Hiệp hội Khyentse thành lập trung tâm Nghiên cứu Phật học tại Thái Lan

Hiệp hội Khyentse, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi Lạt-ma Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche vừa mới thành lập thêm một Trung tâm Nghiên cứu Phật học tại Trường Đại học Phật giáo Quốc tế ở Thái Lan, và được đặt tên là Trung tâm Nghiên cứu kinh điển Phật giáo Palyul-Khyentse.

Hiệp hội Khyentse thành lập trung tâm Nghiên cứu Phật học tại Thái Lan

Hiệp hội Khyentse, một tổ chức Phật giáo phi lợi nhuận

Trung tâm này được thành lập với sự tài trợ kinh phí từ Hiệp hội Phật giáo Yayasan Pema Norbu Vihara có trụ sở tại Malaysia. Việc thành lập thêm các trung tâm nghiên cứu Phật học tại các quốc gia trên thế giới sẽ góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu, giảng kinh điển Phật giáo bằng tiếng Phạn và truyền bá Phật giáo đến với cộng đồng thế giới.

Theo Hiệp hội Khyentse, bối cảnh nghiên cứu Phật học đang thay đổi ở châu Á, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Khu vực này có tiềm năng trở thành một trung tâm phát triển tốt cho lĩnh vực nghiên cứu Phật học. Và đương nhiên, xét theo nền tảng Phật giáo của khu vực thì đây là một sự phát triển đáng mong đợi. Và càng ý nghĩa hơn, khi đây là Trung tâm nghiên cứu Phật học đầu tiên mà Hiệp hội Khyentse thành lập ở châu Á. Các trường đại học ở châu Á đang dần hình thành mạng lưới học thuật có thể mang lại lợi ích không nhỏ cho các cộng đồng Phật giáo ở châu Á và cả những châu lục khác trên thế giới.

Lạt-ma Dzongsar Khyentse Rinpoche vừa là một tác giả, vừa nhà làm phim khá nổi tiếng. Ngài đã thành lập Hiệp hội Khyentse vào năm 2001. Mục đích hoạt động của Hiệp hội là truyền bá giáo lý của Đức Phật, hỗ trợ tất cả các truyền thống nghiên cứu và thực hành Phật giáo. Các hoạt động của Hiệp hội bao gồm các dự án dịch thuật và bảo tồn văn bản, hỗ trợ cho các trường Đại học Phật giáo ở châu Á; cung cấp chương trình học bổng và giải thưởng trên toàn thế giới; đồng thời, phát triển nghiên cứu Phật học tại các trường đại học lớn, đào tạo và phát triển các giảng viên Phật học; phát triển các phương thức giáo dục mới lấy cảm hứng từ Phật pháp cho thanh thiếu niên.

Theo thông tin từ Hiệp hội Khyentse, Tiến sĩ Maria Vasylieva sẽ đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh điển Phật giáo Palyul-Khyentse tại Thái Lan. Tiến sĩ Vasylieva là người gốc Ukraine, tốt nghiệp tiến sĩ khoa học chính trị tại Học viện Khoa học Quốc gia Ukraine, và sắp hoàn thành chương trình tiến sĩ triết học Phật giáo tại Trường Đại học Phật giáo Quốc tế ở Thái Lan. Sở dĩ Hiệp hội chọn Tiến sĩ Maria Vasylieva giữ vai trò Giám đốc trung tâm là vì Tiến sĩ Maria Vasylieva vốn có năng lực và dày dặn kinh nghiệm trong việc biên phiên dịch tiếng Tây Tạng và tiếng Phạn. Tiến sĩ Maria Vasylieva cũng đã theo học khóa nghiên cứu chuyên sâu về triết học Phật giáo và Tây Tạng học tại Viện Rangjung Yeshe trong vòng 6 năm, đã từng tham gia vào nhiều dự án dịch thuật lớn của Hiệp hội. Hiện tại, Tiến sĩ Maria Vasylieva lại đang học tập và nghiên cứu tại Thái Lan. Cho nên, Tiến sĩ Maria Vasylieva là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí này.

Trường Đại học Phật giáo Quốc tế tại Thái Lan là một trường đại học Phật giáo phi giáo phái, cung cấp các khóa học bằng cả bốn ngôn ngữ Phật giáo chính, đó là: tiếng Hán cổ, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng. 

Trường Đại học Phật giáo Quốc tế tại Thái Lan

Giáo sư Mattia Salvini, Trưởng khoa Nghiên cứu sau đại học của Đại học Phật giáo Quốc tế đã bày tỏ lời cảm ơn đến Hiệp hội Khyentse và đến ngài Dzongsar Khyentse Rinpoche. Ông nói: “Trung tâm đã cho chúng tôi cơ hội thúc đẩy việc đào tạo chuyên sâu cho các thế hệ học giả Phật giáo đến từ khắp nơi trên thế giới trong thời gian sắp tới”.

Sau hơn 20 năm hoạt động, Hiệp hội Khyentse đã bảo tồn và cung cấp miễn phí hơn 15 triệu trang kinh điển Phật giáo trên nền tảng internet, tạo cơ hội học tập cho con em của  hơn 1.000 gia đình; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu Phật học tại hơn 35 trường đại học trên thế giới; thành lập các trung tâm nghiên cứu Phật học; tài trợ hơn 1 triệu đô la Mỹ cho công tác đào tạo giảng viên Phật học; dịch thuật nhiều công trình kinh điển Phật giáo lớn sang hơn 15 ngôn ngữ khác nhau; và nhiều hoạt động phúc lợi khác cho cộng đồng Phật giáo Tây Tạng, cộng đồng Phật giáo cũng như người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Minh Nguyên biên dịch

Nguồn: ibc.ac.th/en/

Loading

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Shares