận, hàng nghìn người đã tham gia trải nghiệm

Trong thành thị hiện đại với nhịp sống gấp gáp, chúng ta thường phải đối mặt với áp lực công việc, phiền muộn gia đình khiến cho thân tâm luôn trong trạng thái lo lắng, bất an. Tình cảnh cuộc sống gia đình xáo trộn, tình cảm rạn nứt, làm thế nào để chúng ta có thể an trú ngay trong giây phút hiện tại, xoa dịu cơn nóng nảy, từ đó mà thân tâm được thanh tịnh? Làm sao để có thể tu tâm dưỡng tính, phá mê khai ngộ? Làm thế nào để tìm ra nhân sinh chân đế, đi trên con đường giải thoát?

Như Lai Thiền[1] và Tổ Sư Thiền[2] đều là những pháp môn tu hành trong hệ thống tu thiền của chùa Đại Phật, Trung tâm Tu Thiền của chùa Đại Phật bắt đầu từ việc tu tập thiền định, giải đi đôi với hành. Trụ trì chùa Đại Phật, Đại Hòa thượng Diệu Trí thường nói: “Cả giải và hành đều là pháp để học đạo, giải và hành phải hợp nhất, chỉ khi giải được đi đôi với hành thì mới có thể thành tựu đạo Bồ Đề”.

    

    Ảnh: Internet

“Như Lai Thiền” có hệ thống chặt chẽ, trình tự rõ ràng, là chỗ hạ thủ trong việc tu hành, mục đích chính là để rèn luyện năng lực của giác tri giác chiếu giác, chiếu thân tâm của bản thân, nhận diện được phiền não của chính mình. Dựa trên nền tảng này mà thành tựu chỉ quán[3], thể chứng Phật Pháp.

Ba pháp môn tu hành của chùa Đại Phật hiện nay gồm có Tổ Sư Thiền, Như Lai Thiền và Niệm Phật. Tất cả đều là Pháp do Đức Bản Sư thuyết ra, khế hợp với bản hoài của Đức Phật. Pháp tu hành cần nhất môn thâm nhập, hành giải tương ưng, thì mới đạt đến cảnh giới giải thoát.

Để giúp những người yêu thích thiền thực hành tu thiền, thể chứng Phật Pháp. Chùa Đại Phật đã tổ chức Khóa tu Như Lai Thiền cho các tín đồ Phật tử đến tham gia, bằng cách thông qua việc rèn luyện về “thân, thọ, tâm, pháp” nắm bắt được cách chế ngự tâm, đồng thời có được phương pháp giúp cho thân tâm tự tại.        

Chùa Đại Phật đã mời các vị Thiền sư nổi tiếng trong và ngoài nước đến hướng dẫn cho Phật tử, đồng thời để ra một khoảng không gian ở trong chùa làm nơi tu tập, do Pháp Sư chuyên trách quản lý. Khóa tu Như Lai Thiền do chùa Đại Phật tổ chức được rất nhiều Phật tử yêu thích và đón nhận. Khóa tu được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013. Theo số liệu thống kê, từ năm 2019 đến nay, chùa Đại Phật đã tổ chức 10 Khóa tu Thiền Tứ Niệm Trụ[4] với hơn 300 thành viên tham gia và gần một nghìn tình nguyện viên hỗ trợ. Trong đó, Khóa tu Thiền Tứ Niệm Trụ lần thứ tư năm 2023 gần đây đã đạt được những thành tựu vượt trội như thời gian tọa thiền của toàn thể thành viên khóa tu là trên 3 tiếng, nhiều thành viên và tình nguyện viên tọa thiền trong 7 tiếng, thậm chí có hai bạn đồng tu tọa thiền 20 tiếng trong một lần thiền.

Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, kể từ tháng 3 năm 2022 chùa Đại Phật còn bắt đầu tổ chức “Hội trà thiền thanh tịnh cuối tuần”. Tính đến cuối năm 2023, chùa đã tổ chức 40 buổi trà thiền với tổng số hơn 4000 người tham gia trải nghiệm. Trong ngày tham dự sự kiện, các tín đồ Phật tử có thể hiểu được thế nào là Chính Pháp, phương pháp tu Thiền, và cách duy trì chính niệm trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Cộng tu mỗi sáng và mỗi tối: Để đáp ứng nhu cầu của những người yêu thích tu thiền định, nhà chùa đã triển khai các buổi cộng tu Tứ Niệm Trụ sáng và tối kể từ đầu năm 2023, trong vòng một năm số người tham gia đạt gần 10.000 người.       

Khóa tu Thiền Tứ Niệm Trụ: là một khóa tu thiền tập thể hoàn toàn khép kín kéo dài bảy ngày. Các thành viên tham dự sẽ ăn và ngủ trong chùa, thọ bát quan trai giới, chỉ ngữ trong suốt khóa tu, và gửi điện thoại cho ban tổ chức giữ. Mỗi tiết học tất cả mọi người đều phải đến hội trường đúng giờ và tham gia toàn bộ chương trình, không được ra khỏi chùa giữa khóa tu.

Ảnh: Internet       

Trong quá trình thiền, nội dung thực hành bao gồm thiền hành chính niệm, tọa thiền (chính niệm trong hơi thở), thiền tâm từ, thiền trong sinh hoạt (ăn uống chính niệm, sinh hoạt chính niệm) … Các buổi khai thị Phật Pháp gồm kiến thức Phật học cơ bản, Quy Y Tam Bảo, Phật Đà và Phật Pháp, Kinh Tứ Niệm Trụ (Đại Niệm Xứ Kinh), A Tỳ Đạt Ma… Ngoài ra, mỗi ngày còn có thời gian báo cáo tu thiền cố định, đó là lúc các thành viên nêu ra những cảm nghĩ về quá trình tu thiền của mình, đồng thời các Pháp Sư hướng dẫn sẽ giải đáp thắc mắc của khóa sinh. Kết thúc khóa tu nhà chùa sẽ tổ chức hội trà chính niệm và tọa đàm giao lưu, chia sẻ.

Phương pháp tu Thiền Tứ Niệm Trụ của Như Lai Thiền dễ hành. Hành giả tu tập có thể áp dụng phương thức đếm hơi thở, trong lúc đi, đứng, ngồi, nằm đều có thể quán sát và thu nhiếp thân tâm, có thể khiến cho tâm hồn đạt được thanh tịnh, an định trong vòng vài phút ngắn ngủi, rời xa các loại phiền não quấy nhiễu thân tâm, thậm chí diệt trừ được bệnh khổ, khắc phục được khổ đau phiền não, để thân nhẹ tâm tịnh, ý ngay thẳng, hòa nhập với thiên nhiên, sống trong phút giây hiện tại, cho đến khi thành tựu trí tuệ Bát Nhã, chứng được Vô Thượng Bồ Đề.

Phật sự Tản Viên biên dịch

Nguồn: Buddhist Door

[1] Như Lai Thiền: Chỉ cho Thiền định của Phật địa, là 1 trong 4 loại thiền, có xuất xứ từ phẩm Tập nhất thiết pháp trong kinh Đại thừa nhập lăng già quyển 3. Tức là thiền định tiến vào đất Như lai, chứng được 3 thứ vui của Thánh trí, thị hiện diệu dụng rộng lớn không thể nghĩ bàn làm lợi ích cho chúng sinh.

[2] Tổ Sư Thiền bắt đầu từ Phật Thích Ca truyền lại cho ngài Ma Ha Ca Diếp, đến ngài A Nan rồi truyền tới Tổ thứ 28 là ngài Bồ Đề Đạt Ma. Sau đó ngài Bồ Đề Đạt Ma truyền sang Trung Quốc. Bồ Đề Đạt Ma được tôn làm Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa, truyền cho Nhị tổ Huệ Khả, Tam tổ Tăng Xán, Tứ tổ Đạo Tín, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn và Lục tổ Huệ Năng. Sau đó chia thành năm phái: Lâm Tế, Tào Động, Pháp Nhãn, Quy Ngưỡng và Vân Môn. Mỗi phái đều có phương tiện cơ xao riêng để khế hợp với từng cơ duyên của đệ tử. Mục đích của tu Tổ Sư Thiền là làm ngưng lại dòng tâm ý thức (thường lưu) trôi chảy liên tục trong tâm con người từ thời vô thủy.

[3] Chỉ Quán: Ngưng bặt hết thảy ngoại cảnh và vọng niệm, chuyên chú vào một đối tượng duy nhất (Chỉ) – đồng thời, sinh khởi trí tuệ chân chính, để quán xét đối tượng duy nhất ấy (Quán) gọi là Chỉ quán, tức chỉ cho hai pháp Định và Tuệ.

[4] Tứ Niệm Trụ còn gọi là Tứ Niệm Xứ. Trong đó, Tứ nghĩa là bốn; Niệm là nhớ nhung, tưởng nhớ luôn canh cánh trong lòng; Xứ là địa chỉ, nơi chốn. Do đó Tứ Niệm Trụ được hiểu nôm na là 4 nền tảng cốt lõi của Đạo Đế mà những người tu Phật giáo cần phải chú ý để tâm coi trọng và quan sát, ghi nhớ. Tứ Niệm là: Thân bất tịnh; Pháp vô ngã; Tâm vô thường, Thọ thị khổ.

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares